Vượt lên những giá trị về mặt vật chất, thẻ BHYT được nhiều người dân ví như “người bạn đồng hành đáng tin cậy”, “tấm bùa hộ mệnh”… luôn bên cạnh khi chẳng may mắc bệnh nặng, đòi hỏi chi phí điều trị lớn. 

Bền bỉ suốt 30 năm hình thành và phát triển, quỹ BHYT là nguồn tài chính đóng góp đáng kể cho việc KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Bền bỉ vun trồng

Chúng tôi gặp anh Bùi Văn Tiến (55 tuổi, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) trong hành lang của BV K cơ sở 2 (Tam Hiệp, Hà Nội) vào một ngày đầu hạ. Trong không khí có phần ngột ngạt của BV tuyến Trung ương về khám và điều trị ung thư, dáng người cao gầy cùng nụ cười hiền hậu, lạc quan của anh Tiến khiến chúng tôi khá ấn tượng.

Từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, anh Tiến cho biết, cuộc đời anh đã trải qua nhiều gian nan, thử thách. “Căn bệnh ung thư đến bất ngờ vào năm 2021 cũng không phải ngoại lệ. Một ngày đẹp trời, cơ chế vệ sinh có những thay đổi khác thường, đi khám bác sĩ hội chẩn bị K trực tràng. Thế rồi, căn bệnh đã đưa tôi đến điều trị tại đây”- anh Tiến chia sẻ.

Suốt hơn 8 tháng điều trị, anh Tiến luôn giữ tinh thần lạc quan. Sau 12 đợt truyền hóa chất- tính từ tháng 11/2021 đến nay, kích thước khối u cũng đã giảm nhiều, nên sức khỏe của anh được cải thiện rõ rệt.

Item 1 of 4

Trò chuyện bên giường bệnh, anh kể cho chúng tôi nghe về hành trình chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng. Nhiều người thường bảo “bị ung thư đồng nghĩa với việc mang án tử, đằng nào cũng chết”. Những định kiến ấy đôi lúc cũng ảnh hưởng tới tâm lý của anh và gia đình. Thế nhưng, vượt lên nghịch cảnh do căn bệnh quái ác gây ra, anh luôn giữ được tinh thần lạc quan trong suốt quá trình điều trị.

“Trong quá trình điều trị, quỹ BHYT chi trả cho tôi đúng mức hưởng là 100%, theo như Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bệnh đến thì đã đến, chi phí thì được Nhà nước lo, mình không suy nghĩ, không bị áp lực, hoàn toàn tập trung chữa bệnh, nên kết quả điều trị cũng đã khả quan hơn”- anh Tiến cho biết.

Với anh Tiến, bên cạnh sự hỗ trợ, điều trị tích cực của các y bác sĩ và sự động viên từ gia đình, thì tấm thẻ BHYT được xem như “cứu cánh” cho người bệnh hiểm nghèo, giúp anh yên tâm hơn trong quá trình điều trị. Xuyên suốt cuộc nói chuyện, anh nhiều lần chia sẻ với chúng tôi về “sự may mắn”, khi đã từng đi qua bom đạn chiến tranh, rồi nay lại đối mặt với căn bệnh nan y.

“Với bệnh nhân ung thư, may mắn là khi mình còn cơ hội điều trị bệnh, là có gia đình ở bên, có thẻ BHYT đỡ đần phần lớn gánh nặng tài chính. Có nhiều người đến đây khi bệnh đã bước sang giai đoạn cuối, cơ hội điều trị không còn nhiều. Do đó, mình vào đây điều trị là phải tự tin, thoải mái để chiến thắng bệnh tật”- anh Tiến mỉm cười chia sẻ.

Nằm cách phòng bệnh của anh Tiến không xa, hoàn cảnh của bệnh nhân Phạm Thị Biển (trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Ở độ tuổi ngoài 30, chị đã có hơn 5 năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Cô gái có làn da xanh xao, vóc người nhỏ bé, nhưng nhớ rõ từng ngày giờ, từng khoản tiền, từng cột mốc trong quá trình điều trị. Mắc ung thư vú từ năm 2016, sau quá trình điều trị dài hơi với 25 đợt truyền hóa chất và 1 ca phẫu thuật (ngày 17/10/2016) tại BV K cơ sở 2 (Tam Hiệp, Hà Nội), chị được ra viện, trở về với cuộc sống bình thường.

Thế nhưng, đến ngày 26/3/2021, chị Biển lại trở bệnh và được các bác sĩ xác định khối u đã di căn lên não. “Khi mới phát hiện, bản thân em cũng hoang mang, suy sụp lắm. Người ta vẫn nói ung thư như án tử treo trên đầu. Nhập viện thì thấy toàn các cô, các bác, các cụ già lớn tuổi. Mỗi mình là trẻ nhất. Ở thời điểm ấy, nhiều khi em nghĩ cuộc sống đã khép lại với mình…”- chị Biển nghẹn ngào.

