Print

Đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT song hành với nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ BHYT

Thứ Năm, 27 /04/2023 13:35

Sáng ngày 27/4, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chủ trì cuộc họp với Ban THCS BHYT (BHXH Việt Nam) nhằm đóng góp các nội dung, lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT (Tờ trình Chính phủ; Dự thảo đề cương Luật sửa đổi, bổ sung; Báo cáo tổng kết thực hiện Luật; Báo cáo đánh giá tác động chính sách...) theo đề nghị của Bộ Y tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: Để đảm bảo tính khả thi của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT khi triển khai thực hiện, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các chính sách pháp luật có liên quan, đặc biệt là Luật KCB số 15/2023/QH15, cũng như giải quyết được  những bất cập, hạn chế trong Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT. Đặc biệt là phải bảo đảm cân đối Quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế như chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chủ trì cuộc họp

“Mọi góp ý, đề xuất đều phải căn cứ vào khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện, triển khai chính sách trong thời gian qua. Cùng với đó, các quy định sửa đổi phải được đánh giá đầy đủ, chi tiết những tác động đến đối tượng chịu ảnh hưởng, trong đó bao gồm: bệnh nhân BHYT, quỹ BHYT và tính khả thi của những quy định, chính sách mới. BHXH Việt Nam luôn hướng tới đảm bảo tối đa quyền lợi bệnh nhân BHYT. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT”.

Theo báo cáo của Ban THCS BHYT, tại Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT, Bộ Y tế đưa ra 3 nhóm chính sách bao gồm: Mở rộng bền vững đối tượng, quyền lợi của người dân tham gia BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan BHXH; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chính xác, khả thi của các quy định trong văn bản Luật.

Tại buổi làm việc, Ban THCS BHYT đã đề xuất các nội dung dự kiến tham gia góp ý đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng, bổ sung trong Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi). Đồng thời cũng đang tổng hợp ý kiến góp ý của các thành viên Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHYT theo Quyết định số 690/QĐ-BHXH ngày 30/3/2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và ý kiến góp ý của BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm của Ban THCS BHYT với các nội dung cụ thể trong việc xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị Ban THCS BHYT tiếp tục nỗ lực phối hợp với các đơn vị của BHXH Vietj Nam nghiên cứu tham gia góp ý Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi). Trong đó cần đề nghị Bộ T tế đánh giá tác động chính sách đầy đủ, kỹ lưỡng; tích cực lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đối tượng chịu tác động để đảm bả tính khả thi của Luật khi triển khai thực hiện.

Trước đó, ngày 17/4/2023, Bộ Y tế đã có Công văn số 2221/BYT-BH đề nghị BHXH Việt Nam và các bộ/ngành tham gia ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã được Bộ Y tế tiếp thu sửa đổi theo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 906/TB-TTKQH ngày 21/4/2022 và Ủy ban xã hội- Quốc hội tại Báo cáo số 614/BC-UBXH15 ngày 22/3/2022. Để việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật BHYT phù hợp với thực tiễn, góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị BHXH các tỉnh nghiên cứu, góp ý đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT của Bộ Y tế, đồng thời đề xuất nội dung cần sửa đổi bổ sung.

Hà Hùng