Hiện nay, trên thế giới chỉ có 27% dân số được thụ hưởng đầy đủ các chế độ an sinh xã hội; gần 90% số người trong độ tuổi lao động không được hưởng các chương trình hưu trí có khả năng cung cấp đủ lương hưu…

Theo các tổ chức quốc tế, đây là một trong những nguy cơ có thể khiến tình trạng nghèo đói, nhất là đối với người già trở nên trầm trọng hơn.

Đó cũng là lý do việc mở rộng diện bao phủ BHXH được xác định là vấn đề ưu tiên của tất cả các quốc gia; đồng thời là một trong số các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Trong bối cảnh đó, sự gia tăng số NLĐ đã có thời gian tham gia BHXH nhận trợ cấp BHXH một lần- đồng nghĩa với việc rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất- là dấu hiệu rất đáng lo ngại không chỉ với chính NLĐ trong tương lai, mà còn tạo ra những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH cũng như đảm bảo an sinh xã hội.

BHXH- Điểm tựa của NLĐ

Trụ cột của hệ thống an sinh xã hội

Để đảm bảo quyền được hưởng an sinh xã hội của con người, hệ thống an sinh xã hội đã được hình thành và phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện.

Đây là hệ thống bao gồm nhiều chế độ, chính sách, trong đó mỗi chế độ, chính sách có vai trò, chức năng và phạm vi hoạt động riêng, mang tính kết hợp nhằm tạo ra một mạng lưới an sinh xã hội rộng khắp, bao trùm toàn bộ dân cư của một quốc gia.

Hệ thống này có mục tiêu bảo vệ mọi thành viên trước những rủi ro, những biến động bất thường xảy ra hay trong những hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt.

Trong hệ thống an sinh xã hội, hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Bản chất của BHXH là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH.

Những mục tiêu cơ bản của BHXH:

- Ổn định cuộc sống NLĐ, trợ giúp NLĐ khi gặp rủi ro về sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm… sớm phục hồi sức khỏe, việc làm, góp phần duy trì và phát triển nguồn lao động cho nền sản xuất xã hội.

- Tạo sự yên tâm, tin tưởng của NLĐ khi về già có thu nhập ổn định sau quá trình lao động và đóng góp vào quỹ BHXH.

- Góp phần phân phối lại thu nhập một cách công bằng, có sự chia sẻ giữa các tầng lớp dân cư, giữa các thế hệ.

- Giảm trách nhiệm chi của NSNN trong việc ổn định cuộc sống cho người già, người bị thất nghiệp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

- Đảm bảo sự bình đẳng trong tham gia, đóng góp và hưởng thụ của những NLĐ trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy đoàn kết và gắn kết xã hội.

Item 1 of 3

Các chế độ BHXH:

Theo Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về An sinh xã hội- tiêu chuẩn tối thiểu, có 9 nhánh chế độ BHXH bao gồm:

- Chăm sóc y tế: Cung cấp sự trợ giúp cho những người được bảo vệ khi họ cần đến sự chăm sóc y tế. Các trường hợp bảo vệ bao gồm mọi tình trạng đau ốm vì bất kỳ nguyên nhân gì và tình trạng thai nghén, sinh đẻ và các hậu quả tiếp theo.

- Trợ cấp ốm đau: Bảo đảm việc cung cấp cho những người được bảo vệ khoản trợ cấp ốm đau. Các trường hợp bảo vệ bao gồm tình trạng mất khả năng lao động do đau ốm gây ra và dẫn đến gián đoạn thu nhập.

- Trợ cấp thất nghiệp: Đảm bảo cho những người được bảo vệ được nhận trợ cấp khi thất nghiệp. Trường hợp bảo vệ phải bao gồm tình trạng gián đoạn thu nhập và xảy ra do không thể có được một công việc thích hợp, trong tình hình người được bảo vệ có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc.

- Trợ cấp tuổi già (hưu bổng): Đảm bảo cho những người được bảo vệ được nhận trợ cấp tuổi già (hưu bổng). Trường hợp bảo vệ là những người sống lâu hơn một độ tuổi được quy định.