Mặc dù là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, nhưng chị Biển luôn cảm thấy ấm lòng khi được đùm bọc, chở che bởi gia đình nhỏ với chồng và hai đứa con ngoan ngoãn. Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, kinh tế gia đình chị cũng suy giảm, mọi gánh nặng lo toan đều dồn lên vai người chồng, trong khi các con đang độ tuổi ăn học.

“Từng ngày tháng, từng khoản chi phí liên quan đến bệnh tật, em đều ghi chép cẩn thận và khắc ghi. Đến nay chi phí điều trị đã lên đến hơn 700 triệu. Lúc mới mắc bệnh, khi ấy em chưa tham gia BHYT. Thời gian đầu không có BHYT tốn kém lắm, nhưng vì bệnh tật không chờ đợi mình, nên hai vợ chồng vẫn cắn răng điều trị. Sau đó, nhận được lời khuyên của bác sĩ và các anh chị cùng điều trị, em đã mua thẻ BHYT, nhờ đó chi phí điều trị đã giảm đi rất nhiều. Lúc đó em mới hiểu BHYT không thể thiếu với những bệnh nhân đang điều trị bệnh và với cả những người bình thường”- chị Biển tâm sự.

Item 1 of 4

Nghĩ đến gia đình, hai hàng nước mắt người phụ nữ nghèo lại tuôn dài trên đôi gò má gầy guộc. Suốt quá trình điều trị dài đằng đẵng, chị Biển phải một thân một mình tự lên Hà Nội điều trị, nên nhiều khi chỉ biết cắn răng, nuốt nước mắt chịu đau đớn. Chị cho biết, vấn đề kinh tế- gánh nặng chi phí điều trị cho chị đã giảm rất nhiều nhờ vào tấm thẻ BHYT. Trong quá trình chữa bệnh, chị cũng luôn nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc tận tình của các y bác sĩ; sự sẻ chia của những bệnh nhân cùng phòng.

Nhớ lại quãng thời gian hơn 5 năm chống chọi với bệnh tật, chị Biển bảo: “Đối mặt với căn bệnh ung thư hết lần này đến lần khác, với em niềm hạnh phúc chỉ đơn giản là nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ người thân, gia đình, các y bác sĩ và anh chị cùng phòng bệnh... Bên cạnh đó, BHYT cũng là người bạn đồng hành quan trọng, không thể thiếu trong những thời khắc gian nan nhất của cuộc đời. Nếu không có sự hỗ trợ từ quỹ BHYT, có lẽ những bệnh nhân nặng và có hoàn cảnh khó khăn như em không gắng được đến ngày hôm nay”.

Đóng góp khi lành,
để dành khi ốm

Phía sau những lời tâm sự của chị Biển và anh Tiến về căn bệnh được ví như “án tử treo trên đầu”, về sự may mắn và hạnh phúc trong tận cùng khó khăn, chúng tôi cảm nhận được rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT đối với họ những bệnh nhân nghèo.

Bước qua những khó khăn trong cuộc sống và bệnh tật, chị Biển và anh Tiến đều khẳng định “BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau”; và “tham gia BHYT là cách đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, bởi quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men và chăm sóc cho người có thẻ BHYT.

Đặc biệt, BHYT càng có ý nghĩa hơn với các gia đình có mức thu nhập thấp như chị Biển, khi chẳng may đau ốm hay có vấn đề về sức khỏe. Thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, từ đó có thể an tâm điều trị bệnh.

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Phạm Thị Biển, BS.Nguyễn Thị Hương- Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ (BV K) cho biết: “Đa số người bệnh ung thư đến BV trong giai đoạn muộn, có đến 70% trường hợp bị những cơn đau dày vò đến tận cuối đời. Với một bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn, lại không có BHYT sẽ phải chịu gánh nặng tài chính rất lớn. Gánh nặng ấy là rào cản vô hình trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, hiện tại những thuốc thiết yếu để phục vụ cho người bệnh ung thư giai đoạn muộn đều nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả. Ở đây (BV K) đa phần là người dân nghèo, tuy nhiên trong số này có trên 90% bệnh nhân có BHYT. Bên cạnh thuốc, các thủ tục can thiệp, điều trị bệnh đều được quỹ BHYT chi trả. Do vậy, nếu người bệnh ung thư giai đoạn cuối chỉ hoàn toàn dùng thuốc do BHYT chi trả thì kinh phí không phải là một vấn đề quá lớn”.

