Cần làm rõ các quy định về hành vi bạo lực gia đình
Chiều 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Quy định rõ hơn một số hành vi bạo lực gia đình
Thảo luận tại hội trường, các ĐB tán thành cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về sự cần thiết ban hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành.
ĐB Lý Anh Thư (Kiên Giang)
Đi vào một số nội dung cụ thể, ĐB Lý Anh Thư (Kiên Giang) cho biết, tại Điểm q, Khoản 1, Điều 4 có quy định hành vi “có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ” là một trong những hành vi bạo lực gia đình là chưa hợp lý. Theo ĐB, thực tiễn hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình. Do đó, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. Do vậy, nếu quy định về điều khoản này, thì cần phải có cơ chế, quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng, thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.
Về xử lý tin tố giác bạo lực gia đình, Điều 28 Dự thảo Luật quy định quy trình xử lý, xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, quy định này còn nặng về TTHC, trong khi hành vi bạo lực gia đình là những hành vi có tính chất manh động, người bạo lực thường không kiềm chế được cảm xúc, hành vi, nhiều trường hợp dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định ngay sau khi nhắn tin tố giác về bạo lực gia đình, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý ngay, căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ vi phạm, sắp xếp chỗ tránh nạn cho người bị bạo lực, sau đó mới tiến hành quy trình xử lý người bị bạo lực theo quy định.
Về biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, nhiều ĐB cho rằng, đây là việc cần tiến hành sớm. Tuy nhiên, nội dung này trong Dự thảo Luật còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền. Do đó, các ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình; theo đó thay vì chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ như hiện nay, thì cần quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định. Đồng thời, cần quy định rõ cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù, qua đó khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng chống bạo lực gia đình.
Nhiều vụ bạo hành có sự dung túng của chính người ruột thịt
Quan tâm đến vấn đề phòng chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhận thấy, thời gian qua, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Trong năm 2021, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết là do chính người thân trong gia đình gây ra. Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em. Trong tổng số cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em, do chính những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75%.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)
Nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân. Các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Đáng lên án là, nhiều vụ bạo hành có sự dung túng, tiếp tay bởi chính những người ruột thịt của các em và nhiều em đã phải chịu những nỗi đau chằng chịt cả trên cơ thể và trong tâm hồn, thương tâm hơn là nhiều em vì bạo hành đã vĩnh viễn mất đi cuộc sống.
Cũng theo ĐB Thủy, các vụ bạo hành này rất khó phát hiện. Hơn nữa, nạn nhân bị bạo hành lại là trẻ em, nên khó có khả năng phản ánh, dẫn đến thời gian qua xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, bị bạo hành trong một thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi các em được đưa đến BV trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng. “Từ thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng, đó là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa thật sự phù hợp, nhất là còn thiếu những quy định để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt”- ĐB Thủy phân tích.
Còn ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình. Bởi, Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn, với các giải pháp truyền thống là hòa giải, mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình...
Do vậy, trong Dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ. Đặc biệt, ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, các ĐB cũng cho rằng, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TP.HCM) cho rằng, luật hiện hành chỉ mới tập trung vào các biện pháp xử lý đối tượng gây bạo lực gia đình bằng xử lý hành chính hoặc hình sự. Trong khi đó, để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình có hiệu quả, biện pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của đối tượng này chưa được chú trọng. Vì vậy, ĐB Trân đề nghị bổ sung đối tượng được tư vấn về bạo lực gia đình vào Khoản 2, Điều 17 của Dự thảo Luật, để đảm bảo nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính. Bên cạnh đó, bổ sung vào Khoản 1, Điều 11 quy định quyền của người bị bạo lực gia đình là được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình; cân nhắc tâm lý, nguyện vọng của người bị bạo lực gia đình khi muốn được cư trú tại nhà mình nhằm tránh tạo thêm gánh nặng tâm lý cho người bị bạo lực, không nhất thiết phải tạm lánh như quy định ở Điểm a, Khoản 2, Điều 30 của Dự thảo Luật.
Vũ Thu
- An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực
- Mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT
- Tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định Quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình
- Thủ tướng chỉ đạo chi trả lương hưu tháng 5 từ ngày 25-28/4/2025
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Nền tảng vững chắc xây dựng đất nước kỷ nguyên mới