- Trợ cấp trong trường hợp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp: Những trường hợp bảo vệ bao gồm những trường hợp sau đây, nếu do các tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được quy định gây ra: Tình trạng đau ốm; Mất khả năng lao động do tình trạng đau ốm gây ra và dẫn đến gián đoạn thu nhập; Mất hoàn toàn khả năng thu nhập, hoặc mất một phân khả năng thu nhập vượt quá mức quy định, nếu tình trạng đó trở thành thường xuyên hoặc có sự giảm sút tương ứng về thể lực; Người vợ góa hoặc con cái bị mất phương tiện sinh sống do người trụ cột gia đình chết.

- Trợ cấp (phụ cấp) gia đình: Bảo đảm cho những người được bảo vệ được trợ cấp gia đình (phụ cấp gia đình). Trường hợp bảo vệ là gánh nặng về con cái theo quy định.

- Trợ cấp thai sản: Trường hợp bảo vệ bao gồm thai nghén, sinh đẻ và những hậu quả tiếp theo, sự gián đoạn thu nhập nảy sinh.

- Trợ cấp tàn tật: Trường hợp bảo vệ là tình trạng không có khả năng tiến hành một hoạt động có thu nhập ở một mức độ quy định, khi tình trạng đó có cơ sở trở thành thường xuyên hoặc vẫn tiếp tục tồn tại sau khi ngừng trợ cấp ốm đau.

- Trợ cấp tiền tuất: Trường hợp bảo vệ phải gồm việc người vợ góa hoặc con cái bị mất phương tiện sinh sống do người trụ cột gia đình chết.

Tuy nhiên, tuỳ theo điều kiện kinh tế- xã hội mà mỗi quốc gia lựa chọn thực hiện các chế độ này cho phù hợp.

Ở Việt Nam hiện nay, Luật BHXH đã quy định thực hiện 5 chế độ bao gồm: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất. Bên cạnh đó, Luật BHYT quy định chế độ BHYT; Luật Việc làm quy định về chế độ BH thất nghiệp.

Hưởng trợ cấp- Quyền lợi của NLĐ

Khi tham gia đóng góp vào quỹ BHXH, NLĐ được hưởng các chế độ theo quy định, cụ thể là được hưởng các khoản trợ cấp.

Trợ cấp BHXH là một khoản vật chất (thường là tiền) mà NLĐ nhận được từ tổ chức BHXH trong trường hợp xảy ra những biến cố trong thời gian lao động hay khi hết tuổi lao động khiến họ bị giảm hoặc mất thu nhập, góp phần ổn định đời sống của bản thân NLĐ và gia đình họ.

Trợ cấp BHXH thực hiện một số chức năng:

- Chức năng đảm bảo trong các trường hợp ốm đau, thai sản.

- Chức năng chuyển dịch trong các trường hợp tuổi già, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chết…

- Chức năng đền bù trong các trường hợp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

- Chức năng phân phối lại trong các trường hợp ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình…

Những nhu cầu BHXH có thể phát sinh tại một thời điểm, giai đoạn nào đó hoặc cũng có thể là một quá trình dài. Vì vậy, người ta thường phân loại trợ cấp BHXH thành:

- Trợ cấp ngắn hạn (còn gọi là trợ cấp đột xuất): Đây là khoản trợ cấp được chi trả cho những nhu cầu phát sinh như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

- Trợ cấp dài hạn: Đây là loại trợ cấp chi trả thường kỳ cho NLĐ, có tác dụng góp phần bảo đảm cuộc sống cho họ và gia đình. Loại trợ cấp này gồm trợ cấp tuổi già; trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp nặng phải nghỉ việc; trợ cấp tuất và mất người nuôi dưỡng.

Hưu trí- Chế độ quan trọng hàng đầu

Nếu như BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội thì chế độ hưu trí được xem là trụ cột của chính sách BHXH.

Trong các chế độ BHXH, hưu trí là chế độ quan trọng hàng đầu, nhằm đảm bảo và ổn định cuộc sống lâu dài của NLĐ khi họ bị suy giảm khả năng lao động, khi hết tuổi lao động, không còn tạo ra thu nhập để đảm bảo cuộc sống; khi từ trần, thân nhân của người nghỉ hưu còn được hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần theo quy định.

