Hà Nội triển khai chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết
Trong tháng 8, 9/2023, Hà Nội triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có nguy cơ cao, có ổ dịch phức tạp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội yêu cầu 100% các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phải được giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội, thống kê từ đầu năm đến ngày 4/8/2023 cho thấy, toàn thành phố đã ghi nhận 2.750 trường hợp sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 408/579 xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, bệnh nhân có xu hướng tăng nhanh trong 4 tuần gần đây. Trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp; tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó (113 trường hợp). Ghi nhận 198 ổ dịch tại 24 quận, huyện, thị xã; 111 xã, phường, thị trấn. Tính đến ngày 4/8, toàn thành phố đã thực hiện 928 chiến dịch vệ sinh môi trường- diệt bọ gậy, đạt 82% so với chỉ tiêu từ đầu năm để ra.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 57.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Để triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát, CDC Hà Nội đề nghị TTYT quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết theo kế hoạch/đề án đã được phê duyệt tại các quận, huyện, thị xã. Đáp ứng kịp thời hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết, máy phun đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch. Thực hiện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định, kịp thời, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài.
TTYT quận, huyện, thị xã tham mưu UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai các hoạt động cao điểm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trong tháng 8 và 9/2023. Theo đó, thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy quy mô xã, phường, thị trấn vùng nguy cơ cao; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại những nơi có nguy cơ cao, phun diện rộng tại các xã, phường, thị trấn có ổ dịch phức tạp.
Đồng thời, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, ngoài hoạt động giám sát côn trùng thường xuyên, yêu cầu 100% các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phải được giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp. Thường xuyên rà soát, báo cáo, cập nhật, quản lý số liệu ca bệnh truyền nhiễm trên hệ thống phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến theo quy định tại Thông tư 54 của Bộ Y tế, báo cáo kết quả theo quy định.
Song song với đó, các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền trực tiếp, truyền thông lưu động (loa kéo), các hội nhóm zalo thôn, tổ dân phố... Các nội dung tuyên truyền cần cụ thể, rõ ràng, tập trung vào đặc điểm tình hình dịch tại địa phương, sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng bệnh. Yêu cầu 100% ổ dịch có băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó có 13 trường hợp tử vong. Số ca mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Hà Hùng
- Ứng dụng y tế từ xa: Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho nhóm yếu thế
- Tăng thuế thuốc lá: Giải pháp cần thiết và cấp bách
- Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Kháng thuốc: Mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu
- Hỗ trợ các giáo viên hiếm muộn chạm ước mơ làm cha mẹ