PortalViewLongForm
E-magazine

Vẫn nan giải tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH

Shared facebook

Tại Phiên giải trình về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các đại biểu HĐND tỉnh đã khẳng định, mặc dù cơ quan BHXH thường xuyên đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, song nhiều DN vẫn cố tình chây ỳ hoặc đối phó theo kiểu “nhỏ giọt”. Cụ thể, hết năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có 4.000 đơn vị HCSN thì có 17 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; 2.252 DN đang hoạt động chậm đóng BHXH của hơn 40.000 NLĐ với số tiền hơn 312 tỷ đồng. Đáng chú ý, đến hết tháng 2/2023, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 293 đơn vị HCSN chậm đóng BHXH, BHYT với số tiền 19,045 tỷ đồng, trong đó có đơn vị chậm đóng trên 3 tháng…

Đáng chú ý, một số DN chậm đóng BHXH với số tiền lớn, thời gian kéo dài, thậm chí phớt lờ kết luận thanh tra, kiểm tra. Đáng chú ý: Công ty CP Xi măng Công Thanh (TX.Nghi Sơn) chậm đóng hơn 4,89 tỷ đồng khiến quyền lợi của 391 NLĐ bị ảnh hưởng. Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan (TX.Bỉm Sơn) chậm đóng hơn 8,76 tỷ đồng (74 tháng); sau khi đổi tên thành Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan 1 lại tiếp tục chậm đóng hơn 703 triệu đồng (9 tháng) của 56 NLĐ. Đây chỉ là hai trong số hàng ngàn đơn vị, DN đang chây ỳ chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT nhưng chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Theo số liệu của ngành BHXH, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH giai đoạn 2016-2020 liên tục tăng, cụ thể: Năm 2016 là trên 9.500 tỷ đồng, năm 2017 trên 9.700 tỷ đồng, năm 2019 trên 10.000 tỷ đồng và năm 2020 trên 11.600 tỷ đồng. Trong đó, số chậm đóng kéo dài từ 3 năm trở lên chiếm trên 30%. Cũng theo thống kê, tổng số tiền chậm đóng BHXH giai đoạn 2016-2020 khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ quan BHXH đã chuyển hồ sơ hàng trăm DN chậm đóng kéo dài cho cơ quan Công an để điều tra, xử lý hình sự, nhưng vẫn chưa xử lý được DN nào. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị, DN coi thường pháp luật, cố tình chậm đóng kéo dài để trục lợi, nhất là với những DN đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Liên quan tình trạng này, ông Đinh Ngọc Quý- Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội chỉ rõ, pháp luật BHXH hiện chưa có quy định cụ thể về việc giải quyết chế độ của NLĐ trong trường hợp chủ SDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH hoặc đã phá sản, dừng hoạt động. Theo ông Quý, Luật DN, Luật Phá sản, Luật HTX và Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp, nhưng không phải là khoản ưu tiên thanh toán đầu tiên (sau chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc...) khi thanh lý tài sản. Mặt khác, phần lớn DN phá sản, chấm dứt hoạt động khi thanh lý tài sản không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản tiền chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Theo đánh giá, việc các đơn vị, DN chậm đóng BHXH kéo dài dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho NLĐ. Bên cạnh không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau, hưu trí, tử tuất, NLĐ còn gặp khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng các chính sách hỗ trợ NLĐ như: Chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, BH thất nghiệp, BHYT... Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân được các DN viện dẫn cho hành vi chậm đóng BHXH là do tác động của suy thoái kinh tế, thậm chí không ít DN còn viện dẫn lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để chậm đóng, trốn đóng BHXH.

“Chúng ta không thể phủ nhận đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến một số DN gặp khó khăn. Nhưng bên cạnh đó, không ít DN dù không bị tác động hoặc đã phục hồi sản xuất trở lại cũng mượn cớ này để chây ỳ đóng BHXH, BHYT. Không những vậy, nhiều DN còn cố tình lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách BHXH, chế tài xử lý việc chậm đóng BHXH còn nhẹ và chưa nghiêm để trốn đóng, hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ. Thậm chí, việc nợ BHXH kéo dài năm nọ sang năm kia còn diễn ra ở các đơn vị HCSN khiến thực trạng nợ, chậm đóng BHXH càng trở nên phức tạp hơn”- ông Phạm Trọng Nghĩa- Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa mới đây, đại diện Công ty TNHH MTV JLG Vina (TP.Thanh Hóa) cho rằng, thời điểm mới thành lập, NLĐ có tay nghề ít nên cần phải có quá trình đào tạo nghề cho NLĐ, dẫn đến chất lượng xuất khẩu và tiến độ không bảo đảm và bị phạt, phải mất một năm mới vực lại được để duy trì hoạt động. Trong khi đó, hơn một tháng qua, Công ty bị dừng hoạt động do hệ thống chữa cháy chưa bảo đảm, nên để bảo đảm lương cho NLĐ, Công ty cũng đã cố gắng rất nhiều…

Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Đăng Hoàng- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng có Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 (đơn vị vận hành hệ thống xe buýt) và Công ty TNHH Emprie Hospitality (chủ đầu tư dự án Cocobay) thường xuyên chậm đóng BHXH. Theo ông Hoàng, Sở LĐ-TB&XH đã xử phạt, nhưng một số DN vẫn chây ỳ trong việc nộp tiền xử phạt; rất khó thực hiện việc cưỡng chế các DN chậm đóng BHXH.

“Cưỡng chế tài khoản ngân hàng thì được, còn cưỡng chế tài sản thì không được. Trong khi đó, nhiều DN chậm đóng BHXH lại không đăng ký hoạt động trên địa bàn nên càng khó thực hiện. Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 liên tục chậm, nợ BHXH nhiều năm nay. Hiện TP.Đà Nẵng đang trợ giá cho hệ thống xe buýt nên mức lương của NLĐ khi làm việc cho Quảng An 1 là cao, với 8 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, dù biết đơn vị này nợ lương, nợ BHXH, nhưng NLĐ vẫn làm”- ông Hoàng dẫn chứng.

Bài: Vũ Thu

Đồ hoạ: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Bình luận mới