Tùy theo trình độ phát triển kinh tế và cơ cấu dân số xã hội, hệ thống hưu trí được xây dựng tương đối khác biệt theo từng quốc gia. Tuy nhiên, với ý nghĩa quan trọng của chế độ này trong dài hạn, ở bất cứ quốc gia nào, việc mở rộng diện bao phủ BHXH cũng hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ người dân được hưởng lương hưu. Đa số các nước cũng quy định BH hưu trí là hình thức BH bắt buộc; đồng thời mức đóng vào quỹ hưu trí cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng mức đóng BHXH (kể cả theo hình thức bắt buộc hay tự nguyện).

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, nếu xét riêng tiêu chí thu nhập, trên thế giới có hơn 1,2 tỷ người nghèo (thu nhập dưới 1,25 USD/ngày); khoảng 10% trong số đó là những người trên 60 tuổi.

Theo ILO, cuộc sống của nhóm người cao tuổi nghèo là khá ảm đạm. Họ có rất ít cơ hội kiếm việc làm để có thu nhập và cơ hội để họ có thể tiếp cận với những biện pháp hỗ trợ sinh kế như canh tác tự cung tự cấp, kinh doanh quy mô nhỏ trong nền kinh tế phi chính thức… cũng rất hạn chế. Vì vậy, với những trường hợp này, ILO cho rằng, việc cung cấp thu nhập bằng lương hưu, ngay cả khi ở mức khiêm tốn cũng là rất quan trọng.

BHXH một lần- Nhiều hệ lụy!

Một tình huống, 2 lựa chọn

Trong nhiều trường hợp, việc đóng BHXH của NLĐ không phải là một quá trình liên tục mà bị gián đoạn bởi nhiều lý do khác nhau như NLĐ chuyển nơi làm việc, đi định cư ở nước ngoài, chấm dứt HĐLĐ, suy giảm khả năng lao động...

Chính vì vậy, pháp luật BHXH thường có quy định về việc bảo lưu thời gian đóng BHXH để cộng nối thời gian nếu NLĐ tiếp tục làm việc và có đóng BHXH (với cả 2 hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện) hoặc cho phép NLĐ nhận BHXH một lần.

Bảo lưu thời gian đóng BHXH

Thực hiện bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, NLĐ sẽ có nhiều lợi ích hơn như:

- Khi trở lại làm việc thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì NLĐ được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện.

- Trường hợp không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

- Khi NLĐ chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt HĐLĐ phải nghỉ việc, thì với quy định của chính sách BH thất nghiệp, NLĐ vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.

- Khi NLĐ được hưởng lương hưu hàng tháng thì quỹ BHXH đóng BHYT cho NLĐ.

Ngoài ra, trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH, nếu không may NLĐ từ trần thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất bao gồm: trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần theo quy định.

Nhận BHXH một lần

Khi nhận BHXH một lần, NLĐ có thêm một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên:

- NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận. Do vậy, kể cả khi có việc làm và đóng BHXH trở lại thì NLĐ phải bắt đầu tích lũy BHXH từ đầu. Điều đó có thể khiến NLĐ không thể tích lũy đủ số năm đóng BHXH cần thiết khi đến tuổi nghỉ hưu.

- NLĐ khi hết tuổi lao động không có điều kiện để được hưởng lương hưu hàng tháng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội và tạo thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc hỗ trợ những người không có lương hưu.

- Việc NLĐ nhận BHXH một lần cũng không khuyến khích NLĐ quay lại thị trường lao động để được tham gia BHXH, ảnh hưởng tới mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH cũng như sự bền vững của quỹ hưu trí, qua đó ảnh hưởng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội nói chung.

Item 1 of 3

Hạn chế BHXH một lần: Lựa chọn của nhiều quốc gia

Chính vì tầm quan trọng của các chế độ BHXH trong suốt vòng đời của NLĐ, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng của chế độ hưu trí tới cuộc sống của NLĐ và gia đình họ khi NLĐ mất sức lao động hay hết tuổi lao động, nên hầu hết các quốc gia đều có quy định hạn chế NLĐ nhận BHXH một lần. 

