Đồng bộ văn bản pháp luật thực hiện chính sách BHYT cần bám sát thực tiễn

Thứ Ba, 11 /02/2025 11:36

Sáng 11/2/2025, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành Tổng kết thực hiện Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, Nghị định số 02/2025/NĐ-CP. Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chủ trì hội nghị, kết nối với các điểm cầu BHXH trên toàn quốc đến cấp huyện...

Hội nghị nhằm tổng kết thực hiện 3 Nghị định quy định hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT (Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 18/10/2018, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023, Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025) tại BHXH các địa phương trên toàn quốc.

Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa: Tới đây, BHXH Việt Nam sẽ có những đề xuất, tham gia cùng Bộ Y tế trình Chính phủ một Nghị định chung thay thế 3 Nghị định nêu trên trong hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Do đó, hội nghị cũng thu thập ý kiến góp ý với Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị định này của Bộ Y tế, chỉ rõ các hạn chế, khó khăn, vướng mắc bất cập trong tổ chức thực hiện các Nghị định và đề xuất các nội dung sửa đổi bổ sung chính sách.

Ngày 27/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật số 51/2024/QH15 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. "Với mục tiêu tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định để thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bác, có đầy đủ thông tin, đạt được sự đồng thuận, Luật số 51/2024/QH15 đã bám sát những quan điểm tư tưởng của Hiến pháp 2013, các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với Luật BHXH, Luật KCB và các luật khác có liên quan; trong đó những nội dung mới có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân", Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đánh giá.

Đồng thời, để các quy định hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật về BHYT mang tính kịp thời, không có khoảng trống về pháp lý, ngày 1/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2026 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ. Nghị định này nhằm đảm bảo đồng bộ với các quy định mới của Luật BHYT số 51/2024/QH15, quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật KCB có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 như quy định lộ trình thực hiện và tỷ lệ mức hưởng khi KCB ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản, Quy định cho phép cơ sở KCB tư nhân được áp giá dịch vụ KCB BHYT của các cơ sở KCB công lập theo mức điểm xếp cấp chuyên môn kỹ thuật, quy định việc thanh toán chi phí dịch vụ KCB tại các cơ sở KCB nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá...

Đặc biệt, tại Luật số 51/2024/QH15 có một số nội dung giao Chính phủ quy định và quy định chi tiết. Hiện nay, Bộ Y tế đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong đó có BHXH Việt Nam xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, dự kiến sẽ thay thế cho Nghị định số 146/2018/NĐ-CP 18/10/2018, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 19/10/2023 và Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2026 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ. Theo đó, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu BHXH Việt Nam tổng kết việc tổ chức thực hiện 03 Nghị định nêu trên và tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả triển khai các Nghị định mà Bộ Y tế đã thực hiện.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đánh giá: "đây là cơ hội rất quý để các đơn vị, các tỉnh tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện các quy định hướng dẫn thực hiện Luật BHYT; các cán bộ viên chức làm công tác thực hiện chính sách BHYT được lắng nghe, chia sẻ và thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách phù hợp".

Báo cáo tổng hợp của Ban Thực hiện chính sách BHYT về thực hiện các Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 18/10/2018, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023, Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 cho biết: Trong thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách về BHYT, cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông (nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, người tham gia về các nội dung tại NĐ 146/2018/NĐ-CP, NĐ 75/2023/NĐ-CP, 02/2025/NĐ-CP; trả lời câu hỏi, vướng mắc của người tham gia BHYT); cũng như triển khai, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện...

Nhằm các Nghị định triển khai đạt hiệu quả cao, thực hiện tốt chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, Ngành BHXH Việt Nam đã tổ chức các Hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện các Nghị định trực tiếp và trực tuyến toàn Ngành. Chủ động tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn. Tổ chức thường xuyên giao ban trực tiếp, trực tuyến về công tác giám định, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ công tác giám định, đào tạo… Đặc biệt, hoàn thiện Hệ thống giám định BHYT, với cập nhật hoàn thiện phần mềm giám định, cảnh báo chi phí đảm bảo thực hiện kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ mới được giao cho ngành BHXH Việt Nam. Thường xuyên tổng hợp, phân tích các chỉ số, đánh giá tình hình chi KCB BHYT để phát hiện các chỉ số bất hợp lý của cơ sở KCB.

Với những nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHYT đã gặt hái được nhiều thành tựu. Số người tham gia BHYT liên tục gia tăng với tốc độ nhanh qua các năm: nếu như năm 2018, cả nước có khoảng 83,5 triệu người tham gia BHYT, chiếm 88,6% dân số, đến năm 2024, con số này đã tăng lên 95,52 triệu người, bao phủ 94,2% dân số... Việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH Việt Nam là tổ chức KCB BHYT cũng có nhiều kết quả cao: số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT gia tăng qua từng năm; năm 2024, cả nước có khoảng 184 lượt KCB BHYT; số chi KCB BHYT từ quỹ BHYT gia tăng...

Ngành BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHYT đạt được hiệu quả cao. Cụ thể, với hoạt động giám định BHYT, đảm bảo quỹ BHYT được chi hợp lý, hiệu quả, BHXH Việt Nam đã liên tục nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống thông tin giám định BHYT; thực hiện liên thông, tiếp nhận hồ sơ đề nghị toán từ trên 13.000 cơ sở KCB; thực hiện tra cứu thẻ BHYT, lịch sử KCB BHYT, quản lý thông tuyến KCB BHYT. Ứng dụng VssID (BHXH số) đã có trên 20 triệu tài khoản đăng ký sử dụng nhằm thực hiện dịch vụ công, cập nhật thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT... cho người tham gia; đã có trên 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB BHYT. Phần mềm TST cung cấp dữ liệu cho của tất cả các hệ thống phần mềm ứng dụng liên quan, hỗ trợ, kiểm soát thông tin, biến động đến từng đơn vị, người tham gia và là "nguyên liệu" quyết định để XD CSDL quốc gia về bảo hiểm. Trong triển khai Đề án 06 và QĐ 422/QĐ-TTg, ngành BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện xác thực 95,1 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH VN quản lý, trong đó 87,1 triệu người tham gia BHYT; thử nghiệm chia sẻ dữ liệu thông tin KCB BHYT lên UD VneID; chia sẻ thông tin thẻ BHYT để KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, VneID (với trên 55,7 triệu lượt sử dụng CCCD/VneID để KCB BHYT); hỗ trợ Bộ Y tế liên thông giấy khám sức khỏe, giấy chứng sinh, giấy báo tử... Công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại của người dân đều góp phần tích cực vào thực hiện tốt chính sách BHYT...

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Phúc cho biết trong thực hiện chính sách BHYT cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách BHYT chưa được kịp thời cho một số nhóm đối tượng; Mức hỗ trợ còn thấp, cũng như chưa có chế tài bắt buộc tham gia BHYT đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, HSSV...; còn tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động, ảnh hưởng quyền lợi KCB của người lao động; khó khăn trong công tác quản lý đối tượng lao động khu phi chính thức; các VB quy định về thanh toán chi phí KCB BHYT chưa đầy đủ, đồng bộ và thống nhất, một số VB chứa nội dung không còn phù hợp với thực tiễn nhưng không được sửa đổi kịp thời... Luật BHYT quy định 3 phương thức thanh toán, tuy nhiên trong giai đoạn 2019-2024 chỉ áp dụng phương thức thanh toán theo giá dịch vụ; Việc xây dựng, phân bổ dự toán chi KCB BHYT cho các tỉnh, thành phố còn nhiều khó khăn…

Tại Hội nghị, BHXH các địa phương gồm TP.Huế, Hậu Giang, Hải Phòng, Đồng Nai, Gia Lai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Nội và BHXH Bộ Quốc phòng đã phát biểu ý kiến nêu các kết quả trong thực hiện các Nghị định và có các đề xuất, góp ý cho việc hoàn thiện báo cáo tổng kết, đề xuất ban hành một Nghị định mới chung thay thế 3 Nghị định, giúp thuận lợi cho việc triển khai, thực hiện.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương, bởi “việc đánh giá các tồn tại, vướng mắc, đề xuất giải pháp góp ý cho Nghị định mới là rất quan trọng; trong đó có vai trò nòng cốt là ý kiến từ BHXH các địa phương với thông tin, số liệu từ cơ sở”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục tổng hợp, cập nhật các ý kiến bổ sung gửi về BHXH Việt Nam chậm nhất trước ngày 13/2, tập trung nêu các vướng mắc và đề xuất các giải pháp cụ thể.

Phó Tổng Giám đốc giao Ban Thực hiện Chính sách BHYT tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện các Nghị quyết, khẩn trương trình lãnh đạo Ngành tổng hợp gửi Bộ Y tế báo cáo trình Chính phủ theo hưởng ban hành một Nghị định mới thay thế 3 Nghị định hướng dẫn về Luật BHYT giúp thuận lợi trong thực hiện.

Về thực hiện quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2024, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương xác định rõ tiến độ thời gian để khẩn trương hoàn thành, đảm bảo chất lượng. Các đơn vị cần phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thời gian; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đôn đốc công việc hằng ngày, giải quyết ngay các vướng mắc…

Thái An