Print

Thu nhập tăng lên, người dân chưa dám “nới lỏng” chi tiêu

Thứ Năm, 04 /05/2023 16:09

Thu nhập người dân tăng trở lại; giảm mức chênh lệch các nhóm giàu-nghèo; không có sự khác biệt về tiếp cận thẻ BHYT hay sổ/thẻ/giấy KCB miễn phí giữa khu vực, vùng, mức sống và giới tính...

Thu nhập người dân đang tăng trở lại

Đó là những kết quả đáng chú ý của Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 (KSMS 2022) vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Một trong các cấu phần của khảo sát về tiếp cận dịch vụ y tế cho thấy, năm 2022, tỷ lệ người có KCB trong 12 tháng là 27,7%, giảm 9,2 điểm % so với năm 2020. “Dịch Covid-19 có lẽ gây tâm lý lo ngại việc phải đi KCB trong người dân, tỷ lệ khám bệnh ngoại trú năm 2022 là 26,4% và nội trú là 3,6%; giảm tương ứng 7,5 điểm % và 3,5 điểm % so với năm 2020”- KSMS 2022 đánh giá.

Năm 2022, có 89,2% người có thẻ BHYT hay sổ/thẻ/giấy KCB miễn phí và không có sự khác biệt về tiếp cận thẻ BHYT hay sổ/thẻ/giấy KCB miễn phí giữa khu vực, vùng, mức sống và giới tính. Hai vùng có tỷ lệ người có thẻ BHYT hay sổ/thẻ/giấy KCB miễn phí thấp nhất là Tây Nguyên (84,3%) và Đông Nam Bộ (84,6%). Chi tiêu y tế bình quân 1 người có KCB năm 2022 cũng giảm so với 2020, cụ thể năm 2022 là 2,5 triệu đồng trong khi năm 2020 là hơn 3 triệu đồng.

Đánh giá chung về thu nhập của người dân, KSMS 2022 nhận định: Năm 2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư. Sau 2 năm 2019-2020, thu nhập bình quân đầu người giảm liên tiếp do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân 1 người/tháng năm 2022 quay trở lại xu hướng tăng như các năm từ 2019 trở về trước.

Thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân 1 người/tháng năm 2022 ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng (tăng 10,4 điểm % so với năm 2021), cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm % so với năm 2021).

KSMS 2022 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng thông tin về chi tiêu chỉ đại diện đến cấp toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng địa lý. Các thông tin được thu thập trong KSMS 2022 gồm: Thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, tình hình đời sống của hộ và một số đặc điểm của xã.

Trong 6 vùng, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân 1 người/tháng năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân 1 người/tháng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng).

Năm 2022, thu nhập bình quân 1 người/tháng từ tiền lương, tiền công đạt 2,6 triệu đồng (tăng 8,2 điểm %); thu từ nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 0,47 triệu đồng (tăng 4,3 điểm %); thu từ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1,1 triệu đồng (tăng 15,9 điểm %); thu từ các nguồn thu khác đạt 0,5 triệu đồng (tăng 24,7 điểm %).

Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm, từ 20,1% năm 2010 xuống 10,8% năm 2021 và còn 10,1% năm 2022. Ngược lại, tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng so với năm 2019, 2020 và 2021 (34,7% so với 33,4%, 33,3% và 32,5%). Tỷ trọng các khoản thu từ tiền lương, tiền công có giảm nhẹ so với năm 2021 (giảm 1,5%) nhưng vẫn duy trì ở mức cao (55,2%). Điều này cho thấy, sau đại dịch, các hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản có sự phục hồi nhanh chóng.

Cải thiện chênh lệch hai nhóm giàu-nghèo

Theo KSMS 2022, dưới tác động của dịch Covid-19, các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị. Năm 2022, chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm % so với 2020. Mức chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm % so với năm 2020), ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7 điểm % so với năm 2020). Số liệu này cho thấy, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp chủ yếu do giảm chi tiêu của người dân sống ở thành thị.

Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2022, chi cho đời sống bình quân 1 người/tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 95,5% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người xấp xỉ 1,3 triệu đồng và không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra những thay đổi trong khoảng cách giữa hai nhóm hộ giàu nhất và nghèo nhất. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) đạt 10,23 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất).

Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất là 3,2 lần năm 2022. Theo đó, chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng ở các hộ theo thứ tự là gần 4,1 triệu đồng so với gần 1,3 triệu đồng/người/tháng. Có thể thấy, điểm nổi bật là chênh lệch giữa hai nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2022 có phần được cải thiện so với năm 2020 (chênh lệch năm 2020 là 5,7 lần), trong đó chủ yếu là do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (5,7 triệu năm 2020 giảm còn 4,1 triệu năm 2022)...

Năm 2022 là năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, với chuẩn nghèo thu nhập và 6 chiều dịch vụ xã hội cơ bản tương ứng với 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Theo chuẩn nghèo mới, toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (12,1%). Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (tương ứng 0,7% và 0,9%).

Xét riêng về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các hộ gia đình Việt Nam năm 2022 thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và BHYT (22,4%).

Thái An