Print

Công việc giản đơn được nhiều NLĐ tìm kiếm

Thứ Ba, 25 /04/2023 14:51

Lao động giản đơn trong lĩnh vực công nghiệp; nhân viên bán hàng và kinh doanh; kế toán và tài chính; quản lý sản xuất; quản lý nhân sự và quản lý dự án được NLĐ tìm việc nhiều nhất trong Quý I/2023.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong Quý 1/2023, thị trường lao động có sự phục hồi khi xu hướng tuyển dụng, tìm kiếm việc làm đều có sự khởi sắc nhất định. Thông qua phân tích dữ liệu đăng tuyển dụng của các DN và NLĐ tìm kiếm việc làm từ Internet trong Quý này, đã có 16.730 lượt DN đăng tuyển dụng 75.285 lao động, 72.458 lao động tìm việc.

Xu hướng tuyển dụng yêu cầu trình độ từ Đại học trở lên chiếm 49,4%; cao đẳng, trung cấp, sơ cấp chiếm 42,3%, không yêu cầu có chuyên môn kỹ thuật 8,3%. NLĐ tìm việc kỳ vọng mức lương phổ biến từ 5- 10 triệu đồng/tháng (chiếm đến 40,9%); có 27,1% kỳ vọng mức lương từ 10- 15 triệu đồng. Trong Quý I/2023, có 5 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ. 5 nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là nhà chuyên môn bậc cao; lãnh đạo và quản lý trong DN; nhà chuyên môn bậc trung; thợ lắp ráp và vận hành máy móc; nhân viên trợ lý văn phòng. 5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là phát triển phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng, chuyên viên dữ liệu và truyền thông; kế toán và tài chính; kinh doanh, bán hàng quản lý sản phẩm; tư vấn sức khỏe và các công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe; kỹ sư cơ khí, điện tử, tự động hóa. Trong khi đó, 5 nghề được NLĐ đi tìm việc nhiều nhất là lao động giản đơn trong công nghiệp; nhân viên bán hàng và kinh doanh; kế toán và tài chính; quản lý sản xuất; quản lý nhân sự và quản lý dự án.

Mặc dù có sự khởi sắc, song Bộ LĐ-TB&XH nhận định thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong Quý II/2023. Bên cạnh một số ngành tăng tuyển dụng thì sẽ có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm. Dự báo sẽ có khoảng 51,25 triệu người có việc làm trong Quý II, tăng thêm 150.000 người so với Quý I (51,1 triệu người có việc làm). Các ngành sản xuất sản phẩm điện tử máy tính, và sản phẩm quang học dự kiến tăng thêm 28.200 việc làm, sản xuất chế biến thực phẩm tăng thêm 18.600; sản xuất đồ uống tăng thêm 4.700 người. Trong khi đó, dự báo các ngành may trang phục sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in , sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người…

Theo nhận định của các đơn vị kết nối cung cầu, nhà tuyển dụng, việc một số ngành, nghề vẫn tăng tuyển dụng, trong khi số khác lại cắt giảm lao động, ngoài các yếu tố tác động do tình hình chung cũng là những xu hướng đan xen bình thường của thị trường lao động. Bởi nhu cầu lao động của mỗi ngành nghề, đơn vị là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tính chất công việc. Đơn cử cũng trong ngành may mặc, nhưng một cán bộ nhân sự của Tổng công ty May 10 cho biết, từ cuối quý I/2023, công việc của lao động ngành may ổn định hơn khi có thêm đơn hàng. Đợt này, công ty đang cần tuyển nhiều nhân sự ở lĩnh vực may, ngoài ra là các vị trí lễ tân, nhân viên maketing… với mức thu nhấp thấp nhất 7 triệu đồng/tháng.

Ở góc độ đơn vị kết nối tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành- Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội thông tin, để hỗ trợ các DN có được nguồn lao động phục hồi sản xuất kinh doanh, đơn vị thường xuyên kết hợp với các địa phương phía Bắc để tăng cường kết nối cung cầu thị trường lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Hà Nội mạnh mảng thương mại- dịch vụ và rất cần tuyển lao động tại chỗ và các tỉnh. Từ sự kết nối trực tuyến sẽ giới thiệu việc làm tới NLĐ. Mặt khác, từ nguồn lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm cũng thường xuyên đẩy dữ liệu này qua sàn việc làm để các đơn vị SDLĐ tìm kiếm ứng viên phù hợp, có chất lượng. “Nhìn chung xu hướng tìm kiếm việc làm của NLĐ, yêu cầu tuyển dụng từ phía DN không có nhiều thay đổi, song sự kỳ vọng của cả hai bên ngày càng cao hơn. Vì thế, bản thân NLĐ cần tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Còn phía DN cần cải thiện hơn nữa về chế độ phúc lợi, môi trường làm việc để giữ chân NLĐ”- ông Thành nhấn mạnh.

Nguyệt Hà