Doanh nghiệp “khát” lao động số lượng lớn
Nhiều doanh nghiệp sản xuất được khảo sát cho biết đang thiếu hụt lao động, trong đó không ít đơn vị đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng.
Nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến Việc làm Tốt vừa công bố Báo cáo Tổng quan về tình hình tuyển dụng của ngành sản xuất tại Việt Nam.
Theo đó, thị trường lao động toàn quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ với nhu cầu tuyển dụng tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng không đồng đều mà tập trung chủ yếu ở các khu vực Trung Bộ và Nam Bộ, phản ánh xu hướng dịch chuyển của các hoạt động sản xuất và kinh doanh giữa các vùng. Trong đó, 3 ngành có tốc độ tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng cao nhất là bán lẻ, nhà hàng - khách sạn và sản xuất.
Theo ông Dương Việt Linh - Giám đốc kinh doanh Việc Làm Tốt, doanh nghiệp sản xuất đang đối mặt với thách thức về tuyển dụng lao động. Chỉ có 31% đơn vị cho hay đã tuyển đủ lao động, số còn lại vẫn trong tình trạng thiếu hụt từ dưới 30% đến trên 50% lao động. Thậm chí, 18% doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ rằng đang thiếu lao động ở mức trầm trọng. Như vậy, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất mà còn tạo áp lực lên chi phí tuyển dụng và đào tạo.
Ngoài tuyển dụng, doanh nghiệp ngành sản xuất còn đối mặt với thách thức về chất lượng lao động trên thị trường chưa cao và cạnh tranh trong ngành. Theo khảo sát, chỉ có 14% lao động đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành đang tạo ra cuộc chiến thu hút nhân tài. Các doanh nghiệp buộc phải nỗ lực cải thiện phúc lợi và lương thưởng để thu hút ứng viên. Điều này thể hiện rõ qua sự chuyển dịch tỷ lệ từ các bậc lương thấp dưới 8 triệu đồng sang các bậc lương cao hơn (8-10 triệu và 10-15 triệu đồng). Riêng thu nhập của ngành sản xuất đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tối thiểu trung bình 9,8 triệu đồng/tháng.
Khảo sát của Việc Làm Tốt cũng cho thấy, ngày càng nhiều nhân sự có xu hướng chuyển sang hình thức làm việc bán thời gian, làm việc từ xa, tự do. Trong đó, 47% người lao động tham gia khảo sát chia sẻ rằng họ lựa chọn hình thức làm việc này là để đa dạng nguồn thu nhập để đảm bảo kinh tế; 41% người mong muốn có thời gian gần gia đình.
Trong quá trình tìm việc, người lao động cho biết, họ thường gặp khó khăn như không có đủ dữ liệu để đánh giá mức độ phù hợp giữa bản thân và công việc; lo ngại về tính xác thực và minh bạch của tin đăng tuyển dụng và thông tin doanh nghiệp; e ngại quy trình tuyển dụng phức tạp.
Cũng theo ông Dương Việt Linh, để thu hút ứng viên, doanh nghiệp cần phải biết đến và khắc phục những khó khăn nói trên. Đồng thời, các đơn vị cũng nên cải thiện 3 yếu tố mà ứng viên đặt ưu tiên hàng đầu khi tìm việc bao gồm lương thưởng, phúc lợi; môi trường làm việc; vị trí làm việc gần nhà và thuận tiện di chuyển. Đáng chú ý, có đến 65% lao động thuộc lĩnh vực sản xuất máy móc, thiết bị và cơ khí; dệt may, da giày; nội thất và vật liệu xây dựng, trong số 120 người tham gia khảo sát, cho biết có ý định trở về quê sau khi các tỉnh, thành được sáp nhập. Điều này được thúc đẩy bởi kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế của các địa phương và cơ hội việc làm tại quê nhà.
Nguyệt Hà
- Thành phố Huế giải quyết việc làm cho hơn 9.100 lao động
- TP.Hồ Chí Minh: Số người hưởng BH thất nghiệp giảm hơn 12%
- TP.HCM: Tổ chức sàn việc làm tháng 7 hỗ trợ đa dạng nhóm đối tượng lao động
- 6 tháng đầu năm 2025: Gần 75.000 người đi lao động nước ngoài
- Gần 75.000 người đi lao động nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2025