Cần đánh giá, phân loại đúng các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Thứ Tư, 30 /10/2024 16:46

Ngày 30/10, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao kiến thức, giải pháp, chế độ chính sách cho các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong môi trường lao động trong giai đoạn hiện nay".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Quang Thao- Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của công nghệ khiến cho các phương thức sản xuất cũng có nhiều thay đổi; do đó việc đánh giá, phân loại công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm cũng khác trước.  Điều này có vai trò quan trọng, làm căn cứ thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ như: BHXH, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, phụ cấp lương, bồi dưỡng bằng hiện vật…

Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH về quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động. Cách phân loại này khi áp dụng trong thực tiễn vẫn còn một số khó khăn như: Các tiêu chí đánh giá có bản chất khác nhau nhưng được lấy giá trị trung bình; khó có thể áp dụng với các ngành nghề đặc thù; chưa thể hiện tác động qua lại của các yếu tố khi chúng có thể khuếch đại lẫn nhau, nhất là khi có mặt đồng thời các hóa chất độc hại, nguy hiểm.

Ngoài ra, Thông tư này mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá cho những nghề, công việc cố định, có môi trường lao động cố định, ít biến động (tức là có thể thực hiện việc đo đạc được yếu tố tác động sinh học đến NLĐ), chứ chưa đánh giá được cho các nghề, công việc có tính chất nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất, hóa chất độc nguy hại hoặc những nghề, công việc có tần suất ít, hiếm xảy ra nhưng lại vô cùng nguy hiểm…

Để thuận tiện hơn trong việc đánh giá, phân loại điều kiện lao động, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH. Do đó, cuộc hội thảo được tổ chức để có thêm những căn cứ khoa học chắc chắn nhằm bảo vệ an toàn và sức khỏe cho NLĐ được tốt nhất...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các báo cáo nghiên cứu về điều kiện lao động của giáo viên mầm non, lao động ngành may... có các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ. Các báo cáo còn chỉ rõ, không chỉ NLĐ làm việc trong nhà xưởng sản xuất mới có các yếu tố nặng nhọc, độc hại, mà những người làm việc trong văn phòng cũng chịu một số tác động có hại. Hội chứng bệnh nhà kín (SBS) của người làm việc và sinh sống trong không gian kín phổ biến là: Vấn đề về hô hấp; kích ứng da và mắt; mệt mỏi; đau đầu và chóng mặt; mất tập trung và suy giảm trí nhớ; triệu chứng liên quan đến dị ứng…

Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động Việt Nam Nguyễn Anh Thơ cho rằng, căng thẳng trong lao động là một vấn đề đang gia tăng trên toàn thế giới, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến năng suất của DN. Căng thẳng liên quan đến công việc phát sinh khi nhu cầu công việc ở nhiều loại và kết hợp khác nhau vượt quá khả năng và khả năng ứng phó của một người. Căng thẳng tâm lý liên quan đến công việc là bệnh tật, thương tích là bệnh nghề nghiệp được bồi thường phổ biến thứ hai ở Bắc Mỹ, Australia, sau các rối loạn cơ xương.

Trong lĩnh vực khai thác mỏ, một bộ phận đáng kể NLĐ đang phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng và rủi ro tại nơi làm việc. Các nghiên cứu đưa ra cho thấy, lao động khai thác mỏ có nhiều nguy cơ rủi ro cao như: Môi trường làm việc nguy hiểm, cháy, nổ, sập hầm lò; cường độ lao động, làm việc theo ca; xung đột công việc-gia đình; rủi ro tâm lý xã hội tại nơi làm việc, lạm dụng chất gây nghiện, tâm lý... Vì thế, rất cần có nghiên cứu sâu về vấn đề căng thẳng tâm lý lao động trong hầm lò.

Làm rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Đình Trung- Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường) cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh bụi phổi silic là do tiếp xúc với bụi silic trong môi trường làm việc. Đây là bệnh xơ hóa phổi không hồi phục và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy tim, viêm khớp, bệnh tăng huyết áp phổi và ung thư phổi. Sau nhiều năm tiếp xúc với bụi silic, người bệnh có các tổn thương phổi rõ ràng. Theo thời gian, những tinh thể silic này sẽ tích tụ trong phổi và đường thở của người bệnh. Nếu tình trạng này kéo dài khiến người bệnh bị khó thở, suy hô hấp, ở mức độ nặng có thể tử vong.

Bệnh bụi phổi silic nếu phát hiện muộn thì nguy cơ tử vong cao. Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp là bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong 35 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở nước ta. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2011, tại Việt Nam có 27.246 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó bệnh bụi phổi silic chiếm tới 74,4%. Tại thời điểm hiện tại, sức khỏe của NLĐ trong ngành chế biến đá còn chưa nhận được nhiều sự quan tâm, rất nhiều DN chế biến đá hiện nay chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp. Do đó, cần nhanh chóng áp dụng việc phân loại sao cho phù hợp vào yếu tố gây hại và hậu quả đối với lĩnh vực này.

Trong khi đó, theo PGS-TS.Lê Minh Đức- Phân Viện trưởng Phân viện Khoa học ATVSLĐ và Bảo vệ môi trường Đà Nẵng, điều kiện lao động không tốt là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tai nạn lao động, tổn hại sức khỏe của hàng trăm triệu NLĐ mỗi năm, làm giảm sút khả năng lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi và gây nên một sự thiệt hại to lớn về kinh tế, môi trường. Tại Việt Nam, điều kiện lao động chưa tốt, rủi ro tai nạn cao đã bào mòn dần sức khỏe của NLĐ, là nguyên nhân làm tăng ô nhiễm môi trường. Năm 2023, đã phát hiện thêm 696 người mắc bệnh nghề nghiệp, trong số đó đã qua giám định là 600, chủ yếu là là các bệnh bụi phổi silic, bụi phổi than, điếc nghề nghiệp.

Vì vậy, PGS-TS.Lê Minh Đức kiến nghị cần có phương pháp thống nhất để đánh giá, phân loại theo điều kiện lao động, từ đó phản ánh được mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của một vị trí công việc cụ thể, cũng như góp phần thực hiện văn hóa an toàn tại cơ sở. “ATVSLĐ là công việc không của riêng ai, giải pháp cải thiện điều kiện lao động là yếu tố mấu chốt, then chốt trong giảm dần gánh nặng, độc hại của môi trường làm việc cho NLĐ. Cần nâng cao nhận thức cho NLĐ về ATVSLĐ và đưa ra các giải pháp quản lý tốt như ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo để tăng cường giám sát”- PGS-TS.Lê Minh Đức chia sẻ.

Thanh Hằng