Vượt qua khỏi khuôn khổ một tấm thẻ, BHYT thực sự là phao cứu sinh cho những người nghèo, người gặp khó khăn về mặt tài chính không may mắc bệnh. Trong những năm qua, quỹ BHYT đã chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính khác như ung thư, tim mạch, suy thận đến các loại kỹ thuật cao như chi trả mổ rô bốt, mổ nội soi, chụp CT-Scanner...

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả khoảng từ 1.500-1.700 tỷ đồng cho bệnh nhân đặt stent động mạch vành và hàng ngàn tỷ đồng cho các bệnh nhân đặt thuỷ tinh thể nhân tạo. Việc quỹ BHYT chi trả cho hai vật tư nhân tạo này là một trong những ví dụ điển hình cho thấy người tham gia BHYT đang được hưởng lợi rất nhiều từ quỹ BHYT.

Cân bằng giữa
tính “sẻ chia” và sự “bền vững”

Cũng theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT thực hiện chi trả với số tiền hơn 100 nghìn tỷ đồng cho khoảng từ 160-185 triệu lượt người đi KCB BHYT.

Tính đến hết tháng 5/2022, số người tham gia BHYT đã đạt trên 86,2 triệu người (tương đương 87,15% dân số tham gia BHYT). Thống kê cũng cho thấy, thực tế có khoảng 60-70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT để KCB; tần suất KCB của người dân từ 2-2,1 lần/năm. Những con số này đã khẳng định vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước ta.

Bền bỉ suốt 30 năm hình thành và phát triển, quỹ BHYT là nguồn tài chính đóng góp đáng kể cho việc KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Bà Tăng Thị Lim (60 tuổi, trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương)

Bà Tăng Thị Lim (60 tuổi, trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương)

Tuy nhiên, để quỹ BHYT có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe, đem lại niềm vui, niềm hy vọng cho những mảnh đời kém may mắn, thì việc duy trì sự nhân văn, sẻ chia, nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững, an toàn của quỹ BHYT là một vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết. Hay nói cách khác, phải phát triển BHYT bền vững bằng hai yêu cầu rất cơ bản đó là: Đạt bao phủ BHYT toàn dân và bảo đảm bền vững tài chính.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, công tác phát triển dịch vụ kỹ thuật hiện đại tại các cơ sở KCB, nhất là dịch vụ KCB BHYT; cũng như nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế, chất lượng dịch vụ BHYT với phương châm “lấy người dân làm trung tâm phục vụ” là những giải pháp được ngành Y tế và ngành BHXH Việt Nam thực hiện giúp người dân, nhất là người nghèo được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đáp ứng nhu cầu KCB BHYT ngày càng cao của nhân dân, tiến tới thực hiện thành công mục tiêu BHYT toàn dân.

Ở đây, “trung tâm phục vụ” không chỉ bao gồm mục tiêu tối thượng về sức khỏe, mà còn là sự thoải mái, hài lòng của dân khi sử dụng dịch vụ.

Bộ Y tế đã và đang có nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng KCB, đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc đặc hiệu thế hệ mới. Từ đó, không chỉ bảo đảm quyền lợi, mà còn tạo dựng niềm tin đối với người dân khi KCB bằng thẻ BHYT.

Item 1 of 3

Về phía BHXH Việt Nam, để phát triển đối tượng tham gia BHYT, trong thời gian qua, toàn Ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời, chủ động đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền để mọi người dân nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT dưới nhiều hình thức (tọa đàm, vận động đối thoại trực tiếp, hội nghị, hội thảo trao đổi về chính sách...) đến người dân.

Bên cạnh đó, Ngành BHXH Việt Nam cũng không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT.

Đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT theo hướng chuyên nghiệp, đào tạo kỹ năng, phương pháp tiếp cận người dân cho đại lý thu để vận động tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Ngành BHXH Việt Nam cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. 

BHXH Việt Nam cũng đổi mới mạnh mẽ phương pháp giám định, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng các giải pháp CNTT trong công tác giám định BHYT. Qua đó, giúp người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHYT; đồng thời phối hợp với cơ sở KCB giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện KCB cho người có thẻ BHYT.

Không sai khi cho rằng, mục tiêu cuối cùng của BHYT toàn dân là đem lại lợi ích thiết thực, hài hòa và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, con người, xuất phát từ chính tinh thần sẻ chia “lá lành đùm lá rách”. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài nỗ lực của ngành BHXH, Bộ Y tế rất cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chính sách trong BHYT thời gian tới.

Thực hiện: Hà Hùng

This is a Shorthand story for reviewPublished stories don't show this section.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

More than 4 characters is required
Name must contain only letters, hyphens, apostrophes, full-stops and spaces
Wait, that does not look like a valid email address!
Your feedback was sent to the story owner.
There is been an issue with submitting your feedback.

TEST ON ANOTHER DEVICE

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

TEST ON ANOTHER DEVICE