Print

Cần trao “cần câu” để NKT tự tạo việc làm

Thứ Năm, 27 /04/2023 16:28

Việc hỗ trợ bằng tiền bạc, vật chất là cần thiết với NKT nhưng chưa đủ, mà cần có “cần câu”- một việc làm phù hợp để họ tự nuôi sống bản thân.

Thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 7,06 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2022, đã có trên 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Nhìn chung, đời sống của NKT còn gặp nhiều khó khăn, đa số sống ở vùng nông thôn, điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội còn hạn chế.

Thời gian qua, NKT được tạo điều kiện vay vốn duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động đã cho vay 3.206 dự án của NLĐ là NKT, tạo việc làm cho khoảng 1.000.000 lao động là NKT (riêng Hội Người mù đã cho vay 554 dự án trong đó có 493 dự án của NKT tạo việc làm cho 588 hội viên trong đó có 493 lao động là NKT). Cùng với đó, Chương trình trợ giúp NKT đã triển khai tại 2 tỉnh Hải Dương và An Giang hỗ trợ 47 NKT khởi nghiệp; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 triển khai mô hình sinh kế cho NKT không có sinh kế ổn định tại 3 huyện thuộc 3 tỉnh: huyện Nam Giang (Quảng Nam), huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) và huyện Tri Tôn (An Giang) trao tặng tổng số 120 con bò cái sinh sản cho 120 NKT nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS không có sinh kế ổn định.

Theo ông Nghiêm Xuân Tuệ- Giám đốc Văn phòng Điều phối các hoạt động hỗ trợ NKT Việt Nam, cộng đồng hỗ trợ người tàn tật bằng tiền bạc, vật chất hay nói cách khác là cho họ “con cá” thì rất cần thiết, đáng quý nhưng chưa đủ. Đủ ở đây là NKT phải có một “chiếc cần câu”- một việc làm phù hợp để tự nuôi sống bản thân. Nhiều lần được cung cấp, hỗ trợ “cá”, NKT sẽ sinh ra tâm lý ỷ lại, không còn ý chí, nghị lực vươn lên... Do vậy, để có việc làm ổn định thì sự nỗ lực của NKT là chưa đủ mà còn cần ý thức về trách nhiệm xã hội từ phía DN. “Pháp lệnh Người tàn tật quy định doanh nghiệp phải nhận từ 2- 3% tổng số lao động là NKT vào làm việc. Nếu chưa hoặc không nhận đủ tỷ lệ này thì hàng tháng phải nộp vào Quỹ việc làm dành cho NKT một số tiền tương ứng với mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước với số người tàn tật mà DN còn thiếu. Thế nhưng, trên thực tế số DN thực hiện quy định này vẫn còn ít. Nhiều lao động khuyết tật sau khi được học nghề, thậm chí đã qua đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học bị DN từ chối tiếp nhận với đủ loại lý do. Việc DN không mặn mà với việc tiếp nhận NKT vào làm việc ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các trung tâm dạy nghề nhân đạo”- ông Tuệ nhấn mạnh.

Điều đáng nói, chế tài xử phạt đối với hành vi phân biệt đối xử NKT trong tuyển dụng, quản lý lao động chưa đủ sức răn đe khiến cuộc sống của NKT đã khó khăn càng khó khăn hơn. Không có NKT mà có những NLĐ với năng lực khác nhau. Đó là một cách nói để chỉ ra rằng rất nhiều người bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng không khiếm khuyết về năng lực lao động, sáng tạo. Mỗi dạng khuyết tật phù hợp với một công việc riêng. Người khiếm thị vẫn có thể làm tốt công việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại; người khiếm thính thường thì có đôi bàn tay cực khéo và cảm quan mỹ thuật rất tốt; NKT ở chân không ngăn họ trở thành một nhân viên IT xuất sắc… Đặc biệt, những nghiên cứu gần đây cho thấy, NKT khi được đào tạo đúng nghề, sẽ làm việc không thua kém nhiều so với người bình thường. Hơn nữa, được doanh nghiệp nhận vào làm việc, NKT chắc chắn sẽ rất gắn bó với cơ sở, không có tâm lý đứng núi này trông núi nọ.

Ông Tô Đức- Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2023 hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT sẽ được rà soát, chú trọng đến những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận GDNN, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho NKT. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng hồ sơ trình dự án sửa đổi bổ sung Luật Người khuyết tật, Luật Việc làm và Luật BHXH, trong đó, việc lồng ghép, bổ sung các chính sách phù hợp đối với NKT được quan tâm. Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2023, các địa phương cần ưu tiên triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế đối với NKT không có sinh kế ổn định, thông qua các mô hình sinh kế hiệu quả như: mô hình khởi nghiệp, mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho NKT; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…

Nguyệt Hà