Print

Khi Ban Chỉ đạo sâu sát công tác an sinh

Thứ Sáu, 28 /04/2023 14:49

Thực tế cho thấy, BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp quận, huyện đang có vai trò là “điểm tựa”, là “khởi nguồn” quan trọng đảm bảo ASXH trên địa bàn. Nơi nào Ban Chỉ đạo sâu sát công tác an sinh, nơi đó công tác BHXH, BHYT được triển khai thực hiện tốt.

“Khởi nguồn” quan trọng đảm bảo ASXH

BCĐ Thực hiện chính sách BHXH, BHYT quận Thanh Xuân (Hà Nội) do Phó Chủ tịch UBND quận Đặng Khánh Hòa là Trưởng Ban; Chủ Tịch UBND 11 phường và Lãnh đạo các tổ chức, hội đoàn thể trên địa bàn là các thành viên. Nhiều năm qua, BCĐ quận được Thành phố Hà Nội đánh giá hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò là “điểm tựa”, là “khởi nguồn” quan trọng đảm bảo ASXH trên địa bàn.

Ngay trong năm 2022, BCĐ quận Thanh Xuân luôn bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình công tác và chỉ đạo của các cấp, chủ động tham mưu đề xuất trình Quận ủy, HĐND, UBND quận ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan, UBND các phường, các nhà trường, các đơn vị SDLĐ tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận thực hiện chính sách ở địa phương.

Nhờ những chỉ đạo sát sao của BCĐ, năm 2022, BHXH quận đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức cả 4 chỉ tiêu mà HĐND Thành phố giao về bao phủ BHYT (đạt 93,5% dân số), tham gia BHXH bắt buộc (đạt 43% LLLĐ trong độ tuổi), BHXH tự nguyện (đạt 2% LLLĐ trong độ tuổi) và BH thất nghiệp (đạt 39% LLLĐ trong độ tuổi).

Tại quận Thanh Xuân, BHXH quận phối hợp các phòng, ngành liên quan thực hiện TTHC liên thông theo Đề án 06 của Chính phủ 02 bộ TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng DVC Quốc gia, gồm: Cấp giấy khai sinh- Hộ tịch- Thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí. Ngay trong Quý I vừa qua, quận Thanh Xuân đã nỗ lực tạo dựng được “điểm sáng” về cả 4 chỉ tiêu HĐND TP.Hà Nội giao về tỷ lệ bao phủ BHYT, tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BH thất nghiệp.

Dù ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng mỗi thành viên BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT đều rất trách nhiệm, tận tâm góp sức để đảm bảo ASXH cho người dân. Ở cương vị là Chánh Thanh tra quận Thanh Xuân, bà Nguyễn Thu Hiền- thành viên BCĐ hiểu về công tác BHXH, BHYT như “người trong cuộc”. Bà chia sẻ rằng, để hạn chế thấp nhất tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo vệ quyền lợi của NLĐ thì cách tốt nhất là cần bám sát cơ sở, DN, phòng ngừa tình trạng chậm đóng từ sớm, từ xa. Khi phát hiện đơn vị DN khó khăn, có dấu hiệu chậm đóng, cơ quan BHXH cần phối hợp, hướng dẫn hỗ trợ ngay để tìm cách tháo gỡ từ lúc mới, lúc ít. Như vậy, sẽ đỡ vất vả và hiệu quả hơn nhiều.

Mới đây, tại cuộc họp BCĐ, ông Đặng Khánh Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng BCĐ yêu cầu BHXH quận và các đơn vị thành viên BCĐ tăng cường chỉ đạo, thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, lãnh đạo chỉ đạo các BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại UBND 11 phường.

