Giấc mơ sở hữu nhà trở nên xa vời đối với người trẻ Đài Loan
Ở Đài Loan, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Đài Bắc, giá nhà tăng cao khiến giấc mơ sở hữu nhà trở nên xa vời đối với người trẻ.
Trước đây, việc sở hữu nhà riêng ở Đài Loan được coi là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của một người trưởng thành; song giờ đây, điều này trở thành mục tiêu không thể đạt được đối với nhiều người. Thu nhập không cải thiện, cùng với giá bất động sản tăng vọt, là cốt lõi của vấn đề.
Dữ liệu của Chính phủ cho thấy, mức lương trung bình hằng tháng của NLĐ trong độ tuổi 20 và 30 là 35.000- 45.000 Tân Đài tệ (tương đương 1.159- 1.490 USD hoặc 30,093,251- 38.691.323 VND). Một bộ phận NLĐ thậm chí còn kiếm được ít hơn mức lương trung bình hằng tháng. Để so sánh, thì cần nắm được, giá trung bình của một căn hộ ở Đài Bắc là hơn 10 triệu Tân Đài tệ (331.076 USD hoặc 8,598 tỷ VND).
Để chuẩn bị cho khoản thanh toán trước 20% khi dự định mua một căn hộ, một người trẻ Đài Loan sẽ phải tiết kiệm gần như toàn bộ thu nhập của mình trong hơn một thập kỷ—đó là còn chưa tính đến tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt hằng ngày hoặc lạm phát. Không có gì ngạc nhiên, hiện càng ngày càng có nhiều người trẻ Đài Loan vẫn sống với cha mẹ— không phải vì tiện lợi, mà vì cần thiết.
“Là một sinh viên sắp tốt nghiệp và đi làm, tôi đang có suy nghĩ sống cùng bố mẹ trong vài năm. Thực ra không phải là tôi muốn, mà vì tôi bắt buộc phải làm vậy. Chi phí thuê một căn hộ- dù khiêm tốn- cũng là quá cao với mức lương khởi điểm. Đối với nhiều người trẻ, ở lại nhà đã trở thành một “chiến lược sinh tồn” về mặt tài chính hơn là một lựa chọn lối sống”- Huỳnh Ngọc Thiên, sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Ngôn ngữ Vân Tảo, cho biết.
Việc sở hữu nhà, từng được coi là bước tự nhiên hướng tới sự độc lập và cuộc sống gia đình, giờ đây là một giấc mơ khó nắm bắt với người trẻ Đài Loan. Lộ trình truyền thống: Tốt nghiệp, đi làm, kết hôn, mua nhà và vun vén gia đình giờ dường như không còn phù hợp với thực tế kinh tế ngày nay. Nhiều người trẻ trì hoãn việc kết hôn hoặc chọn không sinh con, vì sợ rằng không đủ khả năng chi trả. Thậm chí có những người khác từ bỏ hoàn toàn việc sở hữu nhà.
Tuy nhiên, sở hữu nhà ở không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn có tác động về mặt cảm xúc và tâm lý. Một số người trẻ Đài Loan cho biết họ cảm thấy bất lực và vỡ mộng. Mặc dù làm việc nhiều giờ và tiết kiệm chăm chỉ, họ vẫn thấy mình không đủ khả năng mua nhà. Điều đó làm suy yếu cảm giác công bằng và niềm tin của họ vào sự phát triển của xã hội. Ngay cả người ở độ tuổi 40 và 50, bao gồm cả các cặp vợ chồng có con, cũng không phải ai cũng đủ khả năng mua nhà. Đối với nhiều người, việc thuê nhà đã trở thành chuyện đương nhiên, chứ không phải chỉ là giai đoạn chuyển tiếp hay giải pháp tạm thời.
Để đạt được mục đích đó, Chính phủ Đài Loan đã triển khai một số chương trình như cho vay nhà ở cho thanh thiếu niên và trợ cấp tiền thuê nhà. Mặc dù các biện pháp như vậy đã làm giảm bớt gánh nặng thuê nhà nhưng phần lớn chưa giải quyết được vấn đề cơ bản: Khoảng cách ngày càng lớn giữa giá nhà và thu nhập. Vấn đề còn trầm trọng hơn do sự hiểu lầm giữa các thế hệ. Người lớn tuổi, những người có khả năng mua nhà khi giá nhà thấp hơn nhiều, đôi khi lại đổ lỗi cho người trẻ không muốn “chịu đựng” hoặc hy sinh. Nhưng không phải vậy. Bối cảnh kinh tế đã thay đổi căn bản. Chỉ làm việc chăm chỉ thôi không còn đảm bảo cho sự thăng tiến nữa. Tỷ lệ tiền lương so với giá nhà ngày càng chênh hơn mỗi năm.
Cuộc khủng hoảng nhà ở của Đài Loan không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội- rõ ràng đặt ra câu hỏi về sự công bằng, cơ hội và tính bền vững lâu dài của xã hội. Nếu không có những cải cách táo bạo và có hệ thống, Đài Loan có nguy cơ bỏ lại người trẻ ở phía sau và làm sâu sắc thêm khoảng cách giàu nghèo. Hầu hết những người trẻ đã đi làm vẫn sống với cha mẹ để tiết kiệm tiền thuê nhà. Giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở đòi hỏi nhiều hơn việc chỉ xây dựng thêm nhà ở. Nó đòi hỏi phải đánh giá lại khái niệm nhà ở— không phải là một vấn đề đầu tư, mà là một quyền cơ bản của con người. Nếu Đài Loan thực sự coi trọng thế hệ trẻ của mình, thì việc sở hữu một ngôi nhà không nên là một thứ xa xỉ đối với một số ít người giàu có, mà là một mục tiêu thực tế cho tất cả mọi người.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)
- Các Chương trình An sinh xã hội chống lại đói nghèo ở Bangladesh
- Nhật Bản: Khách du lịch thúc đẩy doanh số bán hàng tại chuỗi cửa hàng giảm giá Donki
- Croatia: Thí điểm hỗ trợ “chi phí chăm cháu” cho ông bà
- Triển khai sáng kiến cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục ở Brazil
- Nỗi buồn của những “người bạc” trên đường phố Indonesia