Bao nhiêu người đang lọc máu duy trì sự sống?
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 30.000 người phải lọc máu chu kỳ- thường gọi là chạy thận nhân tạo, để duy trì sự sống. Thông tin trên được TS-BS.Nguyễn Minh Tuấn- Phó Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam đưa ra tại Hội nghị khoa học kỹ thuật do BV Lê Văn Thịnh tổ chức hôm 29/10 vừa qua.
TS-BS.Nguyễn Minh Tuấn, người đồng thời là Trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Chợ Rẫy, TP.HCM) cũng dẫn số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có hơn 375 đơn vị Thận nhân tạo với khoảng 5.000 máy lọc máu.
TS-BS.Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ kiến thức tại Hội nghị khoa học kỹ thuật
Hệ thống y tế Việt Nam hiện chia 3 cấp: KCB ban đầu (trạm y tế), KCB cơ bản (BV quận, huyện hoặc trung tâm y tế), KCB chuyên sâu (BV tuyến tỉnh, thành phố và BV thuộc các bộ, ngành). Chỉ có vài trạm y tế trên cả nước có máy lọc máu phục vụ bệnh nhân thận nhân tạo, số máy còn lại thuộc mạng lưới cơ sở KCB cơ bản và chuyên sâu.
Tính bình quân mỗi máy lọc máu phục vụ 6 bệnh nhân thận nhân tạo. Với thời gian lọc máu 4 giờ/lần/người, tính ra từng máy lọc máu phải chạy hết công suất 24/24 mới đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.
Thông thường, bệnh nhân thận nhân tạo lọc máu cách nhật để duy trì sự sống (3 lần/tuần). Do đó, về lý thuyết thì 5.000 máy lọc máu hiện tại cũng đủ phục vụ 30.000 bệnh nhân. Song, trên thực tế, việc phân bố máy lọc máu tại 375 đơn vị Thận nhân tạo nơi nhiều nơi ít, nên cũng có tình trạng thiếu hụt máy, khiến bệnh nhân phải đi rất xa mới có cơ hội duy trì sự sống.
TS-BS.Nguyễn Tuấn còn dẫn số liệu phản ảnh thực trạng lọc máu giúp bệnh nhân thận nhân tạo duy trị sự sống trên thế giới. Theo đó, có từ 5,3 triệu người đến 10,5 triệu người cần lọc máu hoặc ghép thận. “Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được các phương pháp điều trị này do thiếu nguồn lực, hoặc do các rào cản tài chính”- BS.Tuấn cho biết thêm.
Chuyên gia cũng thông tin thêm, thế giới hiện có khoảng 850 triệu người mắc một số dạng của bệnh thận. Đây là nhóm người có nguy cơ đối mặt với rủi ro suy thận trong tương lai. Tỷ lệ mắc bệnh thận mãn tính trên thế giới được ghi nhận là 10,4% ở nam giới, 11,8% ở nữ giới.
Một bệnh nhân vừa được BV Lê Văn Thịnh cứu sống nhờ kỹ thuật lọc máu hấp phụ HP
Mỗi năm thế giới ghi nhận 13,3 triệu người mắc tổn thương thận cấp tính- đây cũng là nhóm người đối mặt tình trạng mắc bệnh thận mãn tính hoặc suy thận trong tương lai. “Thế giới cũng ghi nhận bệnh nhân thận nhân tạo kéo dài đến 40 năm. Riêng ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân thận nhân tạo duy trì sự sống đến 20 năm cũng ngày một tăng”- BS.Tuấn thông tin thêm.
Theo chuyên gia, đây là tín hiệu vừa vui vừa lo. Vui vì thời gian sống của bệnh nhân thận nhân tạo kéo dài hơn nhờ lọc máu. Lo là lọc máu kéo dài cũng gây nhiều biến chứng, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Vì vậy, những kỹ thuật lọc máu giúp giảm thiểu biến chứng cần được ngành Y tế Việt Nam sớm cho phép thực hiện thường quy.
Hiện kỹ thuật lọc máu có thể ứng dụng đến 7 chế độ làm sạch máu (chạy thận nhân tạo chu kỳ HD, lọc máu liên tục HF, siêu lọc-thẩm tách máu HDF, lọc máu hấp phụ HP, lọc chậm liên tục CBP/CRRT, lọc máu hấp phụ miễn dịch IA, thay huyết tương PE). Trong đó, HD là kỹ thuật lọc máu thường quy đang giúp các bệnh nhân thận nhân tạo cả nước duy trì sự sống.
Theo BS.Tuấn, nếu phối hợp chạy thận nhân tạo chu kỳ HD và lọc máu hấp phụ HP với nhau, có thể giảm thiểu biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống đối với bệnh nhân thận nhân tạo phải lọc máu kéo dài. Tuy nhiên, kỹ thuật này ngoại trừ những BV rất lớn thuộc Bộ Y tế đã được phê duyệt thực hiện, các cơ sở KCB khác thì chưa.
Hồi năm 2013, BV Bạch Mai được Bộ Y tế phê duyệt bổ sung 2 kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật phối hợp chạy thận nhân tạo chu kỳ HD và lọc máu hấp phụ HP với quả lọc HA130. Một tài liệu từ Bộ Y tế cho biết, kỹ thuật phối hợp này đã được ngành Y tế Trung Quốc cho phép áp dụng thường quy.
Rào cản lớn nhất đối với kỹ thuật lọc máu hấp phụ HP là chi phí. Trong khi quả lọc theo kỹ thuật HD chỉ vài trăm nghìn đồng, thì quả lọc HA130 trong kỹ thuật HP lên đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng (tùy công năng). Tuy nhiên, trước đòi hỏi thực tế, BS.Tuấn nói rằng, phía Hội Lọc máu Việt Nam và Bộ Y tế đang có những bàn thảo để sớm áp dụng thường quy kỹ thuật phối hợp này.
Thanh Giang
- Chung tay hỗ trợ trẻ tự kỷ xây dựng tương lai
- Bộ Y tế ban hành công văn hỏa tốc về phương án cấp cứu, cách ly khi tăng ca sởi nặng
- Dịch sởi hạ nhiệt nhờ tái lập miễn dịch cộng đồng
- Khởi công xây dựng BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Đà Nẵng
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh của DN vừa và nhỏ