PortalViewLongForm
E-magazine

Bảo hiểm TNLĐ tự nguyện: Tin vui cho những lao động làm việc không hợp đồng

Shared facebook

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được thực hiện 4 chế độ (thai sản, bảo hiểm TNLĐ, hưu trí, tử tuất) thay vì 2 chế độ (hưu trí, tử tuất) như hiện nay. Đây là một bước tiến lớn trong việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, giúp gia tăng quyền lợi cho người tham gia, chủ yếu là những NLĐ làm việc không theo HĐLĐ.

Năm 2013, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cứ 15 giây trên thế giới lại có 1 người chết do bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp (BNN) hoặc bệnh liên quan đến BNN và 151 NLĐ bị thương do TNLĐ. Điều này có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 6.300 người chết; hằng năm có hơn 2,34 triệu người chết (trong đó chết do TNLĐ là 320.000 người; chết do BNN và bệnh liên quan đến BNN là hơn 2 triệu người). Mỗi ngày có gần 1 triệu người bị TNLĐ, hàng năm có 317 triệu TNLĐ) và 160 triệu NLĐ mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp.

Đến năm 2019, cũng theo báo cáo của ILO thì số người chết vì TNLĐ và BNN hàng năm đã tăng lên đáng kể, là 2,78 triệu người (tăng 18,8%) và có 374 triệu NLĐ bị TNLĐ. Số người chết vì TNLĐ và BNN bằng khoảng 5% tổng số người chết hàng năm trên thế giới. Thực tế đó cho thấy việc thực hiện bảo hiểm TNLĐ, nhất là đối với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ là rất cần thiết.

Cũng như NLĐ làm việc theo HĐLĐ, NLĐ làm việc không theo HĐLĐ cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về TNLĐ, do tính chất công việc, môi trường làm việc. Trong một số trường hợp thì rủi ro mà NLĐ làm việc không theo HĐLĐ phải đối mặt còn cao hơn. Trong khi đó, phần lớn NLĐ làm việc không theo HĐLĐ không có BHXH (đặc biệt là bảo hiểm TNLĐ). Điều này khiến NLĐ không được hỗ trợ về tài chính hoặc dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ nếu gặp tai nạn, rủi ro trong quá trình lao động. Vì vậy, phòng ngừa, giảm thiểu các tác động của TNLĐ và BNN đối với NLĐ là mối quan tâm của mọi quốc gia, mọi tổ chức trên thế giới vì nó trực tiếp liên quan đến tính mạng và sức khoẻ của NLĐ, nguồn lực trọng yếu của mọi quốc gia.

a. Quy định về bảo hiểm TNLĐ tự nguyện

Đối tượng áp dụng là những NLĐ làm việc không theo HĐLĐ từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc về TNLĐ, BNN.

- Các chế độ thực hiện là: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; Trợ cấp TNLĐ (một lần). Về mức hưởng: NLĐ được chi trả chi phí giám định mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp kết quả giám định đủ điều kiện hoặc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; Trợ cấp TNLĐ một lần được xác định theo mức suy giảm khả năng lao động và thời gian (số năm) đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. Trường hợp NLĐ chết do TNLĐ thì thân nhân của NLĐ được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV (hiện đang áp dụng là 3.450.000 đồng/tháng).

- Về điều kiện hưởng: NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do TNLĐ loại trừ 3 trường hợp.- Về mức đóng: Có 2 phương thức đóng (đóng 6 hoặc 12 tháng một lần); Đóng bằng 6%/12% tháng lương tối thiểu vùng IV tương ứng với phương thức đóng.- Về hỗ trợ của Nhà nước, được xác định theo tỷ lệ % trên mức đóng bảo hiểm TNLĐ, cụ thể: Hỗ trợ 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; Hỗ trợ 20% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo ; Hỗ trợ 10% đối với người tham gia khác. b. Đánh giá chung

Quy định này nhắm đến đối tượng NLĐ làm việc không theo HĐLĐ như: lao động tự do, lao động thuộc khu vực phi chính thức,… Đây được đánh giá là bước tiến lớn trong việc mở rộng bảo hiểm TNLĐ cho một nhóm NLĐ quan trọng mà trước đó chưa được bảo vệ đầy đủ do không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (bao gồm bảo hiểm TNLĐ, BNN).

