BHXH các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long bàn giải pháp truyền thông chính sách BHXH tự nguyện

Thứ Bảy, 20 /04/2024 17:46

Ngày 19/4, tại Bến Tre, Cụm Thi đua số 9 (BHXH Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giải pháp truyền thông BHXH tự nguyện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Bé Mười- Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Bến Tre.

Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị, đến hết năm 2023, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 1,85 triệu người tham gia BHXH và còn khoảng 8,2 triệu người chưa tham gia. Vì vậy, tiềm năng phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn còn rất lớn, đòi hỏi công tác truyền thông cần phải được quan tâm đẩy mạnh với các giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả.

Cụm Thi đua số 9 (BHXH Việt Nam) bao gồm BHXH 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP.Cần Thơ.

Trước dư địa phát triển người tham gia BHXH tự nguyện còn nhiều, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung phân tích, thảo luận về các chủ đề như: Cơ sở lý luận và thực tiễn về truyền thông chính sách BHXH tự nguyện; bài học từ 32 năm truyền thông về BHYT toàn dân; kinh nghiệm truyền thông BHXH tự nguyện tại một số địa phương miền Bắc, miền Trung; kinh nghiệm truyền thông về BHXH của một số quốc gia.

Các đại biểu cũng có những đánh giá, nhận định về đặc điểm, vị trí, tầm quan trọng của khu vực ĐBSCL đối với sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội quốc gia; quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển BHXH tự nguyện, tiến tới BHXH toàn dân và yêu cầu nhiệm vụ, vấn đề đặt ra đối với công tác truyền thông BHXH tự nguyện khu vực ĐBSCL; thực trạng, giải pháp truyền thông phát triển BHXH tự nguyện tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, đề xuất, BTC Hội nghị đã hệ thống, khái quát cơ sở lý luận; tổng hợp, phân tích, đánh giá thực trạng; từ đó xác định rõ những yêu cầu nhiệm vụ, vấn đề đặt ra đối với công tác truyền thông BHXH tự nguyện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan tác động đến hiệu quả truyền thông BHXH tự nguyện trong khu vực.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, thay mặt BTC, ông Dương Văn Thắng- Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre đã khái quát 8 nhóm giải pháp tăng cường truyền thông phát triển BHXH tự nguyện trong khu vực ĐBSCL gồm:

Củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ truyền thông tại các đơn vị BHXH tỉnh, thành phố trong khu vực, nhân viên các tổ chức dịch vụ thu và lực lượng cộng tác viên truyền thông hiện có. Thực hiện tốt yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ tổ chức công tác truyền thông BHXH tự nguyện.

Đổi mới cách thức tiếp cận, vận động, truyền thông bằng cách phát huy vai trò, hoạt động thực chất của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông, vận động phát triển BHXH tự nguyện ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư.

Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các phương pháp, hình thức truyền thông truyền thống, trực tiếp, trực quan. Tổ chức thực hiện hiệu quả Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân (tháng 5 hằng năm).

Thông qua các cuộc ra quân thông tin cổ động, kết hợp truyền thông vận động nhóm nhỏ. Qua đó, góp phần đưa chính sách đến với từng người dân.

Nâng cao hiệu quả hợp tác truyền thông với các cơ quan thông tin đại chúng, các chương trình phối hợp truyền thông giữa BHXH tỉnh, huyện với các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan.

Đổi mới mạnh mẽ, tăng cường sử dụng các hình thức truyền thông mới, tăng tính tương tác, đầu tư kinh phí ít nhưng sức lan tỏa mạnh, hiệu quả cao; Tăng cường các hoạt động truyền thông phù hợp đặc điểm, bản sắc văn hóa người dân khu vực ĐBSCL để lan tỏa sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện như: Đờn ca tài tử, thơ ca, hò, vè…

Tổ chức tốt công tác chăm sóc khách hàng, chuyển đổi số, cải tiến quy trình nghiệp vụ, cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, tạo dựng niềm tin, hình ảnh, thu hút, hấp dẫn người dân tham gia.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất dành cho công tác truyền thông về BHXH tự nguyện; tiếp tục tăng cường các hoạt động học tập, chia sẻ kinh nghiệm; nhân rộng các mô hình truyền thông vận động, phát triển BHXH tự nguyện đã thực hiện và đang phát huy hiệu qủa.

Cũng theo BTC, Hội nghị này là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập ngành BHXH Việt Nam (16/2/1995-16/2/2025) của Cụm Thi đua số 9. Đồng thời, còn là dịp chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn truyền thông BHXH tự nguyện, giúp cho việc tổ chức thực hiện thời gian tới chất lượng, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, tiến tới BHXH toàn dân.

Lê Văn