Phổ biến chính sách về tiền lương, BHXH tới NLĐ ngành Giáo dục Hà Nội
Ngày 29/4/2025, tại Hà Nội, diễn ra buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2025 với chủ đề Phổ biến chính sách về tiền lương, BHXH và Luật Thủ đô 2024.
Buổi đối thoại do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức nhằm chào đón kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế Lao động và hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động 2025. Sự kiện có sự tham gia của gần 300 cán bộ CCVC, NLĐ trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội.
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu
Phát biểu tại buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, chủ đề cuộc đối thoại là Phổ biến chính sách về tiền lương, BHXH và Luật Thủ đô 2024 không chỉ là thông điệp mà còn thể hiện tinh thần đồng hành của Công đoàn với những người đang đóng góp trí tuệ, công sức của mình vào sự nghiệp “trồng người” cao cả.
Theo ông Đinh Tuấn Anh, với đặc thù của ngành giáo dục là tạo ra những thế hệ lao động có tri thức, kỹ năng, phẩm chất để phục vụ cho sự phát triển xã hội, đòi hỏi sự bền bỉ, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm lớn lao. Các thầy cô giáo không chỉ là người truyền đạt tri thức, mà còn là người định hướng, vun đắp nhân cách cho các thế hệ tương lai của đất nước.
Vì vậy, các chính sách dành riêng cho lĩnh vực giáo dục cần được thiết kế phù hợp, nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của từng cá nhân trong ngành. Về tiền lương, các cơ chế mới đang hướng tới việc nâng cao thu nhập, đảm bảo tính công bằng và tương xứng với cống hiến của giáo viên, cán bộ ngành giáo dục.
Các chuyên gia giải đáp các chính sách liên quan đến tiền lương, BHXH và Luật Thủ đô 2024
“BHXH là một trong chính sách cốt lõi, có vai trò vô cùng quan trọng đối với các thầy, cô giáo, đặc biệt khi đây là một ngành nghề đặc thù với áp lực nghề nghiệp rất lớn, thời gian công tác dài và yêu cầu sự gắn bó bền bỉ lâu dài. Riêng với Luật Thủ đô 2024, những cơ chế đặc thù dành cho NLĐ tại Thủ đô, bao gồm ngành giáo dục, đã và đang đặt trọng tâm vào việc cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo điều kiện dạy và học tốt nhất”- ông Đinh Tuấn Anh chia sẻ.
Buổi đối thoại diễn ra sôi nổi với hàng loạt câu hỏi được đặt ra cho các chuyên gia về những vấn đề liên quan tới chính sách BHXH, BHYT, chính sách tiền lương cũng như Luật Thủ đô 2024. Trong đó, anh Nguyễn Quang Huy, công tác tại Trường THPT Đan Phượng, đưa ra câu hỏi: Với trường hợp NLĐ mới phát hiện mắc bệnh K và còn hơn 3 tháng thì về hưu, vậy NLĐ muốn nhận BHXH một lần thì giải quyết như thế nào?
Giải đáp thắc mắc trên, bà Nguyễn Thị Minh Châu- Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia (BHXH Khu vực I) cho biết, trước đây, tiền hưởng BHXH 1 lần so với tiền trợ cấp tuất 1 lần có sự chênh lệch nhau rất lớn. Do vậy, khi chuẩn bị nghỉ hưu mà không may bị bệnh hiểm nghèo, rất nhiều NLĐ chọn phương án rút BHXH 1 lần.
Nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách BHXH được giải đáp
Tuy nhiên hiện nay, theo quy định Luật BHXH năm 2024, tiền trợ cấp tuất 1 lần và tiền hưởng BHXH 1 lần là như nhau, đối với những trường hợp mất đi sẽ được hưởng tiền mai táng phí là 10 tháng lương cơ sở. Do vậy, trường hợp anh hỏi vẫn được giải quyết BHXH 1 lần theo quy định BHXH, trường hợp mắc bệnh ung thư thì sẽ được giải quyết chế độ 1 lần ngay lập tức.
Còn về mức hưởng, sẽ căn cứ theo tình hình thực tế đóng BHXH. Nếu những trường hợp đóng trước năm 2014, mỗi năm đóng được tính bằng 1,5 tháng lương; từ năm 2014 trở đi, mỗi năm đóng tính là 2 tháng lương. Tuy nhiên, bà Châu thông tin thêm rằng, NLĐ đang bị K, còn 3 tháng về hưu, nếu NLĐ đang điều trị bệnh trong quá trình làm việc tại cơ quan nhà nước thì thẻ BHYT vẫn được cấp và hưởng các chế độ BHXH về tiền lương… Nếu thanh toán BHXH 1 lần thì tất cả các khoản này đều không có. Do vậy, nếu thanh toán BHXH 1 lần, người bệnh nên mua thẻ BHYT hộ gia đình để được hưởng chế độ tốt nhất.
Tại buổi đối thoại, đã có hơn 30 câu hỏi của các thầy, cô giáo, NLĐ ngành giáo dục gửi tới các chuyên gia. Đây là những vấn đề xuất phát từ thực tiễn triển khai các chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, rất khó khăn, phức tạp, liên quan mật thiết đến nhân viên, giáo viên, trong tời gian vừa qua. Các ý kiến đã được giải đáp thỏa đáng, qua đó giúp các cán bộ giáo viên, nhân viên hiểu rõ hơn về các chế độ, chính sách liên quan.
Thanh Hằng