New York thu phí tắc nghẽn giao thông

Thứ Ba, 07 /01/2025 08:09

Thành phố New York của Mỹ, ngày 5/1, chính thức trở thành địa phương đầu tiên của "Xứ cờ hoa" thu phí tắc nghẽn giao thông, với khu vực được áp dụng quy định bao gồm Hạ và Trung tâm Manhattan.

Bước đi trên được xem là một bước tiến trong nỗ lực giảm tắc nghẽn giao thông và cải thiện chất lượng không khí tại thành phố đông dân nhất của Mỹ.

Theo Cơ quan Quản lý giao thông vận tải đô thị New York (MTA), các phương tiện vào khu vực giảm tắc nghẽn sẽ phải trả phí tắc nghẽn từ 2,25 đến 21,6 USD/lượt tùy theo loại xe và giờ thấp điểm hay cao điểm. Tuy nhiên, một số người có thể đủ điều kiện để được giảm giá, trả sau hoặc miễn trừ.

Xe chở khách và xe thương mại loại nhỏ, xe tải, xe buýt và xe máy đi vào CRZ sẽ bị tính phí một lần mỗi ngày. Trong khi đó, hành khách sử dụng taxi và xe cho thuê (tự lái) sẽ được tính phí theo mỗi chuyến đi liên quan đến khu vực này. Mức phí sẽ được điều chỉnh tăng vào năm 2028 và 2031 khi các cơ quan quản lý loại bỏ dần mức chiết khấu 40% được áp dụng ban đầu.

MTA ước tính kế hoạch sẽ giúp giảm số lượng xe đi vào khu vực giảm tắc nghẽn và giảm quãng đường di chuyển trong khu vực này lần lượt là 10% và 5%. Bên cạnh đó, kế hoạch sẽ đem lại nguồn thu 1 tỷ USD mỗi năm, được dùng để đóng góp vào quỹ chi tiêu vốn của MTA trị giá 15 tỷ USD nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông.

Chương trình thu phí tắc nghẽn giao thông của New York được lấy cảm hứng từ thành công của một số thành phố lớn khác trên thế giới như London của Anh, nơi đã áp dụng chính sách tương tự từ năm 2003. Mặc dù đối mặt với nhiều tranh cãi và các vụ kiện từ New York và New Jersey, kế hoạch này vẫn được triển khai. Theo các chuyên gia, kết quả chương trình thu phí của New York sẽ là hình mẫu cho các thành phố khác ở Mỹ.

New York đứng đầu danh sách những thành phố tắc đường nhất ở Mỹ dù có hệ thống giao thông hiện đại và thường xuyên được bảo trì tốt. Theo thống kê, mỗi ngày có hơn 900.000 phương tiện đi vào Khu thương mại trung tâm Manhattan, khiến tốc độ di chuyển trung bình chỉ đạt khoảng 11 km/giờ.

Cơ quan Giao thông đô thị New York cho biết, người dân nơi đây đã và đang phải chịu đựng 236 giờ đồng hồ (tương đương 10 ngày) bị kẹt xe vào giờ cao điểm mỗi năm.  

Theo dữ liệu của cơ quan giao thông Mỹ, sau New York, nơi đứng thứ hai về tình trạng tắc nghẽn là thủ đô Washington D.C, khi mà tài xế mất khoảng 20 phút để di chuyển 10km với tốc độ trung bình 22km/h. San Francisco đứng thứ ba với tốc độ giờ cao điểm trung bình là 24km/h. Tốc độ trung bình trong giờ cao điểm tại thành phố Boston và Chicago là 25km/h.

Trên thế giới, một số thành phố cũng đã áp dụng chương trình thu phí tương tự như ở New York. Ban đầu, người dân cũng tỏ ra không mặn mà với chính sách mới nhưng ngày càng nhiều ý kiến thừa nhận chương trình này có hiệu quả trong việc giảm tắc nghẽn phương tiện và cắt giảm ô nhiễm, đồng thời có thể gây quỹ cho ngân sách công.

Ngọc Tuấn