Hoàn thiện chính sách để đạt được mục tiêu về năng lượng xanh

Thứ Ba, 06 /05/2025 11:01

Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2010. Sau 15 năm thi hành, nhiều luật mới liên quan đã ra đời hoặc sửa đổi. Chủ trương về năng lượng quốc gia chuyển hướng xanh hóa, cam kết khí hậu vào năm 2050, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh, hoàn thiện chính sách.

Các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản đã và đang thiết lập rào cản kỹ thuật với hàng hóa xanh, nhãn dấu vết carbon, gây bất lợi lớn cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Nếu không có phản ứng chính sách kịp thời, doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà. Thực tiễn thi hành Luật cũ cũng bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định lỗi thời, thiếu tính thực tiễn hoặc không đủ tính cưỡng chế để thực thi.

Theo đó, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 65/2025/UBTVQH15 ngày 15/1/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thừa ủy quyền Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Dự thảo luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung 21 khoản tại 19 điều của Luật hiện hành. Trong đó, nhiều điểm mới mang tính đột phá về phân cấp, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Thay vì tiếp tục cơ chế khuyến khích, luật sửa đổi hướng đến việc xây dựng các quy định có tính bắt buộc, gắn trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tư duy chính sách chuyển mạnh từ vận động tự nguyện sang thiết lập chuẩn mực bắt buộc, từ khuyến khích sang chế tài.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Dự thảo luật lần này không chỉ hướng đến nâng cao năng suất, hiệu quả sử dụng năng lượng trong nước mà còn tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp Việt tiếp cận các công cụ hỗ trợ tài chính xanh, bảo lãnh tín dụng, ưu đãi thuế, quỹ tiết kiệm năng lượng. Đây là các yếu tố then chốt để doanh nghiệp có thể đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến sản xuất, giảm phát thải mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Từ góc độ quản lý, luật sửa đổi cũng cắt giảm 50% thủ tục hành chính, phân quyền nhiều nội dung từ Thủ tướng Chính phủ về cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, danh mục thiết bị dán nhãn năng lượng, phương tiện cần loại bỏ… đều được đưa về địa phương ban hành. Điều này giúp giảm áp lực lên trung ương, tăng khả năng điều hành linh hoạt theo đặc thù địa phương và phù hợp thực tiễn.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật nhấn mạnh việc Việt Nam đã cam kết tại COP26 sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện cam kết đó, bên cạnh chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng thì việc tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả là một trụ cột. Luật sửa đổi lần này chính là hành lang pháp lý để thực hiện phần trụ cột đó, với trọng tâm là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt dân sinh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Luật cần hướng đến việc tạo ra không gian chính sách để phát triển thị trường dịch vụ năng lượng. Từ đó, thúc đẩy các mô hình như kiểm toán năng lượng, dán nhãn hiệu suất, tư vấn giải pháp giảm phát thải. Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp tiếp cận các đơn hàng xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn ESG của các đối tác nước ngoài.

Dự thảo Luật cũng đã được rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn với các điều ước quốc tế. Đồng thời, việc rà soát cũng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, không có nội dung nào gây bất lợi hoặc phân biệt giữa các nhóm đối tượng trong tiếp cận chính sách, hưởng thụ quyền lợi hoặc thực thi nghĩa vụ.

H.Thuỷ