Hình ảnh đẹp trong mắt DN FDI
Tam giác kinh tế TP.HCM- Bình Dương- Đồng Nai đang thu hút hàng chục ngàn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Những DN này đang giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn NLĐ đến từ khắp mọi miền đất nước, trong đó rất nhiều DN đã gắn bó lâu dài với Việt Nam và thực hiện rất tốt chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ. Vậy đâu là nguyên nhân giúp những địa phương này “giữ chân” được các DN FDI?
Số lượng DN FDI ngày càng tăng
Theo Sở KH-ĐT TP.HCM, tính chung cả năm 2019, TP.HCM thu hút được 8 tỉ USD vốn FDI, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, riêng số dự án cấp mới tăng 13%, với số vốn tăng 124% so với cùng kỳ.
Đối thoại với DN FDI ở phía Nam
Tương tự, tại Đồng Nai, tính đến cuối tháng 11/2019 có gần 1.990 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 35,32 tỉ USD, trong đó có khoảng 1.460 dự án còn hiệu lực với tổng vốn gần 30 tỉ USD. Một số dự án cấp mới có vốn lớn như: Dự án Công ty TNHH Watakyu Việt Nam (Nhật Bản) tại KCN Amata, với vốn đầu tư 33 triệu USD; dự án SEA (Hàn Quốc) tại KCN Nhơn Trạch 6 có vốn đầu tư 40 triệu USD; dự án Công ty TNHH Otsuka Techno Việt Nam (Nhật Bản) tại KCN Nhơn Trạch 6 có vốn đầu tư 72 triệu USD; dự án Nhà máy Sản xuất thuốc thú y- thủy sản của Công ty TNHH Bayer Việt Nam (Đức) tại KCN Lộc An- Bình Sơn có vốn đầu tư 28 triệu USD…
Một số dự án cũng điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư lớn như: Dự án Công ty TNHH Powerknit Việt Nam (British Virgin Islands) tại KCN Bàu Xéo có vốn đầu tư tăng thêm 40 triệu USD; dự án Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam (British Virgin Islands) tại KCN Bàu Xéo có vốn đầu tư tăng thêm 25 triệu USD; dự án Công ty TNHH Dae Myung Chemical Việt Nam (Hàn Quốc) tại KCN Long Thành có vốn đầu tư tăng thêm 15 triệu USD...
Trong khi đó, toàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 4.000 DN FDI. Theo Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, thời gian qua, DN Nhật Bản đến làm ăn tại Bình Dương không chỉ gia tăng về số lượng mà còn gia tăng về quy mô đầu tư. Tại đây, Nhật Bản có gần 300 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5,2 tỉ USD, chiếm hơn 9,8% số dự án và gần 15,5% số vốn FDI tại tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn NLĐ. Đơn cử như: Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương của Tập đoàn Tokyu có vốn đầu tư 1,2 tỉ USD; dự án sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Wonderful Saigon Electrics (của Tập đoàn Sun-S) có vốn đầu tư 450 triệu USD; dự án Trung tâm Thương mại AEON Mall Bình Dương của Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam có vốn đầu tư 95 triệu USD...
Hình ảnh đẹp trong mắt DN FDI
Dự kiến, số DN FDI sẽ ngày càng tăng do các tỉnh tạo lập được môi trường đầu tư tốt, hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông thuận tiện… Trong đó, cơ quan BHXH luôn có trách nhiệm cao trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sự hài lòng cho các nhà đầu tư.
Ông Hideyuki Okada- Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, hiện cộng đồng DN Nhật Bản tại Việt Nam đã lên đến 1.800 thành viên, được chia làm 13 nhóm, trong đó nhóm DN Nhật Bản ở Bình Dương có số lượng lớn nhất với 140 thành viên. Các DN Nhật Bản đầu tư vào Bình Dương luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển. Nhiều DN rất hài lòng, nhất là trong việc đồng hành cùng cơ quan BHXH chăm lo quyền lợi BHXH, BHYT cho NLĐ.
Đại diện Công ty TNHH Watakyu Việt Nam (Nhật Bản) tại KCN Amata (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cũng cho biết: “Tôi thực sự hài lòng khi lựa chọn Đồng Nai là nơi đặt nhà máy sản xuất. 98% sản phẩm của chúng tôi được sản xuất tại đây và xuất khẩu ra thế giới. Trong 3 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, cam kết đầu tư lâu dài ở Đồng Nai. Hiện chúng tôi có hơn 1.000 NLĐ đang làm việc và được tham gia đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần phục vụ của cơ quan BHXH trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ. Chúng tôi bày tỏ sự biết ơn BHXH tỉnh Đồng Nai đã đồng hành trong suốt thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác này”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Minh Lý- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân chính để các DN FDI thực hiện tốt chế độ BHXH cho NLĐ, là do họ đã tìm hiểu kỹ pháp luật trước khi vào đầu tư vào Việt Nam. Cùng với đó, nhiều DN có thương hiệu cũng luôn đi đầu trong việc quan tâm chăm lo cho NLĐ. Ngoài những nguyên nhân trên, thời gian qua, cơ quan BHXH cũng đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng giúp DN thuận lợi tham gia BHXH như: Rà soát, cắt giảm nhiều TTHC không phù hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp BHXH, BHYT; ứng dụng CNTT để kết nối liên thông dữ liệu giúp DN báo tăng giảm hoặc điều chỉnh thông tin trên hồ sơ chế độ chính sách…
Một nhân viên phụ trách nhân sự của Công ty TNHH Hariki Precision Việt Nam (Bình Dương) chia sẻ, trước đây mỗi lần báo tăng giảm lao động hoặc làm hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho NLĐ, đại diện DN phải đến cơ quan BHXH để khai báo làm thủ tục. Trường hợp sai sót phải đi lại rất nhiều lần, nhiều thủ tục giải quyết hàng tuần mới xong. Còn hiện nay, việc báo tăng giảm đã qua giao dịch điện tử, những sai sót cũng được cơ quan BHXH phản hồi ngay để sửa chữa mà không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH. Sau khi hồ sơ được giải quyết xong, Bưu điện sẽ trực tiếp nhận để chuyển về cho DN.
Ngoài việc cải cách TTHC, thời gian qua BHXH các tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối thoại, giúp chủ DN và cán bộ chuyên trách BHXH, BHYT tại DN cập nhật, hiểu rõ các quy định để thực hiện hiệu quả. Vì vậy, thời gian qua, các DN đã giảm đáng kể tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, giúp đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Văn Phạm
- Công bố kết quả Cuộc thi sáng tác ca khúc về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
- Sóc Trăng: Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”
- Tây Ninh: Tổ chức Cuộc thi ảnh “NLĐ với chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” trên Facebook
- BHXH tỉnh Vĩnh Long nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
- Phòng Thanh tra-Kiểm tra (BHXH tỉnh Long An): Xứng danh người “gác cửa”