Điểm mới của Luật BHXH 2024: Quy định về vai trò của UBND các cấp
Luật BHXH 2024 đã bổ sung, làm rõ vai trò, giúp luật hóa trách nhiệm của UBND các cấp trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH.
1. Về trách nhiệm của UBND các cấp
Luật BHXH 2024 đã sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp. Theo đó, kế thừa quy định tại Luật BHXH 2014 thành Khoản 2 và bổ sung một khoản trên cơ sở luật hóa trách nhiệm của UBND các cấp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, phát triển đối tượng tham gia, giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc trong phạm vi địa phương.
Hội nghị đối thoại chính sách, pháp luật BHXH, BHYT do UBND TP.Quy Nhơn (Bình Định) chủ trì
Cụ thể, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc trong phạm vi địa phương.
2. Về chính sách của Nhà nước đối với BHXH
Luật BHXH 2024 bổ sung quy định khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Khoản 6 Điều 6).
Nội dung này cũng được nhấn mạnh tại chương về Trợ cấp hưu trí xã hội (Điều 22). Theo đó, quy định rõ: “Tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.
3. Trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH để tổ chức thực hiện nhiệm vụ xác định đối tượng tham gia BHXH (Khoản 1 Điều 30)
Xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và phát triển đối tượng BHXH tự nguyện là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Luật BHXH 2024 đã quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp phối hợp với cơ quan BHXH để tổ chức việc xác định đối tượng tham gia BHXH.
4. Quy định rõ thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH
Luật BHXH 2024 đã quy định rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH đối với các nội dung trước ngày 1/1/1995 (trước khi thành lập cơ quan BHXH), với các nội dung như sau:
- Về giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi có liên quan đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH hoặc tính thời gian công tác trong khu vực nhà nước để hưởng BHXH trước ngày 1/1/1995 mà không đủ hồ sơ gốc, không còn hồ sơ gốc hoặc không còn cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý NLĐ được thực hiện như sau:
+ Thủ trưởng cơ quan BHXH cấp tỉnh giải quyết khiếu nại lần đầu.
+ Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu của Thủ trưởng cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
- Đối với giải quyết tố cáo về BHXH
Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH trước năm 1995.
PV
- Nhiều bệnh hiếm, hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến, được hưởng BHYT 100%
- Nghị định 178/2024/NĐ-CP: Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy
- Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu khi thực hiện điều chỉnh lương hưu
- TP.HCM: Cơ sở KCB không phép chốt cửa "nhốt" lực lượng chức năng
- Điểm mới của Luật BHXH 2024: Bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH