Kinh tế-xã hội năm 2022 phục hồi mạnh mẽ

Thứ Năm, 29 /12/2022 14:34

Năm 2022, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19...

GDP năm 2022 cao nhất trong hơn 10 năm qua

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý IV và năm 2022 được Tổng cục Thống kê công bố hôm nay (29/12) cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%. Về sử dụng GDP quý IV/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 6,14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,83%.

Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Trong khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04% điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Ngành bán buôn, bán lẻ; ngành vận tải kho bãi; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống… Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên chi cho phòng chống dịch bệnh giảm so với năm 2021.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.

Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%...

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của NLĐ được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).

Các số liệu về tình hình hoạt động của DN cũng chứng minh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Theo đó, tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208,3 nghìn DN, tăng 30,3% so với năm 2021. Có 143,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường (tăng 19,5%); tuy nhiên trong đó phần lớn là các DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,5%). Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến-chế tạo trong quý IV/2022 cũng cho thấy, có 66,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định so với quý III/2022, 33,7% số DN đánh giá gặp khó khăn…

An sinh xã hội được đảm bảo

Năm 2022, công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo; các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ chăm lo cho hộ nghèo. Đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, ước tính thu nhập bình quân đầu người đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng chia sẻ, tính đến ngày 30/11/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 đã giải ngân khoảng 3,74 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 123 nghìn lượt DN với gần 5,3 triệu lượt lao động. Ngoài ra, để người dân không bị thiếu đói, tính từ đầu năm đến nay, Chính phủ cấp xuất tổng số 24,8 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 492,5 nghìn hộ với 1,6 triệu nhân khẩu.

Trong năm 2022, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 14,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4,7 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2,4 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói các đối tượng bảo trợ xã hội hơn 2,7 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tình hình đột biến, bất thường, nổi bật khác phát sinh tại địa phương là gần 4,6 nghìn tỷ đồng. Có gần 29,8 triệu sổ BHXH, thẻ BHYT, thẻ KCB được phát, tặng cho các đối tượng.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, đến ngày 29/11/2022, cả nước có 5.869/8.225 xã (chiếm 71,4%) đạt chuẩn nông thôn mới; 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 39,6% số huyện cả nước) và 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong lĩnh vực GD-ĐT, năm học 2022-2023, cả nước có 15.329 trường mầm non, tăng 9 trường so với năm học trước; 26.085 trường phổ thông, giảm 124 trường. Số giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy là 353,7 nghìn giáo viên, tăng 4 nghìn giáo viên; số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 807,5 nghìn giáo viên, giảm 5 nghìn giáo viên. Cũng trong năm học này, cả nước có gần 4,9 triệu trẻ em bậc mầm non, tăng 7,9% so với năm học 2021-2022 và 18,1 triệu HS phổ thông, tăng 1,2%, bao gồm: 9,2 triệu HS tiểu học, tương đương số HS tiểu học của năm học trước; hơn 6 triệu HS trung học cơ sở, tăng 2,2% và gần 2,9 triệu HS trung học phổ thông, tăng 2,6%.

Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 1.905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 412 trường cao đẳng, 435 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo nghề năm 2022 đã tuyển mới được 2.430 nghìn người, đạt 116,5% so với kế hoạch đề ra, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 530 nghìn người, đạt 100%; trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo nghề khác tuyển sinh được 1.900 nghìn người, đạt 122,1%. Ước tính cả năm 2022, số HS tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề là 2.096 nghìn người, đạt 114,9% mục tiêu đề ra, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 346 nghìn người, đạt 100%; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.750 nghìn người, đạt 118,4%.

Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, WHO tiếp tục cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 được kiểm soát, tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tiếp tục được đẩy nhanh đảm bảo an toàn, khoa học và hiệu quả. Từ ngày 8/3/2021 đến ngày 26/12/2022, tổng số liều vắc-xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 265,4 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 90,4 triệu liều; tiêm mũi 2 là 85,8 triệu liều; mũi bổ sung là 14,5 triệu liều; mũi nhắc lại lần 1 là 57,4 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17,3 triệu liều…

Thái An