- Về ưu điểm:

+ Gia tăng tính công bằng và bảo vệ quyền lợi của NLĐ: Quy định giúp mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi về BHXH cho một nhóm NLĐ lớn: những NLĐ làm việc không theo HĐLĐ, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc.

+ Sự rõ ràng trong quy định: Các quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm, mức trợ cấp và phương thức đóng rất rõ ràng và dễ hiểu, giúp NLĐ có thể tự nắm bắt thông tin.

+ Có sự hỗ trợ của Nhà nước: Chính sách hỗ trợ tiền đóng cho NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng khác (còn lại) giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho NLĐ khi tham gia đóng góp.

- Về hạn chế:

+ Khó khăn trong thực thi: mặc dù Nghị định có quy định chi tiết về quyền lợi và trách nhiệm của các bên, đặc biệt là NLĐ thuộc đối tượng tham gia. Nhưng việc thực thi các quy định này có thể gặp khó khăn, do hình thức tham gia là “tự nguyện”, do đó việc phát triển đối tượng tham gia phụ thuộc lớn vào công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và việc nâng cao nhận thức của NLĐ thuộc đối tượng tham gia.

+ Phụ thuộc vào tiền lương tháng tối thiểu (vùng IV): Việc tính toán trợ cấp và mức đóng theo tiền lương tháng tối thiểu (vùng IV) có thể không phản ánh đúng thực tế thu nhập của NLĐ và NLĐ không có lựa chọn trong việc lựa chọn mức đóng. Điều này ảnh hưởng đến khả năng bù đắp thu nhập của bảo hiểm TNLĐ đối với NLĐ bị giảm hoặc mất do gặp phải TNLĐ.

+ Không có chế độ trợ cấp hằng tháng: việc không thực hiện trợ cấp hằng tháng như đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên của bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc làm giảm khả năng bảo vệ NLĐ trước những khó khăn do bị suy giảm khả năng lao động trong dài hạn.

+ Thiếu sự liên kết giữa thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc và bảo hiểm TNLĐ tự nguyện khi tính mức hưởng trợ cấp TNLĐ một lần. Điều này sẽ làm giảm tính hấp dẫn của chính sách đối với những lao động đã có thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc trước đó.

a. Indonesia

Chương trình Bảo hiểm Thương Tật Việc làm (Jaminan Kecelakaan Kerja- JKK) của Indonesia là một phần của hệ thống BHXH do BPJS Ketenagakerjaan quản lý. Đây là chương trình bảo vệ NLĐ khỏi các rủi ro liên quan đến TNLĐ hoặc BNN, đảm bảo hỗ trợ tài chính và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.

- Đối tượng tham gia: (i) NLĐ chính thức trong các DN; (ii) Lao động tự do hoặc làm việc không chính thức cũng có thể tham gia trên cơ sở tự nguyện.

- Phạm vi bảo vệ: (i) Tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc hoặc trong quá trình đi lại từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại; (ii) BNN phát sinh do môi trường làm việc.

- Quyền lợi: (i) Chăm sóc y tế, toàn bộ chi phí điều trị và hồi phục chức năng cho NLĐ; (ii) Trợ cấp thu nhập, thanh toán tiền lương trong thời gian NLĐ không thể làm việc do thương tật (100% tiền lương trong 12 tháng đầu tiên và 50% tiền lương của các tháng tiếp theo); (iii) Bồi thường thương tật vĩnh viễn, khoản tiền hỗ trợ tùy mức độ thương tật (một phần hoặc toàn bộ); (iv) Trợ cấp tử vong: Bồi thường cho gia đình nếu NLĐ tử vong do TNLĐ; (v) Chi phí tái đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ không thể tiếp tục công việc cũ; (vi) Trợ cấp giáo dục cho con của NLĐ.

- Mức đóng góp: Tỷ lệ đóng góp được xác định dựa trên loại hình công việc và mức độ rủi ro của môi trường lao động.

- Lợi ích bổ sung: (i) Hỗ trợ chi phí mai táng nếu NLĐ qua đời; (ii) Chương trình phục hồi chức năng và hỗ trợ tái hòa nhập vào thị trường lao động.

