Phần Lan đưa kỹ năng phát hiện tin đồn trực tuyến sai lệch vào chương trình giáo dục

Thứ Ba, 31 /12/2024 14:18

Phần Lan- quốc gia liên tục được xếp hạng cao về trình độ về truyền thông tại khu vực châu Âu, quyết định đưa kỹ năng phát hiện tin đồn trực tuyến sai lệch vào chương trình giảng dạy của học đường dành cho học sinh, sinh viên.

“Troll là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội, diễn đàn và các nền tảng trực tuyến khác để chỉ những người cố tình đăng tải những nội dung khiêu khích, gây tranh cãi, trêu đùa người khác hoặc một vấn đề trong đời sống. Trong các em, ai đã biết Troll là gì trước đây?"- Cô Saara Varmola, giáo viên dạy Văn học và Ngữ văn Phần Lan, đặt câu hỏi. Tất cả học sinh trong lớp, ở độ tuổi 14 đến 15 tuổi, đều giơ tay. Đây là một phần trong nội dung tiết học về kỹ năng phát hiện tin đồn trực tuyến sai lệch tại một trường học ở Helsinki (Phần Lan).

Học sinh tham dự một tiết học về kiến thức truyền thông tại Trường Hiidenkiven Koulu (Helsinki, Phần Lan)

Bằng cách trực diện giảng dạy cho các “chủ nhân tương lai của đất nước” về kiến thức truyền thông; trong đó, nhấn mạnh cách nhận diện thông tin sai lệch và trò lừa đảo trên không gian mạng- Phần Lan mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết về truyền thông như một kỹ năng không thể thiếu của công dân quốc gia này. Phần Lan cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu dự thảo chính sách quốc gia về kỹ năng truyền thông cho công dân vào năm 2013. Được cập nhật vào năm 2019, chính sách này được tích hợp vào các môn học trong toàn hệ thống giáo dục từ cấp mẫu giáo đến Trung học Phổ thông. Đối với người trưởng thành và người cao tuổi, Chính phủ, thư viện và tổ chức phi chính phủ cung cấp khóa học về kỹ năng truyền thông nhiều cấp độ.

Theo Adlercreutz, cách tiếp cận kết hợp giữa nhiều phương pháp, lĩnh vực là câu trả lời cho sự thành công của Phần Lan trong việc thúc đẩy hiểu biết về kỹ năng truyền thông cho 5,5 triệu công dân. “Không chỉ trường học, mà kỹ năng truyền thông còn được truyền tải trên các phương tiện truyền thông, báo chí, doanh nghiệp, thư viện, bảo tàng… Mọi người, mọi nơi đều tham gia vào việc này”- Ông Leo Pekkala, Phó Giám đốc Viện Nghe nhìn Quốc gia Phần Lan (KAVI) cho biết.

“Thực ra, Phần Lan có truyền thống lâu đời trong việc thúc đẩy kỹ năng truyền thông cho người dân, kể từ khi hệ thống trường học toàn diện miễn phí được đưa vào hoạt động vào những năm 1970, thì chương trình giáo dục đầu tiên đã đề cập đến giáo dục truyền thông đại chúng”- Ông Leo Pekkala thông tin thêm- “Ngày nay, khi giáo dục đã phát triển và thích nghi với môi trường truyền thông thay đổi, cùng sự ra đời của công nghệ số, thì việc giảng dạy tư duy phản biện vẫn tồn tại. Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy các kỹ năng giúp mọi người có thể suy nghĩ và hành động một cách phản biện và trở thành thành viên tích cực của một xã hội dân chủ. Một thách thức lớn hiện nay là phải cập nhật cho mọi công dân về những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm cả nhóm dân số là người cao tuổi- họ là những người có thể chưa bao giờ biết cách phát hiện tin đồn trực tuyến sai lệch trên không gian mạng.

Tùng Anh (Theo KAVI)