Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Tri ân sâu sắc, nghĩa tình lan tỏa

Chủ nhật, 27 /07/2025 11:20

Trong hành trình phát triển đất nước, chính sách “đền ơn đáp nghĩa” luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Công tác chăm lo cho người có công không chỉ thể hiện trách nhiệm chính trị, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn là minh chứng sinh động cho tính nhân văn, tiến bộ và hiệu quả của các chính sách xã hội.

Người có công với cách mạng là tài sản quý báu

Để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh và cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cách đây 78 năm, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/7 đã được chọn làm “Ngày Thương binh toàn quốc”.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 27/7 chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước. Từ đó, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Để đất nước có được hòa bình, độc lập như ngày nay có sự đóng góp to lớn của trên 9,2 triệu người có công với cách mạng. Trong đó, có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600.000 thương bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học...

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thời gian qua, chính sách ưu đãi người có công không ngừng được mở rộng và hoàn thiện. Các chế độ chăm sóc vật chất, tinh thần được thực hiện đồng bộ, toàn diện, góp phần cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách… Một trong những kết quả nổi bật là, từ năm 2017 đến nay, hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết, trong đó có hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận; mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2025 tăng hơn 70% so với năm 2021.

Cùng với đó, trong gần 2 năm qua, công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công tiếp tục ghi dấu ấn rõ nét. Hơn 41.800 căn nhà đã được xây mới hoặc sửa chữa từ nguồn ngân sách nhà nước là 1.970 tỷ đồng và các nguồn vận động, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đóng góp. Song song với đó, các hoạt động chăm lo đời sống người có công tiếp tục được tổ chức thiết thực. Từ đầu năm 2025, riêng trong các dịp lễ lớn và Tết cổ truyền đã có trên 3,26 triệu lượt người có công và thân nhân đã được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng…

Lan tỏa nghĩa tình

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các hoạt động tưởng niệm, tri ân đang diễn ra sôi nổi trên cả nước. Một trong những điểm nhấn là Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu diễn ra ngày 24/7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Vui (tỉnh Quảng Trị)

Cùng với đó là chuỗi hoạt động thiết thực, đầy xúc động như: Dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ; phát động phong trào thanh niên chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; chỉnh trang công trình ghi công liệt sĩ; vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" Trung ương; tổ chức thăm hỏi, tặng quà tại các địa phương và trung tâm điều dưỡng người có công.

Đặc biệt, nhiều địa phương đã và đang triển khai hoạt động tri ân sâu sắc, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Trong đó đáng chú ý như: TP.Hồ Chí Minh dự kiến dành khoảng 149 tỷ đồng cho các hoạt động kỷ niệm và chăm lo người có công. Hà Nội dự kiến trao 120.671 suất quà với tổng kinh phí hơn 190 tỷ đồng; tổ chức đoàn đại biểu dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ và di tích lịch sử cách mạng. Còn Đà Nẵng đã xây mới và sửa chữa 2.938 ngôi nhà trên tổng số 2.942 nhà tạm, dột nát cho người có công và thân nhân liệt sĩ (đạt 99,86%).

Việc tri ân, chăm lo và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội- thể hiện sự ghi nhận và lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Tại Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu diễn ra ngày 24/7 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm xúc động nhấn mạnh: Chúng ta tri ân gần 1,2 triệu liệt sĩ- những người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình. Nhiều người tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, đã gác lại bao ước mơ, hoài bão, những trang sách, giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương để lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong suốt 78 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chủ động nắm tình hình, giải quyết thấu tình đạt lý những đề xuất, tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người có công với cách mạng và thân nhân; thực hiện kịp thời các thủ tục hành chính trong việc xem xét công nhận người có công và chi trả trợ cấp ưu đãi đảm bảo thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp…

“Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn”- Tổng Bí thư khẳng định.

Nguyệt Hà