Sau 8 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả rất tích cực, Luật BHXH năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như diện bao phủ BHXH chưa cao; thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu còn dài; việc chấp hành pháp luật về BHXH có mặt chưa tốt, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; các quy định về quyền và nghĩa vụ của người SDLĐ, NLĐ trong thực hiện pháp luật về BHXH còn chưa phù hợp; mức hỗ trợ của một số chế độ, chính sách còn chưa hấp dẫn; vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện pháp luật về BHXH có nơi chưa phát huy đầy đủ; việc ứng dụng KHCN trong lĩnh vực BHXH chưa cao...
Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập, hợp tác quốc tế, dòng lưu chuyển lao động giữa các nước cũng ngày càng tăng; các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH. Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 lại thiếu các quy định tạo thuận lợi cho hoạt động đàm phán, thực thi các hiệp định cũng như để NLĐ Việt Nam tham gia thị trường lao động quốc tế được thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng chế độ BHXH tích lũy từ quá trình lao động…
Chính vì vậy, Luật BHXH 2024 vừa được Quốc hội thông qua đã cho phép mở rộng diện bao phủ của chính sách. Theo đó, những người tham gia BHXH bao gồm cả những người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn và những người làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ một tháng trở lên. Điều này cũng áp dụng cho trường hợp NLĐ và người SDLĐ có thỏa thuận khác miễn là có các điều kiện về công việc được trả lương và quản lý, điều hành. Mở rộng người tham gia BHXH bằng cách bổ sung thêm các chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, những người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc và các chức danh quản lý khác của HTX hay liên hiệp HTX mà không hưởng tiền lương cũng thuộc diện tham gia BHXH.
Như vậy, việc bổ sung các đối tượng tham gia BHXH là một bước tiến trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả NLĐ, kể cả những người làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân và khu vực không chính thức. Chính điều này mở rộng phạm vi bảo vệ của Luật BHXH, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Theo ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Luật BHXH 2024 dù mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra thách thức cho quỹ BHXH về mặt tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng. Việc giảm thời gian đóng BHXH và tăng mức hưởng có thể dẫn đến áp lực lên quỹ BHXH, yêu cầu phải có các giải pháp quản lý và tài chính bền vững để đảm bảo quỹ có thể đáp ứng nhu cầu của người hưởng trong dài hạn.
“Tuy vậy, Luật BHXH 2024 là một bước tiến tích cực trong hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ và người cao tuổi, đồng thời phản ánh sự thích ứng của chính sách với các thay đổi kinh tế- xã hội. Song, để đạt được mục tiêu lâu dài, cần có sự quản lý hiệu quả và bền vững đối với quỹ BHXH cũng như các chính sách điều chỉnh linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước”- ông Phong khẳng định.
Luật BHXH 2024 được Quốc hội thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cải thiện quyền lợi cho NLĐ liên quan đến hưu trí và trợ cấp xã hội. Luật đã giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm và mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện; tăng cường các chế độ hỗ trợ, phản ánh cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả mọi người.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm để hưởng lương hưu. Điều này không chỉ giúp nhiều NLĐ sớm hưởng lương hưu mà còn thể hiện sự linh hoạt của chính sách an sinh xã hội nhằm phù hợp với thực tế đời sống và sự thay đổi của thị trường lao động, trong điều kiện kinh tế biến động và tuổi thọ trung bình của người dân tăng cao. Đồng thời, quy định này mở ra cơ hội với những trường hợp trước đây không được hưởng lương hưu hoặc tham gia không liên tục hay làm những công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn cho khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm BHYT, góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Cùng với đó, Luật BHXH 2024 cũng điều chỉnh mức hưởng lương hưu, bắt đầu từ 45% mức bình quân tiền lương đã đóng BHXH cho 15 năm đầu đối với lao động nữ (20 năm đầu đối với lao động nam); mỗi năm đóng thêm sau đó mức hưởng sẽ tăng thêm 2%; mức tối đa là 75%. Quy định này không chỉ tạo động lực cho NLĐ đóng BHXH lâu dài mà còn đảm bảo rằng họ có thể có một cuộc sống ổn định sau khi nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, Luật BHXH 2024 cũng mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện, bao gồm cả trợ cấp thai sản. NLĐ tham gia BHXH tự nguyện có quyền hưởng trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh và mỗi trường hợp thai chết từ tuần thứ 22 trở đi trong quá trình mang thai hoặc khi chuyển dạ.
Luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Việc sửa đổi quy định này bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc cho hơn 86.000 người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đang tham gia BHXH bắt buộc, giúp nhóm đối tượng này an tâm công tác, cống hiến nhiều hơn, đóng góp công sức xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Song song với đó, Luật sửa đổi cũng mở rộng chế độ trợ cấp cho người cao tuổi không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bắt đầu từ tuổi 75, người dân sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí và quy định này sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cho khoảng 800.000 người cao tuổi. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình mà còn thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với người cao tuổi.
Đáng chú ý, Luật BHXH 2024 đã bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Đây là vấn đề xã hội rất quan tâm, tác động trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Chính vì vậy, Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH như quy định cụ thể hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; nộp phạt khi đóng chậm; ngừng sử dụng hóa đơn đối với người SDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, Luật BHXH 2024 bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Qua đó, tăng nhận thức, trách nhiệm cho các chủ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đối với quyền lợi NLĐ, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Bài: V.Thu
Đồ họa: Thanh An
Tại Vĩnh Long, BHXH tỉnh phối hợp với Hội LHPN tỉnh xây dựng mô hình Tổ Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, phối hợp với Hội Nông dân xây dựng mô hình Nông dân tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện; hay như phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xây dựng mô hình CLB Hội Chữ thập đỏ tham gia BHXH tự nguyện…
Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cán bộ BHXH tại các huyện vùng cao hằng ngày vẫn phải băng đèo, lội suối, tìm hiểu phong tục tập quán để tuyên truyền, thuyết phục bà con tham gia BHXH, BHYT.
Hiện nay, lái xe công nghệ không còn là công việc kiếm thêm lúc nhàn rỗi, mà đã trở thành một nghề với những rủi ro luôn tiềm ẩn. Tuy nhiên, lực lượng này lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, BHYT. Do đó, đảm bảo an sinh cho nhóm lao động này là việc mà các cơ quan chức năng cần làm ngay!
Luật BHXH 2024 vừa được ban hành đã thể chế hóa mạnh mẽ Nghị quyết 28-NQ/TW, tạo tiền đề cho công tác BHXH giai đoạn tiếp theo.