Theo Hiệp hội An sinh quốc tế (ISSA) và ILO, các quốc gia có hệ thống BH hưu trí giống như Việt Nam đều không cho hưởng BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp định cư ở nước ngoài hay bị bệnh hiểm nghèo.

Đơn cử, tại những nước có hệ thống BHXH có mức hưởng được xác định trước như Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ và Colombia…, pháp luật BHXH có cho phép hưởng BHXH một lần.

Tuy nhiên việc chi trả một lần phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi. Chẳng hạn, tại tất cả các quốc gia này, khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu chưa đủ thời gian đóng góp, NLĐ sẽ được nhận BHXH một lần. Trong khi đó các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga và Đức không cho phép hưởng BHXH một lần.

Cũng theo thống kê của các tổ chức quốc tế trên, hầu hết những quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí dựa trên tài khoản cá nhân cũng không khuyến khích NLĐ rút các khoản đóng góp trước tuổi 55 hoặc chỉ cho phép rút một tỷ lệ hạn chế để đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trước mắt.

Tuy nhiên, khoản chi trả này phải trích từ Quỹ phòng xa, Quỹ hưu trí bổ sung hoặc các chương trình BH hưu trí theo ngành nghề để đảm bảo khả năng NLĐ không gặp rủi ro khi về già không có lương hưu và chăm sóc y tế.

Cụ thể, các nước như Brunei, Malaysia, Singapore và Ấn Độ cho phép rút sớm một khoản tiền hạn chế ở trong các Quỹ phòng xa, Quỹ hưu trí bổ sung hoặc Quỹ hưu trí theo ngành nghề để phục vụ mục đính mua nhà ở hoặc chi tiêu cho giáo dục, y tế (ở Brunei và Malaysia, khoảng 20-25% các tài khoản đóng góp cá nhân có thể được rút ra để mua nhà; tại Malaysia, Singapore và Ấn Độ cho phép rút khoản tiền giới hạn nhằm mục đích liên quan tới giáo dục và y tế).

Tuy nhiên, các quốc gia này cũng chỉ cho phép trả một lần các khoản lương hưu sớm sau tuổi 50 hoặc tuổi 55 (Ấn Độ cho phép rút 90% tổng đóng góp ở tuổi 54 (4 năm trước độ tuổi nghỉ hưu); Malaysia cho phép rút 30% ở độ tuổi 50 (5 năm trước độ tuổi nghỉ hưu); Singapore: Cho phép rút 5.000 đôla Sing (3.785 USD) ở độ tuổi 55 (5 năm trước khi nghỉ hưu); Anh: Cho phép rút 100% ở độ tuổi 55. Tuy nhiên, hiện nay một số nước theo hệ thống này cũng đang điều chỉnh thu hẹp các điều kiện hưởng BHXH một lần để hướng tới mục tiêu an sinh lâu dài cho NLĐ phù hợp với xu hướng già hóa dân số đang gia tăng.

Việt Nam: Những quy định đóng-mở

Giai đoạn trước khi ban hành Luật BHXH

Kể từ năm 1995, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện việc cải cách hệ thống chính sách và hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH.

Theo Điều 28 Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ, NLĐ nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định thì được hưởng trợ cấp một lần (cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 1 tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH) hoặc chờ đến khi đủ tuổi đời thì được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng.

Đến năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ. Nghị định này quy định: NLĐ nghỉ việc đã đủ tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng; Người định cư hợp pháp ở nước ngoài được hưởng trợ cấp BHXH một lần, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 1 tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.

Luật BHXH năm 2006

Luật BHXH năm 2006 bên cạnh việc quy định rõ việc bảo lưu, cộng nối thời gian tham gia BHXH cũng có quy định về BHXH một lần với những người không đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Theo đó, NLĐ chưa đủ 20 năm đóng BHXH nhưng đủ tuổi hưởng lương hưu hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần; người ra nước ngoài để định cư được hưởng BHXH một lần.

