Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư

Thứ Ba, 16 /04/2024 12:57

Sáng 16/4, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”. Tham dự và chủ trì Hội nghị có ông Vũ Thanh Mai- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Chỉ thị số 38 và Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Hội nghị đã kết nối trực tuyến tới 700 điểm cầu tại BHXH các địa phương trên cả nước, với hơn 10.000 đại biểu tham gia. Tham gia tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Phó Chủ tịch thường trực HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam...

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam

Tiệm cận mục tiêu “BHYT toàn dân”

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, ngày 7/9/2009, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. “Việc triển khai Chỉ thị số 38 được ngành BHXH Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. BHXH Việt Nam đã hoàn thành các nhiệm vụ được Ban Bí thư giao tại Chỉ thị số 38”- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, với việc quán triệt và triển khai kịp thời, đầy đủ nội dung Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, công tác BHYT đã đạt được các kết quả nổi bật. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các đơn vị SDLĐ, người tham gia BHYT, cơ sở KCB về chính sách, pháp luật BHYT đã có chuyển biến tích cực. Sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị đã tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương, lan tỏa đến người dân.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị

Một số kết quả nổi bật được ghi nhận như: Công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật để pháp quy hóa Chỉ thị đã và đang hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý thực hiện chính sách BHYT; độ bao phủ BHYT tăng nhanh và phát triển bền vững. Nếu như năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 46,1% dân số; thì đến năm 2009- sau khi Chỉ thị số 38 được ban hành, toàn quốc có trên 50 triệu người tham gia BHYT, tăng trên 10 triệu người so với năm 2008, đạt tỷ lệ bao phủ 58,2% dân số; đến năm 2023 có 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số.

Đồng thời, điểm nhấn nổi bật nữa, chính là công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT được thực hiện hiệu quả, khi đã cân đối thu-chi, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Công tác giám định, thanh tra, kiểm tra đã có những thay đổi cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban ngành tại địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Đồng thời, ngành BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách TTHC, từ đó tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

“Tấm thẻ BHYT trở thành một phần không thể thiếu trong giấy tờ tùy thân của hầu hết người dân, nhất là với người dân vùng sâu, vùng xa... Đây chính là minh chứng thành công của công tác truyền thông, khi chính sách BHYT, ý nghĩa của việc tham gia “thấm” vào trong nhận thức, đời sống của mỗi người dân. Tính tuân thủ pháp luật BHYT ngày càng tốt, người dân tin tưởng và hài lòng khi sử dụng thẻ BHYT, thể hiện chính sách BHYT đã thực sự đi vào đời sống...”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Bên cạnh khẳng định những thành tựu đạt được, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ rõ, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số khó khăn, bất cập và hạn chế. Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nói chung và công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT nói riêng. Nhiều nơi còn coi công tác BHXH, BHYT là nhiệm vụ của riêng ngành BHXH Việt Nam; chưa bố trí được nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng như người thuộc hộ cận nghèo, hộ nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình...

Đại biểu tham dự tại các điểm cầu BHXH địa phương

Bên cạnh đó, việc sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực BHYT, ngoài yếu tố đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, thì hiện còn thiếu tính linh hoạt, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng, cũng như chưa phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi giai đoạn. Ví dụ như, những nhóm dân cư tại các vùng kinh tế khó khăn không còn được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT khi địa bàn này đạt tiêu chí nông thôn mới... Đồng thời, sự phối hợp giữa cơ quan BHXH, Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trong quản lý và sử dụng quỹ BHYT còn hạn chế; kinh phí KCB BHYT tại một số cơ sở KCB chưa được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm…

Vì vậy, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh bày tỏ mong muốn, thông qua các hoạt động tổng kết, đánh giá, sẽ giúp ngành BHXH Việt Nam cũng như các đơn vị liên quan rút ra được bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện; cũng như đề xuất, kiến nghị giải pháp để chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện và được thực hiện hiệu quả hơn.

Đồng hành chăm sóc sức khỏe người dân

Chia sẻ minh chứng về sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Từ năm 2008 đến nay, số người tham gia và tỷ lệ bao phủ BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước, mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 95% dân số tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là mục tiêu không còn xa...

Ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT chia sẻ tại Hội nghị

Công tác thông tin, truyền thông về BHYT cũng có những chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh các hình thức truyền thông truyền thống, nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông ngày càng được đổi mới đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù từng nhóm chủ đề, đặc điểm văn hóa vùng miền. BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều hình thức truyền thông mới như: Tư vấn, đối thoại trực tiếp với người dân; tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động, ca khúc về BHXH, BHYT; truyền thông trực quan sinh động và theo chủ đề, đặc thù vùng miền; đẩy mạnh triển khai các hình thức truyền thông mới; phát huy hiệu quả tư vấn, giải đáp thông tin cho người dân qua hệ thống chăm sóc khách hàng (Call Center), ứng dụng VssID-BHXH số…

BHXH Việt Nam cũng đã nâng cao hiệu quả công tác giám định, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT. Trung bình mỗi năm có trên 170 triệu lượt người KCB BHYT. Tính bình quân mỗi cán bộ giám định phải thực hiện giám định khoảng 80.000 hồ sơ/năm. Từ tháng 7/2016, BHXH Việt Nam đã xây dựng và vận hành chính thức Hệ thống thông tin giám định BHYT. Trong giai đoạn 2017-2022, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã góp phần giảm chi từ quỹ BHYT với số tiền hơn 10.000 tỷ đồng, góp phần phục vụ nhân dân KCB trong những trường hợp cần thiết hơn.

Đặc biệt, quyền lợi KCB BHYT của người dân luôn là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chính sách. Từ khi thực hiện Luật BHYT, hầu hết các cơ sở KCB công lập đều tham gia ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH. Năm 2009 có 2.176 cơ sở ký hợp đồng; đến cuối năm 2023 tăng lên 2.897 cơ sở. Ngoài ra, còn có gần 10 nghìn trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng tham gia KCB BHYT thông qua hợp đồng do các BV huyện hoặc TTYT huyện ký kết…

Bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội nghị

Chung góc nhìn tích cực về những thành tựu đạt được, bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) đánh giá: Với sự nỗ lực của toàn ngành BHXH Việt Nam, hiện dư địa mở rộng độ bao phủ BHYT trong thời gian tới chỉ còn khoảng 7%... Bà Trang cũng đánh giá cao thành tựu ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của BHXH Việt Nam, nhất là nhấn mạnh hiệu quả công tác giám định BHYT và triển khai thẻ BHYT điện tử...

Đại diện Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn công tác giám định sẽ là công cụ chủ lực trong hoạt động cân đối quỹ BHYT, đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả. “Hệ dữ liệu mà BHXH Việt Nam đang có thông qua hoạt động này cũng là thông tin, bằng chứng thực tế cho việc xây dựng chính sách phù hợp; đưa ra các giải pháp thực hiện chính sách có tính thuyết phục...”- bà Trang cho biết.

Xây dựng và triển khai chính sách BHYT theo chiều sâu

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Thanh Mai- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Chỉ thị số 38 nhấn mạnh: “Những kết quả qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư đã khẳng định đóng góp của chính sách BHYT trong đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ông Vũ Thanh Mai- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Để sớm đạt mục tiêu BHYT toàn dân, nhất là giúp chính sách BHYT đi vào chiều sâu, thực sự là trụ cột an sinh xã hội vững chắc, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Cán sự Đảng và toàn thể CBVC ngành BHXH Việt Nam phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo các cấp triển khai, quán triệt để mỗi người dân, DN, hộ gia đình nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách BHYT. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, chính sách BHYT tại các cơ quan, đơn vị, DN.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT; nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT. Cơ quan BHXH các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ bao phủ 95%; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT.

Ông Vũ Thanh Mai cũng đề nghị BHXH Việt Nam nghiên cứu, đề xuất với các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT; đẩy mạnh cải cách TTHC, phát huy kết quả ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý nhằm ngăn ngừa lạm dụng, lãng phí nguồn quỹ, đảm bảo sử dụng hiệu quả và cân đối thu-chi quỹ…

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, thay mặt Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành triển khai một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả chính sách BHYT như: Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể tại địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai, quán triệt để mỗi người dân, DN, hộ gia đình nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHYT. Tham mưu để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển BHYT đến cấp xã; quy định giá dịch vụ KCB BHYT phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở KCB sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí KCB BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

“Ngành BHXH Việt Nam đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư, các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu trách nhiệm cao của đội ngũ làm công tác BHYT. Trong giai đoạn tiếp theo, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa trong triển khai thực hiện chính sách BHYT, đáp ứng ngày càng cao hơn trong mục tiêu BHYT toàn dân, công tác KCB BHYT, yêu cầu về quản lý quỹ trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội có sự thay đổi nhanh và phức tạp...”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Thái An