Hà Nội: Đối thoại, “gỡ” khó giúp DN vượt qua đại dịch

Thứ Bảy, 06 /11/2021 14:36

Sáng 6/11, UBND TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các DN trên địa bàn trong bối cảnh dịch Covid-19. Hội nghị có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và chính quyền Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, hiệp hội DN, ngành nghề và DN đang hoạt động trên địa bàn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, với phương châm "sức khỏe của DN là sức khỏe của nền kinh tế", chính quyền Hà Nội đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, đến nay thành phố cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới. Cùng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thành phố đã tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân, NLĐ, hộ kinh doanh và các DN đang hoạt động trên địa bàn.

Tính đến nay, ngân sách thành phố cũng như nguồn quỹ huy động được thông qua các tổ chức, đoàn thể đã chi hỗ trợ bằng tiền mặt cho trên 4,3 triệu lượt đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với số tiền lên tới 4.276 tỷ đồng; đã bố trí ngân sách của thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 1.050 tỷ đồng, qua đó đã thực hiện cho 9.886 NLĐ vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tạo việc làm, với tổng số tiền 476 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhận định: Những kết quả bước đầu đạt được trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố trong thời gian qua, là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, doanh nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các DN tuy gặp nhiều khó khăn khi thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội; tuy nhiên với ý thức trách nhiệm cao, các DN đã nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, chủ động xây dựng và vận hành phương án sản xuất kinh doanh thích nghi với tình hình dịch bệnh và phù hợp với điều kiện thực tế của DN.

“Với phương châm lấy DN và người dân là trung tâm phục vụ, thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về TTHC để thúc đẩy DN phát triển nhanh và bền vững”- Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, trong 10 tháng của năm 2021, trên địa bàn thành phố có 19.848 DN thành lập mới (giảm 10%), với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng (giảm 2%). Ngoài ra, có 2.566 DN thực hiện thủ tục giải thể (tăng 26%), 11.034 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 17%) và 9.144 DN hoạt động trở lại (tăng 76%). Đáng chú ý, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế-xã hội, trong đó khu vực DN chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó, nhiệm vụ phục hồi sản xuất kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, do các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn thành phố cũng như trong cả nước.

Kết quả khảo sát nhanh đến ngày 27/10 (do Cục Thuế Hà Nội thực hiện đối với 28.377 DN) cho thấy, chỉ có 30,4% số DN được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường và tốt; trên 25% số DN có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn nhân lực trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…

Chia sẻ tại Hội nghị, các DN, đại diện các hiệp hội, ngành nghề cũng đều ghi nhận sự đồng hành của Hà Nội trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Đồng thời, mong muốn thành phố có những đột phá trong đơn giản hoá TTHC, tiếp tục thực hiện các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế; thúc đẩy chuyển đổi số; hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại; hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ DN nhỏ và vừa thông qua các đề án, kế hoạch đã ban hành; đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách bảo đảm thực chất, hiệu quả, thực sự đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian nhanh nhất.

Theo ông Lê Vĩnh Sơn- Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, Hà Nội cần nhanh chóng có các giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 128/NQ-CP để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện, cơ hội cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, cần triển khai các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, xóa nợ, cơ cấu lại nguồn vay, kinh phí Công đoàn; giảm tiền điện, nước, cước viễn thông...

Trong khi đó, ông Chu Đức Lượng- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ đề nghị TP.Hà Nội nên số hóa cải cách TTHC, định lượng bằng quy định thời gian giải quyết thủ tục dứt điểm, giảm thời gian đi lại cho DN, người dân, tạo nguồn lực cho DN phát triển.

Đại diện các DN tham dự đối thoại

Đồng quan điểm trên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Phạm Văn Khương cho rằng, điều các DN mong muốn là những cải cách, chuyển biến trong giải quyết thủ tục thực chất hơn; làm sao để DN nhận được văn bản trả lời trong thời gian sớm nhất. Các sở, ngành cũng cần có mối liên thông trong làm việc, tránh kéo dài thời gian giải quyết thủ tục đến vài tuần, bởi thiếu thủ tục thì DN không làm gì được.

Ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ và TP.Hà Nội đã quyết liệt trong việc ban hành các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ. Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG nêu ý kiến về tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết TTHC, qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khởi công các dự án. Đồng thời, đưa du lịch, công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô. Bà Nga cũng cho biết thêm, BRG đã góp vốn để xây dựng một công trình vui chơi trong nhà tại quận Tây Hồ. Mặc dù dự án đã hoàn thành thiết kế, đặt nhiều thiết bị từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng do vướng mắc về đất đai. “Đề nghị Thành ủy, UBND Thành phố, các sở, ban, ngành hỗ trợ dự án sớm được triển khai để phục vụ tốt nhu cầu vui chơi của trẻ em, thanh thiếu niên Thủ đô và khách du lịch”- bà Nga mong mỏi. 

Với vị thế là Thủ đô, là trái tim của cả nước, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố quyết tâm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng CNTT, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Người đứng đầu Thành ủy khẳng định, các kiến nghị, đề xuất từ phía DN và các Hiệp hội sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn.

Tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của DN, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện, thị xã. Theo đó, chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN; tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan; tập trung triển khai thực hiện tốt các quy định, chính sách của Chính phủ về phòng chống dịch và hỗ trợ DN, người dân. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của thành phố năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025, đặc biệt là các nội dung liên quan đến hoạt động của các DN.

"Nâng cao chất lượng giải quyết các TTHC liên quan đến DN như các lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên môi trường, điều kiện kinh doanh các ngành nghề có điều kiện trong các lĩnh vực (thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, xuất bản, văn hóa, hoá chất…), đăng ký DN, thuế, hải quan, BHXH... nhằm giúp DN giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các TTHC, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch đã có trong chương trình công tác năm về phát triển ngành, hỗ trợ phát triển các DN trong ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu"- Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Thủy Hà