Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất
Sáng 10/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất- sự kiện do Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội đồng Đội Trung ương đề xuất tổ chức. Tham dự Phiên họp có lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, đại diện các bộ, ban ngành, cùng 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu và 64 đại biểu phụ trách tới từ 63 tỉnh, thành phố...
Tại Phiên họp giả định, đại biểu trẻ em được đóng vai, giả định mình được là ĐBQH tham gia Phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 2 chủ đề: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; giáo dục, nâng cao nhận thức của cử tri, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò, hoạt động của Quốc hội trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời, bảo đảm tính chất tự nguyện, tự quản của trẻ em dưới sự cố vấn, hỗ trợ của các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan; bảo đảm phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của trẻ em.
Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất
Phiên họp giả định được tiến hành theo đúng quy trình, cách thức tổ chức như một phiên họp chính thức của Quốc hội. Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp liên quan tới các nhóm nội dung: Nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; giải pháp nâng cao kỹ năng tương tác an toàn trên không gian mạng cho trẻ em; góp ý cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất để trẻ em được ứng dụng CNTT; phát huy vai trò của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, xã hội và vai trò của trẻ em trong công tác bảo vệ trẻ em.
Ngoài ra, tại phiên họp toàn thể, Quốc hội trẻ em tập trung thảo luận về các nội dung liên quan, xem xét ban hành Nghị quyết về những vấn đề đang được trẻ em và toàn xã hội đặc biệt quan tâm như: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Em Lê Đoàn Gia Hân (đại biểu TP.HCM) tham gia Phiên họp giả định
Là đại biểu tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, em Lê Đoàn Gia Hân (đại biểu TP.HCM) nêu câu hỏi: Làm thế nào để trẻ em tăng cường được khả năng tự vệ? Đồng thời đưa ra câu trả lời: Trẻ em không tự mình làm hết được, mà cần phải có người lơn bên cạnh để hỗ trợ cũng như trò chuyện, tâm sự với các em về tuổi mới lớn hay các kỹ năng sống hàng ngày. Em Lê Đoàn Gia Hân cũng mong muốn nhà trường và lớp sẽ tạo nhiều tình huống giả định để trẻ em phát huy được khả năng đối phó kẻ xấu của mình; đưa ra các quy tắc “an toàn” và “không an toàn” như nói không với những cuộc đàm phán từ người lạ và nói có với sự giúp đỡ của người thân.
“Từ nhà trường, gia đình đến xã hội hãy cùng chung tay dạy trẻ em các kiến thức về giáo dục giới tính, để trẻ em tự bảo vệ bản thân. Em mong rằng, các bậc cha mẹ, phụ huynh hay là giáo viên dạy trẻ, các anh chị phụ trách thiếu nhi sẽ quan tâm, gần gũi, đem đến sự an toàn cho các trẻ em cũng như học sinh. Quan trọng hơn nữa là cần có những hình phạt thỏa đáng cho những hành động thiếu suy nghĩ của người gây ra”- Lê Đoàn Gia Hân kiến nghị.
Các đại biểu trẻ em tham gia Phiên họp giả định
Trước đó, thảo luận tại tổ, các đại biểu trẻ em đã nêu thực trạng, tại nạn thương tích và bạo lực xâm hại trẻ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể chất cũng như tinh thần, gây tổn hại đến trẻ em. Qua tiếp xúc cử tri trẻ em tại địa phương, đại biểu trẻ em nêu rõ, bản thân hoặc một số các bạn tại cộng đồng nơi mình sinh sống cũng đã từng bị bạo lực và xâm hại bởi nhiều hình thức khác nhau và các mức độ khác nhau...
Các đại biểu trẻ em nhấn mạnh, thời gian qua, nhờ vào việc triển khai nhiều chính sách, chương trình mà toàn xã hội đã quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Các bậc cha mẹ cũng đã hiểu, lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề chăm sóc, giáo dục, trang bị kỹ năng cho các con. Các cơ sở giáo dục chú trọng hơn đến công tác giáo dục kỹ năng cho trẻ em để mỗi trẻ em có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, được bảo vệ và có một môi trường sống an toàn phát triển.
Các đại biểu trẻ em cũng lưu ý, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, sự bất cẩn của người chăm sóc trẻ và gia đình ít quan tâm đến trẻ em là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn thương tích ở trẻ. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, khoảng cách tuổi tác giữa cha mẹ và con khiến con rất khó chia sẻ với cha mẹ về vấn đề của bản thân. Do cha mẹ không biết cách làm bạn cùng con, thiếu tin tưởng ở con cái, hay định kiến với các hành vi của các con, nhiều cha mẹ kiểm soát con quá mức làm con mất niềm tin ở cha mẹ, không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết phù hợp các vấn đề đang gặp phải. Bên cạnh đó, đối với một số trẻ em thường có lối sống khép kín, ít cởi mở, ngại khi chia sẻ cùng bố mẹ, nhất là trong độ tuổi dậy thì.
Đồng thời, các đại biểu trẻ em đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em như: Thông qua các trang mạng xã hội, trang thông tin của các ngành cần lồng ghép tuyên truyền một cách thường xuyên về các nội dung phòng chống tai nạn thương tích và bạo lực xâm hại trẻ em; tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi với cha mẹ học sinh về phương pháp nuôi dạy con, cũng như các kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích và bạo lực, xâm hại trẻ em… Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần có những đề xuất, chính sách để gắn trách nhiệm của cha mẹ vào việc giáo dục và bảo vệ trẻ em; tổ chức các mô hình, cuộc thi có sự đồng hành, tham gia của phụ huynh và các con nhằm tạo sự chia sẻ, kết nối, hiểu biết, cảm thông giữa bố mẹ và các con.
Phiên họp có sự tham dự và chứng kiến của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành
Ngoài ra, các đại biểu trẻ em còn thảo luận, cho ý kiến về bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Theo đó, các đại biểu trẻ em kiến nghị, các nội dung về phòng chống xâm hại trẻ em đều cần thiết phải giáo dục cho học sinh tại trường học, nhất là cách thức xử lý tình huống khi bị dụ dỗ trên không gian mạng, kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân, phòng chống xâm hại trên không gian mạng, biết số điện thoại đường dây nóng khi cần hỗ trợ. Đồng thời, những hoạt động cần được tổ chức để nâng cao kỹ năng phòng chống xâm hại trên không gian mạng bao gồm: Tổ chức các buổi học về kỹ năng sống; tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng; xây dựng hộp thư “Điều em muốn nói”.
Song song với những giải pháp nêu trên, các đại biểu trẻ em cũng đề nghị gia đinh, nhà trường và xã hội giúp trẻ em phòng chống bị xâm hại trên môi trường mạng thông qua những việc như: Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp trẻ em nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội; xây dựng thêm các sân chơi lành mạnh dành cho trẻ em; cha mẹ nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội đến con cái; cộng đồng cần quan tâm, có các chính sách quản lý và hỗ trợ trẻ em sử dụng mạng an toàn…
Phát biểu sau khi kết thúc Phiên họp giả định này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điểm lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành cho trẻ em; cũng như những khó khăn, thách thức trong công tác chăm lo cho trẻ em thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, thực trạng đó cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước. Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu trẻ em tiếp tục phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, sau này đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước. “Bác rất hy vọng trong số các cháu tham dự chương trình hôm nay sẽ có nhiều cháu khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu sẽ nhận được sự tín nhiệm của nhân dân, trở thành đại biểu Quốc hội thực sự”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chính sự thể hiện xuất sắc của các đại biểu trẻ em hôm nay cho thấy mô hình Phiên họp giả định Quốc hội nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Bởi, thực tế cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là những vấn đề các em đã kiến nghị tại Phiên họp giả định này.
Vũ Thu
- Thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Đánh giá kỹ tác động của chính sách giáo dục đến đời sống giáo viên
- Dự án Luật Việc làm (sửa đổi): Mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp, đảm bảo an sinh cho NLĐ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Thích ứng với già hóa dân số và Cách mạng Công nghiệp 4.0