Cả nước có 161.992 lao động nước ngoài đang làm việc
Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 161.992 lao động nước ngoài đang làm việc. Công tác quản lý lao động nước ngoài thời gian qua đã đáp ứng được tình hình thực tiễn ngày càng khó khăn, phức tạp trong quá trình hội nhập và quan hệ ngoại giao quốc tế.
Trong đó, 12.797 người không thuộc diện cấp giấy phép lao động; 149.195 người thuộc diện cấp giấy phép lao động. Cụ thể, cấp mới giấy phép lao động cho 108.932 người; gia hạn cho 18.779 người; cấp lại cho 11.936 người và 9.548 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Về quốc tịch, lao động nước ngoài đến từ khoảng 110 quốc gia. Trong đó quốc tịch Trung Quốc là 30,9%; Hàn Quốc, 18,3%; Đài Loan (Trung Quốc), 12,9%; Nhật Bản, 9,5% và lao động từ các quốc gia khác, chiếm 28,4%. Theo giới tính, nam giới chiếm 83,1%. Lao động có độ tuổi từ 30 trở lên chiếm 86% lao động nước ngoài.
Hệ thống các quy định pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, đã góp phần quan trọng thu hút lao động nước ngoài, nhất là nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm trong quản lý điều hành, các nhà đầu tư vào Việt Nam làm việc, bù đắp thiếu hụt lao động trình độ cao cho Việt Nam.
Tuy vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư có năng lực, tài chính, các chuyên gia, người lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao làm việc trong những ngành, nghề mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, thì cần có những chính sách linh hoạt. Qua đó, giảm thời gian cấp giấy phép lao động để đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cần bổ sung các trường hợp nhà đầu tư, chuyên gia là nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ngoài đang cần được thu hút, thì người sử dụng lao động không phải thực hiện giải trình nhu cầu mà được đề nghị cấp giấy phép lao động, hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Vì vậy, theo ý kiến của Bộ Nội vụ, việc xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là cần thiết. Nghị định sẽ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Các chính sách dự kiến được áp dụng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Người sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, nhà thầu và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
PV
- Người làm việc tại bộ phận “một cửa” của Hà Nội được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng
- Cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội "việc làm xanh" của phụ nữ
- Nhu cầu tuyển dụng công nhân sản xuất tăng cao
- Đào tạo công dân thế hệ số để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài
- Nhiều cơ hội việc làm bán thời gian đến với sinh viên