Hiện nay website, ứng dụng di động và mạng xã hội được xem là “cánh tay nối dài” với mỗi cơ quan báo chí trong việc tiếp cận công chúng. Vì vậy, sử dụng báo điện tử, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, truyền thông về chính sách, pháp luật nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng là xu thế tất yếu khách quan.

Lan tỏa tính nhân văn trên không gian mạng

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng. Trong đó, báo chí là công cụ đắc lực góp phần lan tỏa chính sách, đồng thời có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong việc thông tin, tuyên truyền, giúp NLĐ hiểu được các chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT.

Đặc biệt trong thời đại CMCN 4.0 với sự lên ngôi của thiết bị di động, máy tính xách tay,... báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông, phổ biến chính sách BHXH, BHYT, góp phần làm cầu nối đưa chính sách BHXH đến gần với người dân. Nhằm bắt kịp xu thế chung của thời đại, trong những năm gần đây, các cơ quan báo chí tại Việt Nam ngày càng gia tăng sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội đã thay đổi cách thông tin được cung cấp và tiêu thụ cũng như cách mà các cơ quan báo chí tương tác với công chúng.

Mạng xã hội đã mở ra những cơ hội cho truyền thông của các cơ quan báo chí mở rộng tiếp cận nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội với phạm vi rộng lớn hơn nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Nổi bật hơn cả là việc thiếu chiều sâu trong thông điệp chính sách BHXH, BHYT. Hay nói cách khác, thông điệp BHXH, BHYT tuy nhiều nhưng chưa thực sự hấp dẫn. Đôi khi khiến người đọc hiểu nhầm với các loại hình bảo hiểm thương mại khác.

Điều này vô hình trung tạo nên sự kém hấp dẫn của thông tin, đi kèm với đó là sự thờ ơ của độc giả. Sự thờ ơ ở đây bao gồm cả thờ ơ với thông tin và cả thờ ơ với việc thực hiện chính sách.

Điều này có thể dẫn tới những hành vi sai phạm trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Và bằng chứng rõ ràng nhất là trong thời gian qua, nhiều hành vi trục lợi quỹ BHXH, BHYT; chậm đóng BHXH, BHYT; làn sóng nhận BHXH một lần,… đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện chính sách BHXH đảm bảo an sinh xã hội quốc gia.

Trong bối cảnh sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội dẫn đến tình trạng tin giả, tin xấu độc xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát. Trong đó có nhiều thông tin về chính sách BHXH,BHYT, nhiều nội dung bôi xấu chính sách, làm mất niềm tin của một bộ phận người dân, NLĐ vào chính sách BHXH nói riêng, chính sách an sinh xã hội nói chung của Đảng và Nhà nước. Do vậy, công tác truyền tải thông điệp BHXH trên các kênh truyền thông, đặc biệt là trên mạng xã hội càng phải được chú trọng và đẩy mạnh.

Nâng cao hiệu quả quản lý thông tin báo chí trên đa nền tảng

Truyền thông sáng tạo (innovation media) và đa nền tảng (multiplatform) là 2 xu thế truyền thông của CMCN 4.0 hiện nay.

Trong đó, báo chí đa nền tảng giúp các cơ quan báo chí truyền thông khai thác tối đa tài nguyên của mình để phục vụ độc giả một cách hiệu quả. Chính sự phát triển của KHCN, cùng với sự lên ngôi của mạng xã hội buộc báo chí phải thay đổi.

Hiện mạng xã hội đang là công cụ truyền thông phổ biến của hầu hết tất cả DN, cơ quan, tổ chức Việt Nam. Đặc biệt, sự xuất hiện ứng dụng trên thiết bị thông minh và những mạng xã hội mới (facebook, tiktok, instagram, snapchat, youtube…) là những nền tảng đang thu hút công chúng, làm thay đổi căn bản thị trường báo chí truyền thông Việt Nam, với 3 thành phần cốt lõi là: nhà sản xuất; hàng hóa, dịch vụ; công chúng/khách hàng. Điểm mấu chốt buộc các cơ quan báo chí và các cơ sở truyền thông phải có chiến lược truyền thông sáng tạo và truyền thông đa nền tảng là công chúng ngày nay được quyền lựa chọn nội dung hợp lý- thuộc nhu cầu, thị hiếu của họ, đúng nền tảng (thuận lợi và ưa thích) và đúng thời điểm họ cần.

Đối với các cơ quan báo chí Việt Nam, ứng dụng truyền thông sáng tạo trong truyền thông chính sách BHXH, BHYT ngày nay đã thay đổi nhiều về thói quen tiếp nhận thông tin so với trước kia, họ đa phần là những người trẻ và có khả năng sử dụng công nghệ thành thạo với thói quen tiếp nhận thông tin trên thiết bị di động thông minh và thường xuyên lên mạng xã hội để trò chuyện, giải trí.

Những đối tượng công chúng trẻ nhìn chung không còn quá thích thú với các loại hình báo chí truyền thống, đi theo lối mòn mà có xu hướng bị hấp dẫn bởi những những sản phẩm truyền thông sáng tạo, khác biệt. Do đó, để đáp ứng thị hiếu của độc giả hiện đại, báo chí hiện nay cũng nên mạnh dạn thử nghiệm những hình thức truyền thông mới, ngoài những phương thức quen thuộc. Độc giả hiện nay tỏ ra thích thú nhiều hơn với những nội dung truyền thông không quá chính thống mà mang tính tương tác, gần gũi, đi vào đời sống thường ngày.