Ngoài ra, NLĐ khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu cũng thuộc diện hưởng chế độ này. Mức hưởng BHXH một lần theo quy định được tính theo số năm đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH.

Với quy định khá mở này cộng với sự bất ổn định của thị trường lao động và thêm những tác động tâm lý…, mỗi năm, trong cả nước đã có khoảng 500.000 người hưởng BHXH một lần và con số này có xu hướng gia tăng qua từng năm.

Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014

Với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của NLĐ, góp phần thực hiện an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020, cuối năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành sửa đổi Luật BHXH. Trong đó, Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận BHXH một lần.

Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH đã được đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu trên.

Theo đánh giá chung, quy định này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến cuộc sống trước mắt của NLĐ mà còn chăm lo đến cuộc sống khi về già của NLĐ, khi NLĐ không còn sức lao động, không thể làm việc, cần được quan tâm bảo vệ nhiều nhất. Đó cũng là quy định cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới.

Linh hoạt, nhưng nhiều khó khăn

Tuy nhiên, khi Luật BHXH (sửa đổi) chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận NLĐ, chủ yếu ở các tỉnh, TP phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006.

Ngày 22/6/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 93 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần. Theo nghị quyết này, từ ngày 1/1/2016, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Việc sửa đổi như trên sẽ tạo sự linh hoạt trong giải quyết BHXH một lần, đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ có thời gian đóng BHXH ngắn có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên, nếu NLĐ nhận BHXH một lần thì khi hết tuổi lao động sẽ không có điều kiện để được hưởng lương hưu hàng tháng, nên cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn.

 Bài học  từ “176”

Từ “một cục” 420.000 đồng

Để góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị kinh tế quốc doanh chuyển sang kinh doanh, phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần; đồng thời tận dụng tối đa lực lượng lao động hiện có, tạo điều kiện từng bước chuyển số lao động không có nhu cầu sử dụng trong các đơn vị kinh tế quốc doanh sang làm việc ở các thành phần kinh tế khác, từ năm 1989 chúng ta đã tiến hành sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh.

Thực hiện chủ trương này, ngày 9/10/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 176/HĐBT với nhiều chính sách nhằm sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh.

Khi chính sách được ban hành, nhiều NLĐ đã tự nguyện làm đơn xin thôi việc để hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 176/HĐBT, với lý do quyền lợi của NLĐ theo Quyết định này cao hơn so với chế độ thôi việc theo quy định hiện hành. Trong 4 năm (1989-1992) đã có khoảng 720.000 lao động ra khỏi DNNN được giải quyết thôi việc hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định 176.

Tại thời điểm đó, tổng kinh phí chi trả là khoảng 300 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ từ NSNN khoảng 168 tỷ đồng (bằng 56% tổng kinh phí chi trả); bình quân mỗi lao động nhận được 420.000 đồng (chưa kể khu vực hành chính sự nghiệp có khoảng 60.000 người về nghỉ theo Quyết định số 111/HĐBT).

Cũng tại thời điểm này tỷ lệ lãi suất tiết kiệm khá cao (12%/tháng) nên NLĐ sử dụng số tiền được hưởng để gửi tiết kiệm có thể đảm bảo cuộc sống của họ với mức sống trung bình của xã hội.

Tại thời điểm thực hiện, Quyết định số 176/HĐBT đã được đánh giá là quyết định có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế và xã hội, đã tháo gỡ một phần khó khăn đối với các DNNN trong quá trình chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà có nhiều lao động không bố trí, sắp xếp được việc làm.

Item 1 of 3

Đến 32 triệu đồng…

Tuy nhiên, sau một thời gian, nền kinh tế có những bước phát triển nên tỷ lệ lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm mạnh; đồng thời, với việc ban hành Bộ luật Lao động, chính sách, chế độ đối với NLĐ có sự thay đổi, khi NLĐ nghỉ việc được hưởng 2 chế độ là chế độ trợ cấp thôi việc (hoặc mất việc làm) và chế độ BHXH (có thể chờ hưu, bảo lưu thời gian đã đóng BHXH).

