NÂNG CAO HIỆU QUẢ
TRUYỀN THÔNG
BHXH, BHYT

BHXH, BHYT là những chính sách quan trọng, trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội và từng bước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Việc truyền thông cho người dân hiểu rõ chính sách BHXH, BHYT đóng một vai trò quan trọng để thực hiện hiệu quả các chính sách này.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về truyền thông BHXH, BHYT

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT, coi đây là động lực phát triển bền vững đất nước.

Quan điểm này được thể hiện trong nhiều văn kiện của các kỳ Đại hội, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương như: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 26/5/1997 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH…

Trong đó, một trong những giải pháp trọng tâm nhằm đưa chủ trương, chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, là nhóm giải pháp mang tính chiến lược: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT.

Chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT theo định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 21-NQ/TW đã được luật hóa tại Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (năm 2014).

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH với 11 nội dung cải cách hướng đến BHXH toàn dân.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Nghị quyết đã xác định 5 nhóm giải chủ yếu, trong đó “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH” là nhóm giải pháp đầu tiên.

Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH cũng đã xác định mục tiêu: “Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ lợi, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách chính sách BHXH nhằm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức từ đó tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách BHXH hướng đến BHXH toàn dân”.

Từ các văn bản mang tính chỉ đạo, định hướng nói trên của Đảng, Nhà nước và nhất là trước yêu cầu nâng cao độ bao phủ của BHXH, BHYT, hướng đến mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT thời gian qua đã được BHXH Việt Nam quan tâm, chú trọng đổi mới cả hình thức và nội dung.

Hằng năm, BHXH Việt Nam đều ban hành kế hoạch công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong toàn Ngành.

Ngày 24/8/2017, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-BCS về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới”. Nghị quyết đã đánh giá thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân hạn chế của công tác truyền thông; đồng thời đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT.

Thực trạng công tác truyền thông về BHXH, BHYT

Trong những năm qua, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT đã được ngành BHXH Việt Nam triển khai hiệu quả, bài bản, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, hơn 2 năm qua, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT tiếp tục được BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc điểm dân cư, văn hóa vùng miền tại địa phương.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông BHXH, BHYT (phối hợp thường xuyên với 25 Bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, 80 cơ quan báo chí).

Nội dung truyền thông được thực hiện bảo đảm đúng định hướng, bám sát tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW; chú trọng truyền thông những lợi ích, ưu điểm, ý nghĩa nhân văn của BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội; làm rõ những vấn đề căn bản, cốt lõi của các chế độ BHXH, BHYT, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách BHXH, BHYT, an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; tăng cường truyền thông gương người tốt, việc tốt, những sáng kiến, cách làm hay đem lại hiệu quả trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tích cực truyền thông những nỗ lực, giải pháp của ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đem lại sự hài lòng cho người dân và DN trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Công tác truyền thông BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng được triển khai thường xuyên, liên tục, được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, hiện đại như: Đối thoại, tọa đàm trực tuyến, clip tin tức, mega story, infographic,… mang tính trực quan, dễ dàng tiếp cận với nhiều tác phẩm báo chí có nội dung hay, hình thức đặc sắc, tạo ấn tượng, thu hút người đọc, người nghe, người xem.

Trong năm 2021, số lượng thông tin báo chí của Ngành và số tin, bài, phóng sự truyền thông về hoạt động của ngành BHXH Việt Nam và chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được phát hành và đăng tải/phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, đã phát hành hơn 130 thông tin báo chí, bản tin, thông tin tham khảo (gấp 1,8 lần so với năm 2020); đã có hơn 31.300 tin, bài, phóng sự được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (lần lượt tăng gấp 1,9 lần; 2,4 lần; 3,1 lần so với các năm 2020, 2019, 2018), trong đó có khoảng 14.300 tin, bài, phóng sự được đăng tải/phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương (trung bình mỗi ngày có khoảng 86 tin, bài, phóng sự được đăng tải/phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Công tác truyền thông trên các kênh truyền thông của Ngành (Tạp chí BHXH, Cổng TTĐT BHXH Việt Nam, Cổng TTĐT BHXH các tỉnh, thành phố) và các kênh truyền thông mạng xã hội của Ngành (fanpage, Zalo) tiếp tục phát huy được hiểu quả trong truyền thông chính sách BHXH, BHYT tới các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, qua đó tuyên truyền sâu rộng những ưu điểm, lợi ích, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Chỉ tính riêng Cổng TTĐT BHXH Việt Nam, trong năm 2021 đã tổ chức sản xuất, biên tập, đăng tải gần 3.000 tin, bài, văn bản về chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.

Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương được BHXH các tỉnh, thành phố chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực phù hợp.