Theo thống kê từ Hootsuite và We Are Social năm 2021, Việt Nam có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội với thời gian truy cập trung bình lên tới 2 giờ 21 phút/ngày. Lượng truy cập và thời gian truy cập trung bình vào mạng xã hội vượt gấp nhiều lần so với ngay cả những tờ báo mạng điện tử nổi tiếng nhất Việt Nam.

Do vậy, nhiều báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay đang biến mạng xã hội thành kênh chính yếu để quảng bá thương hiệu của báo, đồng thời giúp tương tác trực tiếp với độc giả vô cùng hữu hiệu. Tận dụng tốt các kênh mạng xã hội cũng giúp cho việc truyền thông chính sách BHXH, BHYT được mở rộng, mang lại hiệu quả tốt.

Sau khi đã cập nhật các nền tảng, hạ tầng công nghệ làm báo hiện đại, các cơ quan báo chí cũng cần lưu ý các cách thức, phương thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT sinh động, hấp dẫn người đọc, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, tăng cường sử dụng thông tin đồ họa (infographic) trong truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Đây là cách đã được nhiều cơ quan báo chí sử dụng khá thường xuyên khi muốn diễn tả một sự kiện, vấn đề mang tính hệ thống, khái quát cũng như thể hiện sự so sánh các sự vật, hiện tượng. Thông tin đồ họa là cách thể hiện những dữ liệu, tri thức về một đề tài cụ thể được trình bày một cách dễ hiểu để công chúng có thể tiếp cận nhanh chóng và rõ ràng.

Trong quá trình truyền thông chính sách BHXH, BHYT, thông tin đồ họa có thể đứng riêng thành một tác phẩm, hoặc là một phần của tác phẩm cùng các phương tiện đưa tin khác như văn bản, video, audio… Muốn làm được sản phẩm này, các cơ quan báo chí cần xây dựng một nhóm nhân sự riêng chuyên làm infographic, đặc biệt là các kỹ thuật viên. Tuy nhiên, việc ra ý tưởng, tập hợp các dữ liệu là công việc của từ biên tập viên đến các phóng viên theo dõi ngành, mảng, lĩnh vực. Điều này giúp phát huy sự sáng tạo của tập thể.

- Thứ hai, sử dụng đa dạng hình thức tác phẩm báo chí đa phương tiện như gói tin tức đa phương tiện. Gần đây xu hướng: “Digital mega-stories” hay “Mega Story” được giới báo chí, truyền thông đề cập nhiều và gọi tắt là gói tin tức. Gói tin tức là một hình thức thông tin của báo chí đa phương tiện, có khả năng tích hợp tất cả các yếu tố đa phương tiện, trong đó mỗi yếu tố đều hoàn chỉnh về nội dung và hình thức nhưng khi kết hợp lại với nhau, chúng lại có khả năng bổ sung, hỗ trợ nhau làm nổi bật chủ đề chung. Qua gói tin tức, công chúng được cung cấp cái nhìn toàn cảnh và hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn cách tiếp cận thông tin (âm thanh/video/đồ họa/văn bản). Điều này cũng giúp công chúng không cần phải mất thời gian đi tìm những bài viết khác để có được kiến thức nền về nguồn gốc vấn đề hoặc các bài phân tích cơ bản.

Các thông điệp truyền thông về chính sách BHXH, BHYT cần gắn với “truyền thông số” và chuyển đổi số. Báo cần theo đúng mục tiêu định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước, nhưng cũng tăng cường tổ chức các hình thức truyền thông có tính tương tác cao. Tích hợp thêm một số xu hướng truyền thông hiện đại; phát triển công cụ tìm kiếm (search), xây dựng các từ khóa, nội dung tương thích với yêu cầu tìm kiếm thông tin BHXH có hệ thống của độc giả…

- Thứ ba, tăng cường văn hóa tiếp nhận và phản hồi thông tin để truyền thông chính sách về BHXH. Với phạm vi “phủ sóng” rộng khắp toàn dân, thông tin về BHXH, BHYT ngày càng nhận được sự quan tâm của mọi người dân. Các sản phẩm của tòa soạn cũng cần khai thác hiệu quả từ các mạng xã hội để lan tỏa thông điệp truyền thông về chính sách BHXH, BHYT nhanh chóng và hấp dẫn hơn. Như vậy, truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ thông qua mạng xã hội cũng cần được quan tâm hơn, có những giải pháp cải tiến để lan tỏa các thông điệp truyền thông nhanh chóng, dễ tiếp cận, phù hợp và tiện ích hơn cho công chúng. Cụ thể, trong thời điểm hiện tại, cần truyền tải các thông điệp về chính sách BHXH trên mạng xã hội, với các nền tảng công nghệ như Facebook, Zalo, Youtube, Lotus…

Hơn lúc nào, các vấn đề về BHXH. BHYT đã trở thành nguồn đề tài phong phú để các nhà báo, phóng viên khai thác. Chính vì vậy, đối với đội ngũ phóng viên, ban biên tập, kỹ thuật viên, phụ trách chuyên mục,... cần được tập huấn kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kiến thức chuyên sâu về BHXH nâng cao hiệu quả truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhất là truyền thông trên môi trường mạng.

- ThS. Trần Minh Tuấn
Giảng viên Viện Báo chí (Học viện Báo chí & Tuyên truyền)

Trình bày: Hà Hùng

This is a Shorthand story for reviewPublished stories don't show this section.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

More than 4 characters is required
Name must contain only letters, hyphens, apostrophes, full-stops and spaces
Wait, that does not look like a valid email address!
Your feedback was sent to the story owner.
There is been an issue with submitting your feedback.

TEST ON ANOTHER DEVICE

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

TEST ON ANOTHER DEVICE