Chương trình này thể hiện nỗ lực của chính phủ Indonesia trong việc xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội toàn diện, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của lực lượng lao động.

b. Malaysia

Hệ thống bảo hiểm TNLĐ, BNN tại Malaysia được thiết lập dựa trên Đạo luật An sinh xã hội của NLĐ năm 1969, do Tổ chức An sinh xã hội Malaysia (SOCSO) quản lý; ban đầu chỉ áp dụng cho NLĐ thuộc khu vực chính thức. Vào năm 2017, Malaysia đã mở rộng phạm vi bảo hiểm đối với các nhóm lao động sau: (i) NLĐ tự kinh doanh (cá nhân tự điều hành hoạt động kinh doanh của mình mà không có chủ sử dụng lao động); (ii) NLĐ trong khu vực phi chính thức (những người làm việc trong các lĩnh vực không được quản lý chính thức hoặc không có HĐLĐ rõ ràng); (iii) Chủ DN và người làm nghề tự do (bao gồm những người sở hữu và điều hành DN riêng cũng như những cá nhân làm việc tự do trong các lĩnh vực như nghệ thuật, tư vấn, và các dịch vụ khác).

- Quyền lợi cho NLĐ bị TNLĐ hoặc BNN: (i) Trợ cấp y tế; (ii) Trợ cấp thương tật tạm thời, thương tật vĩnh viễn, trợ cấp cho người phục vụ; (iii) Hỗ trợ phục hồi chức năng thể chất và tái gia nhập lực lượng lao động; (iv) Quyền lợi cho người phụ thuộc; (v) Trợ cấp mai táng; (vi) Trợ cấp giáo dục cho con của NLĐ.

- Mức đóng góp: Tỷ lệ đóng góp được quy định là 1,25% thu nhập theo lựa chọn đối với NLĐ tự kinh doanh hoặc thuộc khu vực phi chính thức.

- Chương trình hỗ trợ bổ sung:

SOCSO cung cấp các dịch vụ bổ sung như: (i) Chương trình nâng cao an toàn và sức khỏe nghề nghiệp; (ii) Trung tâm phục hồi chức năng: Hỗ trợ NLĐ phục hồi và quay lại làm việc sớm; (iii) Chiến dịch tăng cường ATVSLĐ: Giảm tỷ lệ TNLĐ và BNN, từ đó giảm chi phí cho các chương trình bảo hiểm.

Việc mở rộng này nhằm đảm bảo rằng các nhóm lao động trên được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội tương tự như lao động trong khu vực chính thức, bao gồm bảo hiểm TNLĐ, BNN và các chế độ hưu trí. Điều này thể hiện cam kết của Malaysia trong việc bảo vệ và nâng cao phúc lợi cho toàn bộ lực lượng lao động, bất kể họ hoạt động trong lĩnh vực nào.

Như vậy, có thể thấy rằng, so với một số nước trong khu vực thì quyền lợi thụ hưởng các chế độ trong chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Tất nhiên, việc thực hiện các chế độ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau (khả năng cân đối quỹ, bộ máy tổ chức, vận hành, quản lý…), nhưng, điều này cũng cho thấy dư địa để Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hoàn thiện chính sách bảo hiểm TNLĐ tự nguyện nói riêng và bảo hiểm TNLĐ, BNN nói chung (bao gồm bắt buộc và tự nguyện) vẫn còn rất lớn.

Mặc dù, các phân tích cho thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nhưng vẫn phải khẳng định rằng: Quy định về bảo hiểm TNLĐ tự nguyện là một bước đi rất tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ làm việc không theo HĐLĐ. Đây vẫn là một chính sách quan trọng, giúp cải thiện quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là NLĐ thuộc khu vực phi chính thức, đặt nền móng cho việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa quyền lợi của NLĐ trong tương lai.

3. Do mâu thuẫn với người khác không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; cố ý tự hủy hoại sức khỏe bản thân; sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện trái pháp luật.

4. Theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn.

5. Nguồn: https://www.bpjsketenagakerjaan.go.id/bukan-penerima-upah.html.

6.https://www.perkeso.gov.my/en/our-services/protection/employment-injury-scheme.html

Th.S Trần Thanh Nam

Trình bày: Hà Hùng


Viết bình luận
Bình luận mới