ILO: Cách mạng số vì môi trường làm việc an toàn
Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần hợp tác chặt chẽ, để đảm bảo chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực, thay vì làm suy giảm an toàn và phẩm giá của người lao động...
Nhân Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc (28/4), bà Kaori Nakamura-Osaka, Giám đốc Khu vực châu Á- Thái Bình Dương (Tổ chức Lao động Quốc tế- ILO) chia sẻ, chuyển đổi số đang làm thay đổi thế giới việc làm, đồng thời cũng tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Từ trí tuệ nhân tạo (AI), robot, cảm biến đeo được đến thực tế ảo, công nghệ số đang cách mạng hóa nơi làm việc. Các công nghệ này có tiềm năng lớn giúp giảm thiểu rủi ro về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và cải thiện điều kiện làm việc. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những mối nguy mới, sự bất bình đẳng và khoảng trống trong quy định pháp luật mà chúng ta cần phải kịp thời nhận diện và ứng phó. Trong nhiều ngành tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Tự động hóa giúp người lao động giảm thiểu tiếp xúc với hóa chất, tiếng ồn, bụi, nhiệt độ khắc nghiệt, và máy móc nguy hiểm.
Theo bà Bà Kaori Nakamura-Osaka, phòng ngừa là nền tảng của an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Hệ thống giám sát thông minh và phân tích dự báo đang giúp người sử dụng lao động và người lao động nhận diện mối nguy, trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường đang thay đổi cách thức đào tạo cho người lao động, đặc biệt trong các ngành có nguy cơ cao. Mô phỏng nhập vai tạo điều kiện cho người lao động diễn tập ứng phó với các tình huống khẩn cấp hoặc làm quen với môi trường nguy hiểm một cách an toàn. Hệ thống quản lý bằng thuật toán, sử dụng AI để phân công, giám sát và đánh giá công việc, cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nếu không được quản lý đúng cách, các công nghệ này có thể làm tăng cường độ công việc, giảm tính tự chủ và tăng mức độ giám sát, gây căng thẳng và giảm sút sức khỏe tinh thần.
Cũng theo bà Kaori Nakamura-Osaka, mặc dù chuyển đổi số góp phần thúc đẩy gia tăng mô hình làm việc từ xa và làm việc trên nền tảng trong khu vực, nhưng nó cũng làm mờ ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi. Hệ lụy có thể kể đến như các vấn đề về cơ xương khớp, kiệt sức và cô lập số. Người giao hàng, tài xế công nghệ phải làm việc dưới áp lực cao, đôi khi ảnh hưởng đến sự an toàn của cả bản thân và khách hàng. Trong khi đó, người lao động trong nền kinh tế nền tảng thường không được tiếp cận đầy đủ với các biện pháp an toàn sức khỏe nghề nghiệp. Nhiều nền tảng lao động số cũng chưa có cơ chế hỗ trợ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, mặc dù rủi ro về an toàn và sức khỏe do các yếu tố tâm lý - xã hội, và môi trường đang ngày càng phổ biến. “Để ứng phó hiệu quả với những biến động phức tạp này, Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần hợp tác chặt chẽ để đảm bảo rằng chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực, thay vì làm suy giảm an toàn và phẩm giá của người lao động” - bà Kaori Nakamura-Osaka nhấn mạnh.
Đưa ra những gợi mở trong vấn đề này, bà Kaori Nakamura-Osaka cho rằng, trước tiên, an toàn sức khỏe nghề nghiệp cần được tích hợp vào mọi chiến lược chuyển đổi số - từ AI, robot đến quản trị dữ liệu. Bên cạnh đó, pháp luật về an toàn sức khỏe nghề nghiệp cần được cập nhật thường xuyên để xử lý các rủi ro mới xuất hiện. Đồng thời, đào tạo bao trùm và liên tục là yếu tố then chốt, nhằm đảm bảo tất cả người lao động, không chỉ ở các ngành công nghệ cao, đều có thể sử dụng các công cụ kỹ thuật số một cách an toàn. Đặc biệt, cần lưu ý đến các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi và người khuyết tật. Chúng ta cũng cần đảm bảo sự tham gia đầy đủ của người lao động và người sử dụng lao động trong mọi giai đoạn của tiến trình công nghệ, từ xây dựng quy định, chính sách và công cụ đến thực thi và giám sát.
Ngoài ra, chuyển đổi số cần được nhận định là công cụ hỗ trợ, chứ không phải thay thế sự giám sát của con người. Các công nghệ như cảm biến thông minh, phân tích dự báo hay hệ thống ra quyết định tự động rất hữu ích, nhưng cần được tích hợp vào các khung an toàn sức khỏe nghề nghiệp vững chắc, đặt con người cùng sự giám sát, các tiêu chuẩn đạo đức và quyền của người lao động làm trung tâm. Chuyển đổi số không chỉ là hiệu suất. Đây là cơ hội có một không hai để xây dựng nơi làm việc an toàn, lành mạnh hơn.
Nguyệt Hà