Chấn chỉnh các vi phạm trong lĩnh vực dược, thực phẩm
UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo gửi các Sở, ngành liên quan về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo kết quả rà soát tình hình kinh doanh sữa giả tại các cơ sở KCB, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc. Theo đó, qua kiểm tra, rà soát 4.641 nhà thuốc (chiếm khoảng 60% tổng số nhà thuốc đang hoạt động trên địa bàn), lực lượng chức năng đã phát hiện Nhà thuốc M.A.6 (phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang kinh doanh 6 hộp sữa giả mang thương hiệu Bold Milk- cơ xương khớp Colostrum. Số sữa này được cho là nhập từ Công ty TNHH We United và chưa kịp tiêu thụ thì đã bị phát hiện và thu giữ.
Một số loại sữa giả cơ quan chức năng vừa phát hiện trong đó có sữa giả mang thương hiệu Bold Milk
Sau khi nhận báo cáo, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo gửi các Sở, ngành liên quan về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả. UBND TP.HCM yêu cầu cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố (Sở Công thương), chủ trì phối hợp cùng Sở Y tế, Công an TP.HCM và UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm.
Theo đó, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố tăng cường chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan và các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thuộc nhóm dược phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn thành phố. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan chức năng và UBND quận huyện, TP.Thủ Đức tăng cường công tác quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thường xuyên rà soát hoạt động kinh doanh thuốc trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; phối hợp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
UBND TPHCM giao Sở Y tế phối hợp với Công an TP.HCM trong việc điều tra, xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan chức năng khác tăng cường biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường; quản lý chặt chẽ các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, chỉ mua bán thuốc có giấy đăng ký lưu hành, hóa đơn chứng từ đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan kiểm nghiệm tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc nhằm kịp thời phát hiện thuốc giả. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, thu hồi triệt để các loại thuốc giả đã phát hiện nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe người dân.
Giao Công an TPHCM chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định pháp luật. Giao UBND quận huyện và TP Thủ Đức Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND phường, xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm và in ấn bao bì liên quan đến dược. Kịp thời phát hiện các cơ sở sản xuất có dấu hiệu sản xuất thuốc giả, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Trong một diễn biến khác, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với một số công ty hoạt động trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm và thiết bị y tế do vi phạm các quy định của pháp luật. Trong ngày 5/5, Thanh tra Sở Y tế TPHCM thông tin đã xử phạt hành chính ba đơn vị do có các sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh.
Theo đó, Công ty TNHH TM Dược phẩm Hương Thảo (đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10) bị xử phạt 70 triệu đồng. Lý do vi phạm là công ty tự ý bổ sung kho mới tại địa điểm kinh doanh mà không báo cáo thay đổi theo đúng quy định. Đồng thời, dược sĩ Lê Thị Khánh Liên là người chịu trách nhiệm chuyên môn của đơn vị này bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong 4,5 tháng.
Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Uyên Phương (quận Tân Bình) bị xử phạt 140 triệu đồng và buộc thu hồi các yếu tố vi phạm. Đơn vị này đã quảng cáo, ghi nhãn và tư vấn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm như thể đó là thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, sản phẩm Hair Head & Revitalising Oleo- Essence (nhãn hiệu Germaine de Capuccini) có công thức không đúng với hồ sơ công bố khi thiếu hai thành phần đã đăng ký.
Công ty TNHH Mê Đi Ca (quận 1) bị xử phạt 40 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm vi phạm trong 3 tháng. Sản phẩm Revuele No Problem Facial Wash Gel Tea Tree Oil (200ml, sản xuất tháng 8/2023) bị buộc thu hồi và tiêu hủy do chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố theo quy định.
Sông Trà