Ý nghĩa thực sự khi gia tăng BHYT HSSV không nằm ở con số tăng trưởng vượt trội, mà thể hiện ở lợi ích thực tế mà chính sách này mang lại trong chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ, và là nền tảng để tạo nên sự bền vững của chính sách BHYT trong tương lai, khi nhóm này tiếp tục trở thành chủ nhân của đất nước…

Cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT nói chung, việc triển khai BHYT HSSV cũng dần được hoàn thiện với những quy định pháp lý chặt chẽ hơn.

Sau 17 năm thực hiện theo hình thức tự nguyện, với những điều chỉnh trong Luật BHYT 2008, từ ngày 1/1/2010, HSSV đã trở thành nhóm đối tượng “có trách nhiệm” tham gia BHYT.

Tiếp đến, với sự điều chỉnh trong Luật BHYT 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), HSSV trở thành nhóm đối tượng “bắt buộc” tham gia BHYT.

Những dấu mốc này cho thấy chính sách BHYT với nhóm đối tượng tiềm năng này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành.

Trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh thực hiện chính sách BHYT đều đề cập đến HSSV là một nhóm mục tiêu, hoàn thành sớm tỷ lệ 100% tham gia, như đã nêu rõ tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020; Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020…

Ngay trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, nhóm HSSV đã được lựa chọn là một trong nhóm đối tượng sớm nhất cần đạt mức bao phủ BHYT 100%…

Có thể nói, việc đặt trọng tâm vào nhóm đối tượng tiềm năng này không chỉ là quyết tâm của Chính phủ nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, mà còn hướng tới mục tiêu: Thông qua BHYT bảo đảm thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất.

Xét về phương diện mở rộng độ bao phủ dân số trong mục tiêu BHYT toàn dân, kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách đặt vào thế hệ trẻ này đã khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả.

Điều này được thể hiện rõ từ kết quả tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV cụ thể qua từng năm. Nếu như năm học 2018- 2019, cả nước có hơn 17,4 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 94,2%, thì đến năm học 2019- 2020, cả nước có hơn 17,7 triệu HSSV tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 95,2%.

Năm học 2020- 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song số HSSV tham gia BHYT cũng đạt khoảng 18,8 triệu em, tương đương khoảng 96% tổng số HSSV. Hiện nay, nhiều trường học và một số địa phương đã đạt hoặc tiến sát mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT…

Đặc biệt, ý nghĩa của việc gia tăng độ bao phủ BHYT HSSV còn thể hiện ở lợi ích thực tế mà chính sách này mang lại trong chăm sóc sức khỏe thế hệ trẻ với số lượt KCB gia tăng theo từng năm.

Đồng thời, trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được nâng cao, thì đối tượng HSSV cũng được hưởng thụ nhiều hơn lợi ích từ chính sách BHYT.

Quỹ KCB BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo; điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng... Mặc dù Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại nhà trường.

Hoạt động này đang được bảo đảm phần lớn bởi nguồn kinh phí trích lại từ quỹ KCB BHYT cho hoạt động y tế trường học (trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HS đầu năm học, tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh...).

CSSKBĐ không chỉ giúp các em và gia đình phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh học đường liên quan đến thị lực, điều chỉnh tư thế viết, ngồi học chống cong vẹo cột sống… mà còn dự phòng nhiều căn bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y nguy hiểm, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.

Item 1 of 3

Với trách nhiệm tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, toàn ngành BHXH Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho HSSV; tăng cường cải cách thủ tục tham gia BHYT, sử dụng thẻ BHYT khi đi KCB theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV. Theo lộ trình mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT của Luật BHYT, gần 19 triệu HSSV cũng đang được thụ hưởng nhiều chính sách mới, với mức quyền lợi KCB BHYT được đảm bảo ngày càng tốt hơn.

Nổi bật là chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT được triển khai trên quy mô toàn quốc từ đầu năm 2021, giúp một số trường hợp tham gia BHYT điều trị trái tuyến vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.

Cùng với đó, từ tháng 6/2021, thủ tục KCB BHYT cũng đã có sự cải tiến, mang lại lợi ích cho người tham gia BHYT nói chung, HSSV nói riêng khi có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID- BHXH số”, thay cho thẻ BHYT bằng giấy khi làm thủ tục KCB, giúp người tham gia BHYT tiết kiệm thời gian khi đi KCB, đặc biệt không lo mất, hay hỏng thẻ BHYT giấy.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai sử dụng Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT...