Theo ông Hòa, Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT chính là cánh tay nối dài của cơ quan BHXH, vì vậy, phải thường xuyên đào tạo bồi dưỡng để các nhân viên được nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền, vận động người tham gia. UBND các phường, các hội, đoàn thể chủ động phối hợp với các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, tư vấn trực tiếp đến từng tổ dân cư, rà soát các hộ kinh doanh các thể để phát triển người tham gia đạt chỉ tiêu HĐND Thành phố giao năm 2023. Cùng với đó, BHXH quận phải phối hợp chặt chẽ với phòng LĐ-TB& Xã hội, Thanh tra, Công an, LĐLĐ, Chi cục Thuế, UBND 11 phường tiếp tục tăng cường kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định.

Những người “truyền lửa”

Là một nữ Phó Chủ tịch UBND quận, bà Trịnh Thị Dung luôn quan tâm sâu sát đến công tác BHXH, BHYT, bởi theo bà, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT chính là góp phần bảo đảm quyền được ASXH của mỗi công dân và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của quận. Vì vậy, ở cương vị là Trưởng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT quận Cầu Giấy, bà đề nghị cơ quan BHXH quận phải báo cáo định kỳ để nắm bắt thông tin, nhất là những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà người dân trong quận quan tâm, bức xúc để kịp thời xử lý, tháo gỡ.

Năm 2022, quận Cầu Giấy đạt 92,9% dân số tham gia BHYT; đạt 41% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc; 39% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHTN; 1,5% LLLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Bước sang quý I/2023, BHXH quận tiếp tục có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển người tham gia, trong công tác thu – chi, giải quyết chế độ BHXH BHYT.

Trưởng BCĐ thực hiện BHXH, BHYT quận Cầu Giấy nhận định: 3 quý còn lại năm 2023 còn nhiều thách thức, khó khăn, vì vậy, bà nêu ra 10 giải pháp để vượt qua. Trong đó, các phòng, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, UBND các phường phải tăng cường công tác tuyên truyền; BHXH quận phối hợp với các phòng ban chức năng của quận thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường kiểm tra, rà soát các đơn vị, DN để tuyên truyền, hướng dẫn tham gia BHXH; Thanh tra, kiến nghị xử lý những hành vi vi phạm Luật BHXH, BHYT; tham mưu UBND quận huy động nguồn viện trợ, nguồn xã hội hóa, các quỹ từ thiện hợp pháp … để hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đối với nhóm người yếu thế... Đồng thời, Trưởng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT quận Cầu Giấy cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND 8 phường, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu ASXH của quận năm 2023, tiến tới BHXH cho mọi NLĐ, BHYT toàn dân.

Tại quận Tây Hồ, bà Bùi Thị Lan Phương– Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT quận Tây Hồ quán triệt: Thành viên BCĐ đều là kiêm nhiệm, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đều phải thống nhất chung nhận thức trách nhiệm đảm bảo ASXH cho người dân; Thực hiện chính sách BHXH, BHYT không phải của riêng cơ quan BHXH mà của cả hệ thống chính trị, nên phải tích cực “vào cuộc”. Những thành viên BCĐ phải như những người “truyền lửa”.

Trong cuộc họp BCĐ quận quý I vừa qua, bà Bùi Thị Lan Phương chỉ rõ: Số người tham gia BHXH bắt buộc và BH thất nghiệp có tăng, nhưng rất chậm; Số người tham gia BHXH tự nguyện không những chưa xứng với tiềm năng, mà còn chưa bền vững; Số người tham gia BHYT có tăng, nhưng phải phấn đấu đạt BHYT toàn dân. Đặc biệt, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT vẫn cao hơn mức bình quân của TP.Hà Nội…

Vì vậy, bà Bùi Thị Lan Phương yêu cầu các phòng, ngành, UBND các phường phải đổi mới cách tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên các nhóm Zalo với những nội dung ngắn gọn cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường phối hợp liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý DN, quản lý lao động để xác định chính xác số DN, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc… UBND các phường rà soát chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, linh hoạt tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tiếp tục tham gia; Tiếp tục mở rộng Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT để người dân thuận tiện, dễ liên hệ khi tham gia hay thụ hưởng các quyền lợi BHXH, BHYT.

Châu Anh