Các Chương trình An sinh xã hội chống lại đói nghèo ở Bangladesh

Thứ Tư, 21 /05/2025 15:55

Hàng triệu công dân Bangladesh sống trong cảnh nghèo đói cùng cực; tính đến năm 2022, tỷ lệ nghèo đói vào khoảng 19%.

Tuy nhiên, quốc gia này đã có những cải thiện đáng kể trong việc giảm nghèo trong vài thập kỷ qua, chủ yếu là nhờ các Chương trình An sinh xã hội (SSNP).

Theo đó, các Chương trình An sinh xã hội (SSNP) giúp Bangladesh thực hiện một số sáng kiến để hỗ trợ người có thu nhập thấp và mang lại sự ổn định kinh tế lâu dài cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Với các dự án cung cấp lương thực, hỗ trợ tiền mặt và giáo dục phát triển kỹ năng, SSNP của Bangladesh hướng đến mục tiêu tạo ra sinh kế ổn định cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình Phát triển nhóm dễ bị tổn thương (VGD)

Một trong những sáng kiến có tác động lớn nhất là Chương trình Phát triển nhóm dễ bị tổn thương (VGD), chủ yếu giúp đỡ đối tượng phụ nữ đang phải chịu cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Do bất bình đẳng giới, phụ nữ Bangladesh thường phải chịu đựng nhiều nhất khi đề cập đến vấn đề đói nghèo. Bắt đầu là Chương trình Nuôi dưỡng nhóm dễ bị tổn thương (VGF) vào năm 1975, Chương trình này đổi tên thành VGD vào năm 1982, dịch chuyển ưu tiên từ cứu trợ khẩn cấp sang phát triển dài hạn; riêng phân phối thực phẩm dinh dưỡng được hỗ trợ trong một khoảng thời gian cụ thể.

Tuy nhiên, hiệu ứng tích cực của Chương trình còn vượt xa hơn thế. Thông qua quan hệ đối tác với BRAC- Tổ chức phi chính phủ (NGO) lớn nhất Bangladesh, Chương trình cung cấp cho đối tượng phụ nữ dễ bị tổn thương về các kỹ năng đọc, viết và dinh dưỡng cơ bản; qua đó, “phá vỡ” vòng luẩn quẩn của đói nghèo thay vì chỉ giúp đỡ ngắn hạn.

Chương trình Trợ cấp người cao tuổi (OAAP)

Trước thực trạng Bangladesh đã và đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số, Chính phủ đã có một số động thái để bảo vệ những công dân lớn tuổi, nhất là đối tượng người không có lương hưu. Trước khi Chương trình Trợ cấp người cao tuổi bắt đầu vào năm 1998, chỉ những công nhân viên chức đã nghỉ hưu mới có lương hưu; còn khoản trợ cấp cho người cao tuổi nói chung chỉ khoảng 500 BDT (tương đương… 4 USD).

Đến nay, Chương trình giúp gần 4 triệu người cao tuổi Bangladesh có đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu cơ bản của con người như thực phẩm, thuốc men, nơi ở…- các yếu tố cải thiện chất lượng cuộc sống và chống lại đói nghèo. Hỗ trợ tài chính của Chương trình cũng làm giảm gánh nặng tài chính cho các thành viên khác thuộc hộ gia đình có người cao tuổi.

Chương trình Tạo thu nhập cho nhóm dễ bị tổn thương (IGVGD)

Đây là một sáng kiến khác dựa trên Chương trình VGD; theo đó, Chính phủ thiết kế IGVGD như một mô hình giảm nghèo 2 bước, giúp phụ nữ thu nhập thấp từ đối tượng có nhu cầu viện trợ lương thực thông qua Chương trình VGD, trở thành NLĐ tự cung, tự cấp có thu nhập ổn định.

Phụ nữ trong Chương trình được học các kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu, chẳng hạn như chăn nuôi gia cầm và may vá. Họ cũng có thể nhận được các khoản vay nhỏ hoặc trợ cấp để khởi nghiệp kinh doanh riêng. Mục tiêu Chương trình là khuyến khích sự tự lực và hỗ trợ phụ nữ đảm bảo việc làm, giúp họ có tiếng nói trong xã hội và đóng góp vào nền kinh tế đang phát triển. Theo thời gian, họ tự chủ trong cuộc sống và củng cố kinh tế gia đình.

Các Chương trình An sinh xã hội đã chứng minh được tính hiệu quả trong cuộc chiến chống đói nghèo ở Bangladesh. Tỷ lệ đói nghèo trên toàn quốc đã giảm đáng kể trong 2 thập kỷ qua. Nghèo đói đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2010-2016. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này giảm từ 21,3% xuống 18,9%; trong khi ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này giảm từ 35,2% xuống 26,4%. Ngoài ra, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển các kỹ năng nghề nghiệp cho thấy cam kết của Chương trình đối với việc trao quyền cho phụ nữ ở một quốc gia trước đây chỉ cung cấp cho họ những cơ hội hạn chế.

Gần đây, Chính phủ quyết định mở rộng các Chương trình An sinh xã hội và nỗ lực sử dụng công nghệ để cải thiện cơ chế để hoàn thành mục tiêu. Nhiều tổ chức phát triển quốc tế, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới (WB) và LHQ, cũng đã hỗ trợ nỗ lực của Bangladesh nhằm cải thiện an sinh xã hội của đất nước.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)