Đánh giá từ góc độ hoạch định chính sách, sự gia tăng độ bao phủ ở nhóm HSSV có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhận thức của nhóm HSSV về lợi ích, trách nhiệm tham gia BHYT sẽ là nền tảng để tạo nên sự bền vững của chính sách BHYT trong tương lai, khi nhóm đối tượng này rời khỏi ghế nhà trường, trở thành chủ nhân của đất nước.

Đồng thời, những thuận lợi cũng như khó khăn dần được tháo gỡ trong quá trình vận động tham gia BHYT HSSV đã tạo hiệu ứng tâm lý xã hội tích cực.

Đó là góp phần thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với chính sách BHYT, thu hút ngày càng nhiều người dân quan tâm đến quyền lợi của mình, đến “quyền” được tham gia BHYT để bảo vệ bản thân và chia sẻ cộng đồng. Những năm gần đây, tại hầu hết các địa phương, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo; liên ngành BHXH và GD-ĐT ban hành hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV.

Bên cạnh mức hỗ trợ 30% phí BHYT từ NSNN theo quy định của Luật BHYT, nhiều tỉnh, thành phố đã hỗ trợ thêm 20-50% mức đóng BHYT cho nhóm HSSV; nhiều chương trình hỗ trợ mua thẻ BHYT tặng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn cũng được thực hiện…

Từ năm 2020 đến nay, cả nước phải đối mặt với giai đoạn khó khăn chưa có tiền lệ, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều thành quả kinh tế- xã hội đã đạt được. Đây cũng là thời điểm mà công tác chăm sóc sức khỏe cho toàn dân càng cần được chú trọng, và chính sách BHYT đang giữ vai trò quan trọng hàng đầu.

Bởi vậy, việc thực hiện BHYT HSSV càng cần được tiếp tục triển khai quyết liệt và triệt để, để trong bối cảnh những rủi ro và tổn thương về sức khỏe, thể chất ngày càng khó lường, chúng ta sẽ luôn đảm bảo thế hệ trẻ được hưởng một nền giáo dục toàn diện, được bảo đảm đầy đủ các quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được an sinh xã hội quy định tại Hiến pháp, Luật BHYT, Luật Giáo dục và Luật Trẻ em.

Item 1 of 6

Một trong những thành tựu đáng ghi nhận trong thực hiện chính sách BHYT HSSV hiện nay là sự đồng lòng, nhất trí cao giữa ngành BHXH Việt Nam với các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương, nhằm thực hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ bao phủ chính sách này đến toàn bộ HSSV.

Trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang được xây dựng, ban soạn thảo vẫn thống nhất quan điểm: Việc mở rộng độ bao phủ BHYT không thể là trách nhiệm riêng của ngành BHXH Việt Nam, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các bộ, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.

Với riêng nhóm HSSV, để thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT thì ngành GD-ĐT có vai trò rất quan trọng.

Bên cạnh đó, xác định vai trò chủ đạo của mình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp mở rộng độ bao phủ BHYT HSSV.

Cụ thể, cần phối hợp với các nhà trường tích cực phổ biến, truyền thông về công tác BHYT HSSV bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp như: tuyên truyền trực tiếp (gặp gỡ trực tiếp hoặc tổ chức hội nghị ...); tuyên truyền gián tiếp (gửi tin nhắn qua điện thoại, qua ứng dụng VSSID, tương tác qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hội nghị truyền hình...); tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, loa phát thanh...); tuyên truyền trực quan (Pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu...); tổ chức các buổi livestream tuyên truyền về BHYT HSSV trước thềm năm học mới và định kỳ hằng tháng.

BHXH các địa phương phải chủ động hướng dẫn lập và gửi danh sách cấp thẻ BHYT HSSV theo hình thức giao dịch điện tử; phân công cán bộ kịp thời xét duyệt hồ sơ để cấp thẻ BHYT đối với HSSV đầu cấp và gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT đối với các đối tượng còn lại.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cần kịp thời trích, chuyển kinh phí CSSKBĐ cho các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Tổ chức đánh giá khen thưởng các cơ sở giáo dục và HSSV có thành tích xuất sắc trong công tác BHYT HSSV...

Trình bày: Hà Hùng

This is a Shorthand story for reviewPublished stories don't show this section.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

More than 4 characters is required
Name must contain only letters, hyphens, apostrophes, full-stops and spaces
Wait, that does not look like a valid email address!
Your feedback was sent to the story owner.
There is been an issue with submitting your feedback.

TEST ON ANOTHER DEVICE

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

TEST ON ANOTHER DEVICE