Đặc biệt, khi có chính sách giải quyết lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ thì mức trợ cấp mất việc làm rất cao, bình quân một lao động nhận được khoảng 32 triệu đồng/người, thậm chí có người nhận được 60 triệu đến 70 triệu đồng mà vẫn được hưởng chế độ BHXH.

Như vậy, NLĐ nghỉ việc theo Quyết định số 176/HĐBT ngày càng gặp khó khăn và thiệt thòi nhiều so với những người nghỉ việc theo chế độ sau này, đặc biệt là những người tuổi cao, có thời gian công tác từ 25 đến 35 năm!

Từ thực tế trên, không ít NLĐ đã gửi đơn thư, gặp trực tiếp cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH. Nội dung các đơn thư đều nhìn nhận rằng sự đổi mới của đất nước, nền kinh tế phát triển dẫn đến đời sống của các tầng lớp dân cư không ngừng được cải thiện, mức sống của NLĐ, CBCCVC, LLVT, người được hưởng chế độ hưu trí cao hơn trước rất nhiều. Sự thay đổi này có quá trình tích lũy, hy sinh phấn đấu của các thế hệ đi trước, trong đó có một phần công sức của NLĐ đã nghỉ việc theo Quyết định số 176/HĐBT.

Nhiều người cũng so sánh quyền lợi của NLĐ nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 176/HĐBT quá thiệt thòi so với những NLĐ nghỉ việc hiện nay, nhất là chính sách lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002 và Nghị định số 110/2007 của Chính phủ.

Một số người cho biết đã già yếu, hết khả năng lao động, bệnh tật phát sinh không có tiền để KCB vì không được hưởng chế độ BHYT, hưu trí hàng tháng mà con, cháu không có điều kiện về kinh tế để chu cấp…

Bởi vậy, nhiều người đã đề nghị được khôi phục quyền lợi BHXH trong thời gian họ đã tham gia công tác được hưởng như những NLĐ khác. Họ cũng tình nguyện trả lại số tiền đã nhận trợ cấp một lần, kể cả khoản tiền lãi suất tiết kiệm nhận được từ số tiền này để khôi phục thời gian đã đóng BHXH và hưởng chế độ BHXH hoặc có chế độ hỗ trợ hàng tháng khi NLĐ hết tuổi lao động.

Trước những đề nghị đó, năm 2007, Bộ LĐ-TB&XH đã phải có tờ trình gửi Chính phủ để đề xuất hướng giải quyết. Tuy nhiên, với quy định không thể “hồi tố”, cơ quan quản lý nhà nước về LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ giữ nguyên chế độ đã thực hiện theo Quyết định số 176; đồng thời nghiên cứu bổ sung trợ cấp cho những trường hợp gặp khó khăn theo chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

Ngoài chế độ hưu trí và trợ cấp mất sức lao động với những trường hợp đủ điều kiện, theo Quyết định số 176, những lao động ra làm việc ở khu vực ngoài kinh tế quốc doanh được thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc (mỗi năm công tác liên tục được trợ cấp 1 tháng lương cơ bản cộng phụ cấp (nếu có), tối thiểu là 3 tháng. Trợ cấp theo chế độ này được chi trả trực tiếp một lần cho NLĐ.

Trường hợp công nhân tạm thời nghỉ việc trọn tháng trở lên đến 3 tháng được hưởng trợ cấp tạm ngừng việc. Nếu kéo dài trên 3 tháng, thì xem xét chuyển sang chế độ thôi việc trợ cấp một lần.

Thực hiện: Thành Nam- Nguyễn Thắng
- Nguyệt Hà- Công Minh
Trình bày: Quang Hùng

This is a Shorthand story for reviewPublished stories don't show this section.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

More than 4 characters is required
Name must contain only letters, hyphens, apostrophes, full-stops and spaces
Wait, that does not look like a valid email address!
Your feedback was sent to the story owner.
There is been an issue with submitting your feedback.

TEST ON ANOTHER DEVICE

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

TEST ON ANOTHER DEVICE