Đài Loan: Thuốc điều trị loãng xương được BHYT chi trả
Cục BHYT Quốc gia (NHIA), Bộ Y tế- Phúc lợi Đài Loan, thông tin phạm vi chi trả BHYT đối với thuốc điều trị loãng xương được mở rộng.
Cụ thể, theo NHIA, kể từ ngày 1/3/2025, phạm vi chi trả BHYT đối với thuốc điều trị loãng xương được mở rộng. Sửa đổi này mang lại lợi ích cho khoảng 130.000 người bệnh/năm, bao gồm: Người được chẩn đoán có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương, ngay cả khi họ chưa bị gãy xương; người bị viêm khớp dạng thấp (vì Steroid được sử dụng để điều trị tình trạng này có thể dẫn đến mất mật độ xương); người được kê đơn Steroid dài hạn; người bị tiểu đường sử dụng Insulin và người bị gãy xương quay xa (cổ tay) hoặc xương cánh tay gần.
Đại diện Cục BHYT Quốc gia (NHIA), Bộ Y tế- Phúc lợi Đài Loan, thông tin phạm vi chi trả BHYT đối với thuốc điều trị loãng xương được mở rộng
Ông Thạch Sùng Lương, Cục trưởng NHIA cho biết, cứ 7 người Đài Loan từ 65 tuổi trở lên thì có 1 người bị loãng xương- Đây là một trong những vấn đề sức khỏe cần được lưu tâm ở người cao tuổi, do Đài Loan đang trên đường trở thành một “xã hội siêu già” (“xã hội siêu già” được định nghĩa là có hơn 20% dân số ở độ tuổi 65 trở lên-ND), với 19% dân số nằm trong nhóm tuổi này. Do đó, dựa trên khuyến nghị từ các tổ chức Y khoa và thảo luận với nhiều chuyên gia, NHIA đã đề xuất mở rộng phạm vi chi trả BHYT đối với thuốc điều trị loãng xương, phân bổ thêm 865 triệu Đài tệ (tương đương với 28,55 triệu USD).
Chủ tịch Hiệp hội Bệnh Loãng xương Đài Loan Trần Trung Hoàn thông tin, ước tính có khoảng 1,5 triệu người Đài Loan từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh loãng xương. Loãng xương không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, đó là lý do tại sao bệnh thường được gọi là "kẻ giết người vô hình”. Phụ nữ thường bị mất mật độ xương nhanh trong thời kỳ mãn kinh, điều đó khiến họ trở thành nhóm có nguy cơ cao. Lưu ý, sau lần gãy xương do loãng xương đầu tiên, 45% người cao tuổi sẽ bị gãy xương lần nữa trong vòng 1 năm. 3 dấu hiệu chính của bệnh loãng xương là lưng còng, khoảng cách giữa phần sau đầu và tường khi đứng dựa vào tường là hơn 3cm; Chiều cao giảm hơn 4cm và Gãy xương do loãng xương.
Loãng xương là bệnh xương chuyển hóa tiến triển làm giảm mật độ chất khoáng trong xương (khối lượng xương trên một đơn vị thể tích), kèm suy giảm cấu trúc xương. Xương yếu dẫn đến gãy xương với chấn thương nhỏ hoặc không rõ chấn thương, ở cột sống lưng, thắt lưng, cổ tay và khớp háng. “Gần 40% người bị viêm khớp dạng thấp cũng bị loãng xương”- Ông Lư Tuấn Cát, Tổng Thư ký Viện Thấp khớp Đài Loan, khuyến cáo: “Sử dụng Steroid càng lâu và liều lượng càng cao, thì nguy cơ gãy xương càng cao”.
Tùng Anh