Print

Giai đoạn năm 2000- 2020: Tỷ lệ tử vong của phụ nữ mang thai và sinh con giảm 34,3%

Thứ Sáu, 28 /04/2023 11:49

LHQ vừa công bố một báo cáo mới với tiêu đề Xu hướng tử vong phụ nữ mang thai và sinh con từ năm 2000 đến năm 2020 (Trends in maternal mortality 2000 to 2020).

Báo cáo là sự nỗ lực phối hợp của một số cơ quan thuộc LHQ, thu thập thông tin từ 185 quốc gia và vùng lãnh thổ- hầu hết là các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), về sức khỏe phụ nữ mang thai và sinh con trong 2 thập kỷ qua.

Theo số liệu, “mỗi ngày có khoảng 800 phụ nữ tử vong do các nguyên nhân có thể phòng, ngừa liên quan đến mang thai và sinh con”. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và sinh con có xu hướng tăng tại một số khu vực trong vài năm qua. Năm 2020, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và sinh con ở các quốc gia có thu nhập thấp là 430/10.000 ca sinh; trong khi đó, tỷ lệ này ở các quốc gia có điều kiện kinh tế tốt hơn là 12/10.000 ca. Mặc dù chỉ có 13% dân số toàn cầu sống tại các quốc gia kém phát triển nhất nhưng phụ nữ ở các quốc gia này chiếm tới 42% số ca tử vong ở phụ nữ mang thai và sinh con trên toàn thế giới vào năm 2020.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở phụ nữ mang thai và sinh con, theo WHO, là băng huyết, nhiễm trùng, huyết áp cao khi mang thai, phá thai không an toàn và các biến chứng liên quan đến sinh con. Hầu hết những nguyên nhân này có thể hạn chế, tránh được thông qua chăm sóc sức khỏe và chăm sóc y tế đơn giản. Tuy nhiên, theo TS.Natalia Kanem- Giám đốc điều hành UNFPA, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu 900.000 nữ hộ sinh và “khoảng 1/3 phụ nữ không có điều kiện thực hiện phân nửa trong số 8 lần khám thai được khuyến nghị hoặc nhận được sự chăm sóc thiết yếu sau khi sinh”.

Đáng chú ý, nghèo đói có tác động đáng kể đến sức khỏe phụ nữ mang thai và sinh con toàn cầu. Các khu vực nghèo thường thiếu nguồn lực y tế, nhân viên y tế có trình độ để chăm sóc đầy đủ cho phụ nữ trong thời kỳ thai sản. Theo Tổ chức Y tế Pan American, tỷ lệ tử vong phụ nữ mang thai và sinh con cao nhất là ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nghèo đói và xung đột. Ví dụ, 70% số ca tử vong mẹ trên toàn cầu vào năm 2020 xảy ra ở vùng cận Saharan châu Phi (tương đương với 202.000/287.000 ca tử vong phụ nữ mang thai và sinh con xảy ra ở khu vực này). Các quốc gia như Nam Sudan, Chad và Nigeria có tỷ lệ tử vong mẹ rất cao, trong đó Nigeria ghi nhận nhiều ca tử vong phụ nữ mang thai và sinh con nhất vào năm 2020. Trung và Nam Á cũng vậy, khu vực này có 47.000 ca tử vong phụ nữ mang thai và sinh con vào năm 2020, cao thứ 2 thế giới.

Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận, thế giới đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong việc giảm tử vong phụ nữ mang thai và sinh con từ năm 2000 đến năm 2015, khi các quốc gia thành viên LHQ thông qua các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals, MDGs). Kết quả là tỷ lệ tử vong phụ nữ mang thai và sinh con đã giảm 34,3%. Các khu vực từng có số ca tử vong phụ nữ mang thai và sinh con cao nhất ghi nhận nhiều tiến bộ nhất kể từ năm 2000. Trong đó, tỷ lệ tử vong phụ nữ mang thai và sinh con giảm 33,1% ở châu Phi cận Sahara từ năm 2000 đến 2020; Bắc Phi và Tây Á giảm 46,8%; Trung và Nam Châu Á giảm 67,5%. Theo báo cáo của LHQ, ngay cả những quốc gia kém phát triển nhất cũng giảm 47,4%.

Như chúng ta đã biết, các quốc gia thành viên LHQ đã thông qua MDGs vào năm 2015. Trong đó, mục tiêu thứ 3 nhằm mục đích “đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người ở mọi lứa tuổi”; đặc biệt, trong đó “giảm tỷ lệ tử vong phụ nữ mang thai và sinh con xuống dưới 70 trên 100.000 ca sinh” vào năm 2030. LHQ, cũng như nhiều tổ chức đang nỗ lực để đạt được mục tiêu này.

WHO điều hành Dự án Sức khỏe phụ nữ mang thai và sinh con (Maternal Health Unit) nhằm cải thiện sức khỏe và phúc lợi của bà mẹ, trẻ sơ sinh, cũng như chấm dứt tử vong phụ nữ mang thai và sinh con có thể phòng, ngừa được” thông qua giáo dục, giám sát và vận động chính sách.

UNFPA, UNICEF, WHO và Liên đoàn Nữ hộ sinh Quốc tế (ICM) tạo ra Khung Hành động nhằm tăng cường giáo dục hộ sinh, ra mắt vào năm 2019, tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72. Khung Hành động bao gồm các kế hoạch chi tiết, toàn diện để xây dựng hệ thống giáo dục hộ sinh chất lượng cao.

WHO phát triển Bộ Công cụ giáo dục hộ sinh để cung cấp cho “nữ hộ sinh tất cả các khóa đào tạo cần thiết để chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh, ngăn chặn các can thiệp không cần thiết trong khi đảm bảo các hành động cứu sinh và cho phép các chuyên gia y tế làm việc hiệu quả trong một nhóm đa ngành”.

Ngoài ra, WHO là đối tác của Quỹ Muskoka (Pháp). Được Chính phủ Pháp khởi xướng vào năm 2010, quỹ nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở 9 quốc gia châu Phi. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, quỹ cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thuốc men và chuyên gia thiết yếu. Chính phủ Pháp đã gia hạn cam kết với quỹ 2 lần kể từ năm 2015 và Đan Mạch cam kết hỗ trợ quỹ vào năm 2018. Năm 2021, Chính phủ Pháp công bố cam kết tài trợ 10 triệu euro hàng năm cho Quỹ Muskoka đến năm 2026.

Như vậy, để đạt được mục tiêu thứ 3 của MDGs, cần có nỗ lực toàn cầu, đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, cơ sở vật chất, giáo dục và vận động chính sách sẽ giúp hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong phụ nữ mang thai và sinh con trên toàn thế giới.

Tùng Anh (Theo ICM)