Trung Quốc khuyến nghị biện pháp phòng ngừa dịch cúm ở trẻ
Số ca nhiễm virus metapneumovirus ở người (HMPV) đang gia tăng tại Trung Quốc, đặc biệt ở trẻ em dưới 14 tuổi.
Thông tin về bệnh HMPV đã bắt đầu được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội những ngày gần đây và điều này khiến nhiều người liên tưởng đến đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, dù hai loại virus này gây ra một số triệu chứng tương đồng như ho sốt, nghẹt mũi, đau họng và khó thở, nhưng chúng có nhiều đặc điểm khác biệt quan trọng.
Tại cuộc họp báo mới đây do Ủy ban Y tế và sức khỏe quốc gia Trung Quốc tổ chức, các chuyên gia chỉ ra rằng tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em hiện nay chủ yếu do virus và vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae- tác nhân gây bệnh viêm phổi. Trong đó, virus cúm là nguyên nhân chính.
Bác sĩ Vương Thuyên- Chủ nhiệm khoa Nhi, Bệnh viện Nhi đồng Bắc Kinh, cho biết kết quả giám sát cho thấy virus cúm là mầm bệnh phổ biến nhất ở trẻ từ 0-14 tuổi. Khi trẻ bị nhiễm cúm, các triệu chứng thường sốt kéo dài 2-3 ngày, kèm theo các biểu hiện toàn thân như đau cơ, đau đầu, ho, chảy nước mũi, đau họng, và đôi khi là buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc đau bụng.
Đối với trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, nhiều phụ huynh lo lắng về nguy cơ co giật do sốt cao. Bác sĩ Vương Thuyên giải thích, co giật do sốt thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 38,5°C. Trẻ bị co giật thường có biểu hiện tứ chi cứng ngắc, co giật, hàm răng cắn chặt. Thông thường, tình trạng này tự kết thúc sau 3-5 phút.
Bác sĩ Vương Thuyên khuyến cáo phụ huynh cần đặt trẻ trên mặt phẳng an toàn, như giường hoặc thảm, và tránh làm ba việc sau: không nhét bất cứ vật gì vào miệng trẻ; không cho trẻ ăn uống hoặc dùng thuốc trong lúc co giật; không cố gắng ngăn chặn cơn co giật bằng cách giữ chặt tứ chi trẻ.
Sau khi trẻ ngừng co giật, cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra. Nếu cơn co giật kéo dài trên 5 phút, phải nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.
Vì cúm là bệnh do virus gây ra, thuốc kháng sinh không có tác dụng. Phụ huynh được khuyến cáo sử dụng thuốc hạ sốt phù hợp để giảm bớt khó chịu cho trẻ.
Bác sĩ Cung Yến Băng- Chủ nhiệm Bệnh viện Đông Trực Môn thuộc Đại học Đông y Bắc Kinh, nhấn mạnh vai trò của các biện pháp Đông y trong việc nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch để phòng ngừa cúm. Ông khuyến cáo mọi người giữ ấm cổ và đầu, đội mũ và quàng khăn khi ra ngoài để tránh nhiễm lạnh.
Trước tình trạng trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cũng lên tiếng. Bà nêu ra thực tế các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm và khẳng định chính phủ quan tâm đến sức khỏe của mọi công dân và du khách, đồng thời nhấn mạnh du lịch tại nước này hiện vẫn an toàn.
Giải đáp câu hỏi về tình trạng quá tải tại các bệnh viện và số ca bệnh đường hô hấp tăng, người phát ngôn Mao Ninh nhận định người bệnh chỉ có các triệu chứng nhẹ, quy mô lây nhiễm nhỏ hơn năm trước. Dù vậy, bà kêu gọi người dân và du khách tham khảo hướng dẫn của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia Trung Quốc.
HMPV được phát hiện lần đầu năm 2001, gây bệnh với nhiều triệu chứng giống cúm và có thể dẫn đến vấn đề hô hấp nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương. Các ca bệnh nặng có thể gặp biến chứng như viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Virus HMPV lây lan trong không khí qua giọt bắn cũng như tiếp xúc gần, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
Không chỉ tại Trung Quốc, kỳ nghỉ lễ vừa qua tại Mỹ cũng chứng kiến dịch cúm bùng phát mạnh tại ít nhất 40 bang. Bên cạnh đó, một số virus khác như Covid-19 hay RSV (virus hợp bào hô hấp) cũng đang lây lan.
Tương tự, châu Âu cũng đang phải đối mặt với dịch cúm mùa Đông khi các hoạt động di chuyển và tụ họp trong dịp lễ cuối năm tạo cơ hội thuận lợi cho virus cúm lây lan. Từ Tây Ban Nha đến Pháp, từ Trung Âu đến Đông Âu, hàng chục nghìn ca mắc đã được ghi nhận.
Hoàng Dương