Chú ý các phản ứng phản vệ khi sử dụng thuốc cản quang có iod
Thuốc cản quang chứa iod là loại thuốc cản quang có số lượng sử dụng nhiều nhất hiện nay ở các cơ sở sử dụng máy chụp CT hoặc các thủ thuật cần hình ảnh mạch hoặc các bộ phận bên trong cơ thể.
Các chất cản quang không hấp thụ bức xạ thường được sử dụng trong các phương tiện điện quang và huỳnh quang để giúp phân định ranh giới giữa các mô có đậm độ tia giống nhau. Thuốc cản quang hầu hết đều có nguồn gốc từ iod. Thuốc cản quang chứa iod là loại thuốc cản quang có số lượng sử dụng nhiều nhất hiện nay ở các cơ sở sử dụng máy chụp CT hoặc các thủ thuật cần hình ảnh mạch hoặc các bộ phận bên trong cơ thể.
Thuốc cản quang thường được sử dụng ở người lớn để chụp X-Quang tim mạch, chụp mạch não thường, chụp mạch ngoại vi thường, chụp mạch vùng bụng, chụp đường niệu, chụp tĩnh mạch, chụp cắt lớp vi tính tăng cường và kiểm tra đường tiêu hóa, và sử dụng để chụp mạch, chụp đường niệu, chụp cắt lớp vi tính tăng cường và kiểm tra đường tiêu hóa ở trẻ em.
Liều sử dụng các loại thuốc cản quang có nguồn gốc iod phụ thuộc vào loại thăm khám, độ tuổi, cân nặng, cung lượng tim, tình trạng toàn thân của bệnh nhân và kỹ thuật sử dụng. Thông thường, nồng độ và thể tích iod dùng tương tự như các chất cản quang tia X có iod phóng xạ khác hiện đang sử dụng.
Tuy nhiên, thông tin chẩn đoán đầy đủ cũng đã được thu thập trong một số nghiên cứu khi tiêm iodixanol có nồng độ iod thấp hơn. Cần đảm bảo bù nước đầy đủ cho bệnh nhân trước và sau khi dùng thuốc giống như với các chất cản quang khác. Chế phẩm dùng để tiêm tĩnh mạch, động mạch và các khoang của cơ thể.
Thuốc cản quang iod hiện nay bao gồm thuốc cản quang ion hóa và thuốc cản quang không ion hóa. Thuốc cản quang ion hóa có tính ưu trương. Không nên sử dụng loại thuốc cản quang này trong chụp cản quang tủy hoặc tiêm vào khoang tủy, vì nguy cơ gây độc thần kinh hoặc vào khí phế quản gây phù phổi.
Các thuốc cản quang không ion hóa có áp lực thẩm thấu thấp (nhưng vẫn cao hơn áp lực thẩm thấu huyết tương) hoặc đẳng trương (có cùng áp lực thẩm thấu với huyết tương). Thuốc cản quang không ion hóa thế hệ mới hiện nay được sử dụng nhiều hơn ở các tuyến y tế cơ sở do ít tác dụng không mong muốn hơn.
Thuốc cản quang chứa iod được phân thành 2 loại: Thuốc cản quang chứa iod tan trong dầu và thuốc cản quang chứa iod tan trong nước. Trong đó, thuốc cản quang chứa iod tan trong nước áp lực thẩm thấu thấp hoặc tương đương áp lực thẩm thấu của huyết tương- là nhóm thuốc cản quang thông dụng nhất hiện nay, nhằm giảm tối đa tác dụng có hại (ADR). Thuốc cản quang chứa iod có bản chất là polymer gắn iod. Để chụp các hốc tự nhiên của cơ thể, thuốc được sử dụng bằng cách bơm trực tiếp vào vị trí cần chụp.
Thuốc cản quang chứa iod được coi là một trong những nhóm thuốc có nguy cơ cao gây ra các ADR nguy hiểm, có thể để lại hậu quả nặng nề như phản vệ. Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, trong đó sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.
Các loại thuốc cản quang được ghi nhận trong các báo cáo ADR hay gặp là Xenetic (iobitridol); Telebrix (ioxithalamat) và Ultravist (iopromid), Pamiray (iopamidol), Iopamiro (iopamidol). Thuốc cản quang chứa iod có vai trò quan trọng trong chẩn đoán hình ảnh. Do vậy, việc xây dựng và triển khai quy trình quản lý và sử dụng thuốc cản quang tại các cơ sở KCB cũng như cập nhật hướng dẫn xử trí sốc phản vệ đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu các tai biến liên quan đến thuốc cản quang trong thực hành.
Cũng vì vậy, nhân viên y tế cần chú ý khai thác tiền sử, thận trọng với các đối tượng có nguy cơ cao; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng bộ cấp cứu sốc phản vệ, cũng như kỹ năng xử trí sốc phản vệ trước khi sử dụng các thuốc này.
ThS.Lê Quốc Thịnh