BHXH Việt Nam: Nỗ lực để chính sách BHYT phát huy hiệu quả trong giai đoạn mới
Với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách BHYT, trong thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là ứng dụng CNTT, công nghệ số trong thực hiện chính sách, đưa chính sách ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân.
Đảm bảo quyền lợi người dân trong mọi hoàn cảnh
Những năm qua, bên cạnh số người tham gia BHYT toàn quốc tăng đều qua các năm; cùng với sự hoàn thiện của hệ thống các văn phạm pháp luật phạm vi, quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm theo hướng mở rộng. Công tác KCB BHYT ngày càng được nâng lên, đảm bảo quyền lợi cho tất cả những người tham gia BHYT, đáp ứng cơ bản nhu cầu KCB của Nhân dân.
Thống kê cho thấy, năm 2023, cả nước có hơn 174 triệu lượt KCB BHYT; số chi KCB BHYT khoảng 124.3 tỷ đồng, tại 2.316 cơ sở y tế và gần 10.000 trạm y tế xã thực hiện KCB BHYT. Trong năm 2024, số liệu lũy kế 9 tháng năm 2024 cho thấy, ngành BHXH Việt Nam đã giám định, thanh toán 134,286 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT (tăng trên 6,8 triệu lượt KCB so với cùng kỳ năm 2023); số chi KCB BHYT gần 100.854 tỷ đồng (tăng 12.478 tỷ đồng so với năm 2023)…
Trong quá trình thực hiện giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Y tế giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; BHXH địa phương chủ động phối hợp Sở Y tế và cơ sở KCB ở các tỉnh, thành phố để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT. Qua đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam đã được giải quyết, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB và đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT theo Luật định.
Đặc biệt, tháng 9/2024, trong bối cảnh thiên tai nghiêm trọng do cơn bão Yagi gây ra, ngành BHXH Việt Nam xác định được tầm quan trọng của việc hỗ trợ kịp thời cho những người tham gia BHYT, đặc biệt là các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão. Với mục tiêu tuyệt đối không để người dân không được KCB, chăm sóc sức khỏe do các gián đoạn về giao thông, hạ tầng, cơ sở vật chất,… sau bão, lũ, toàn Ngành đã phân công cán bộ thường trực tại các cơ sở KCB, kịp thời giải quyết ngay các vướng mắc về thủ tục KCB của người bệnh như thẻ BHYT, giấy chuyển viện…để đảm bảo tất cả người bệnh được KCB ngay, kịp thời ; phối hợp với ngành Y tế, cơ sở KCB và các cơ quan liên quan có các giải pháp để đảm bảo thuốc, thiết bị y tế phục vụ người bệnh (mua sắm trực tiếp, điều chuyển thuốc, thiết bị y tế…), kịp thời chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn; tổ chức KCB BHYT, cấp thuốc cho các trường hợp do điều kiện không thể đến được cơ sở KCB; tạm ứng đầy đủ, kịp thời kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB, đảm bảo công tác KCB BHYT được thông suốt, tuyệt đối không để tình trạng cơ sở KCB thiếu kinh phí KCB BHYT...
Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả phục vụ
Trong xu thế thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, nhằm mang lại những tiện ích lớn nhất cho người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, lĩnh vực BHYT- liên quan mật thiết đến đời sống thường ngày của người dân cũng được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Với công tác giám định, kiểm soát chi phí KCB BHYT, ngoài thực hiện phương pháp giám định theo tỷ lệ, thành lập tổ, nhóm giám định BHYT đi giám định tập trung, giám định theo chuyên đề, BHXH Việt Nam còn thực hiện phương pháp giám định trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT. Đây là Hệ thống đầu tiên thực hiện kết nối với hầu hết các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc, chia sẻ nhiều tiện ích cho cả người bệnh, cơ sở KCB trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính KCB BHYT. Một cấu phần quan trọng của Hệ thống là Phần mềm giám định luôn được điều chỉnh, bổ sung các chức năng, các biểu mẫu mới, cập nhật mới các quy tắc giám định dữ liệu đề nghị thanh toán, các quy tắc kiểm tra danh mục, kiểm tra hợp đồng KCB,... phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, giám sát, giám định chi phí KCB BHYT từ Trung ương đến địa phương.
Trong giai đoạn 2017- 2022, Hệ thống Thông tin giám định BHYT đã ghi nhận kết quả giám định giảm trừ số chi không hợp lý tổng số tiền từ chối thanh toán là 10.217,44 tỷ đồng (tự động là 1.738,58 tỷ đồng, chủ động là 8.478,88 đồng)… Công cụ đắc lực trong giám sát chi phí KCB BHYT đã đáp ứng được yêu cầu kép: đảm bảo sử dụng hiệu quả chi phí KCB BHYT; đồng thời giám sát các cơ sở KCB trong cung ứng dịch vụ y tế cho người bệnh BHYT, đảm bảo người bệnh được chăm sóc và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi mà quỹ BHYT đã chi trả… Với việc dữ liệu do ngành BHXH Việt Nam quản lý thực hiện kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu thanh toán chi phí KCB BHYT, trung bình mỗi năm tiếp nhận và xử lý khoảng hơn 174 triệu lượt hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí KCB- đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho quá trình triển khai Sổ Sức khỏe điện tử.
Bên cạnh đó, để đảm bảo thuận lợi cho người bệnh, BHXH Việt Nam đã cấp hơn 36 triệu tài khoản giao dịch điện tử, dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID, hơn 5 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục KCB BHYT. Đồng thời, BHXH Việt Nam vẫn đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy trong KCB BHYT. Đến tháng 9/2024, cả nước đã có 100% cơ sở KCB BHYT triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, với trên 119 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Theo BHXH Việt Nam, đến nay toàn ngành đã triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Trong đó 3 trọng tâm là nâng cao nhận thức chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trên môi trường số. Những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số của Ngành đã đem lại những lợi ích thiết thực, được Chính phủ và Nhân dân ghi nhận, hưởng ứng.
Thái An