Đẩy mạnh triển khai các hình thức truyền thông trực tiếp kết hợp trực tuyến, tăng cường truyền thông trên mạng xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam đã bám sát nội dung các Chỉ thị, Nghị quyết và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân, DN trong việc tham gia và hưởng thụ chính sách BHXH, BHYT; củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính sách BHXH, BHYT, giúp người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia BHXH, BHYT như một nhu cầu tất yếu; tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Đồng thời, đây cũng là kênh tiếp nhận những thông tin phản hồi của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đề xuất những giải pháp điều chỉnh, xây dựng chính sách BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện.

Item 1 of 4

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông BHXH, BHYT cũng còn những tồn tại, hạn chế:

Nghị quyết số 28-NQ/TW giao cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, truyền thông, nhưng vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tại cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác này tại địa phương.

Công tác phối hợp trong truyền thông tại một số địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả. Nhiều địa phương chưa xây dựng quy chế phối hợp truyền thông giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh hoặc đã được xây dựng nhưng quá trình thực hiện có nhiều bất cập nên hiệu quả thấp.

Mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, mức giảm trừ đóng BHYT hộ gia đình còn thấp; chính sách BHXH tự nguyện mới chỉ có 2 chế độ là hưu trí, tử tuất, nên khó hấp dẫn người tham gia.

Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông BHXH, BHYT

Từ thực trạng công tác truyền thông BHXH, BHYT trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều DN khó khăn trong sản xuất kinh doanh; cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, mạng xã hội đòi hỏi công tác truyền thông phải đổi mới toàn diện, từ nhận thức, trách nhiệm, phương thức, nội dung đến hình thức thể hiện.

Để góp phần hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, trong thời gian tới, công tác truyền thông của ngành BHXH Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

Một là, chú trọng công tác tham mưu, xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác truyền thông trong toàn Ngành đảm bảo kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn công tác truyền thông với phát triển người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW

Hai là, cơ quan BHXH các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và các sở, ban, ngành, các cơ quan báo chí ở địa phương thực hiện công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đảm bảo phù hợp với từng nhóm chủ thể tham gia; chú trọng truyền thông về những câu chuyện, con người thực tế trong đời sống hàng ngày để làm nổi bật lên giá trị, lợi ích khi tham gia BHXH, BHTN, BHYT.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông BHXH, BHYT, đảm bảo phong phú, đa dạng, phù hợp, gắn với nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Việc đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông phải gắn với kế hoạch trong từng giai đoạn, có những nghiên cứu thực tiễn từng đối tượng, từng địa phương. Chú trọng truyền thông các nội dung chính sách có tác động xã hội trong dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi; tăng cường truyền thông lợi ích của việc hưởng chế độ hưu trí, khuyến cáo NLĐ không nên nhận BHXH một lần.

Bốn là, chú trọng tổ chức các hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho đội ngũ làm công tác truyền thông, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên, đại lý thu BHXH, BHYT…

Năm là, tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả truyền thông của các kênh truyền thông của Ngành (Tạp chí BHXH, Cổng TTĐT BHXH Việt Nam, Cổng TTĐT BHXH các tỉnh) và các kênh truyền thông của Ngành trên mạng xã hội.

Sáu là, tiếp tục đổi mới công tác sản xuất, biên tập ấn phẩm truyền thông BHXH, BHYT đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, ngôn ngữ biểu đạt phù hợp với nhận thức của người dân, đặc biệt là phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sống của người dân theo phương châm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Tăng cường ứng dụng CNTT triển khai các ấn phẩm truyền thông điện tử, clip ngắn tuyên truyền về BHXH, BHYT.

Bảy là, chú trọng công tác nghiên cứu, khảo sát, thăm dò ý kiến của các tầng lớp nhân dân nhằm đưa ra các giải pháp truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT thiết thực, hiệu quả và phù hợp.

Kết luận: Công tác truyền thông đóng một vai trò quan trọng để thu hút nhân dân và NLĐ tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Truyền thông không chỉ đảm bảo tính công khai, minh bạch mà còn là cầu nối giữa NLĐ với chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, cần phải nhận thức sâu sắc rằng, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT là một quá trình dài, phải thực hiện từng bước, phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng thời điểm nhất định, đòi hỏi sự linh hoạt nhiều yếu tố, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, đồng thời cần huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Item 1 of 4

Bài: ThS. Nguyễn Hòa Bình
Trình bày: Hà Hùng

This is a Shorthand story for reviewPublished stories don't show this section.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

More than 4 characters is required
Name must contain only letters, hyphens, apostrophes, full-stops and spaces
Wait, that does not look like a valid email address!
Your feedback was sent to the story owner.
There is been an issue with submitting your feedback.

TEST ON ANOTHER DEVICE

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

TEST ON ANOTHER DEVICE