Ký ức khó quên

Thứ Ba, 11 /02/2020 19:44

Huỳnh Thị Ngọc LinhNguyên Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long

Về hưu đến nay được “một nhiệm kỳ”, nhưng hằng năm cứ gần đến ngày 16/2- ngày thành lập BHXH Việt Nam, bao nhiêu ký ức trong tôi lại ùa về, với những dấu ấn sâu đậm, kỷ niệm khó quên…

Nhớ những ngày đầu mới thành lập Ngành, cơ quan chỉ có vài CBVC. Lúc đó, khi BHXH tỉnh Trà Vinh được thành lập, tôi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc và cơ quan chỉ có 6 nhân sự. Ở tỉnh Vĩnh Long sát bên cạnh, nhân sự của BHXH tỉnh khá hơn, có tới 10 người, nhưng cũng không có trụ sở làm việc. BHXH tỉnh Vĩnh Long thì xin làm việc tạm ở nhà ăn Sở LĐ-TB&XH; còn BHXH tỉnh Trà Vinh xin làm tạm ở phòng khách LĐLĐ tỉnh. Điều kiện, phương tiện làm việc đa phần là thủ công. Thế nhưng, chúng tôi không ai bảo ai cứ lăn xả vào công việc; ai cũng vui vẻ, làm hết mình...

Ngày ấy, tổng số thu, chi của BHXH Trà Vinh chưa đến 5 tỉ đồng; quản lý chưa đến 10.000 người tham gia và hưởng chế độ. Đến cuối năm 1997, tôi được điều động về làm Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long. Khi nhận nhiệm vụ ở BHXH tỉnh Vĩnh Long, hình ảnh làm tôi xúc động và khắc ghi nhất chính là thời khắc anh Trương Minh Trị- Giám đốc BHXH tỉnh bấy giờ đón tôi vào phòng làm việc của anh- một cái phòng nhỏ xíu chỉ có một cái quạt máy treo tường. Anh Trị chào đón tôi là người thứ 30 trong cơ quan và dặn dò công việc kỹ lưỡng. Mặc dù thời gian chúng tôi làm việc với nhau không lâu (sau đó tôi được bổ nhiệm là Giám đốc BHXH tỉnh), nhưng điều tôi ấn tượng nhất ở vị Giám đốc đầu tiên của BHXH tỉnh Vĩnh Long, đó là dù điều kiện đi lại khó khăn (anh Trị là thương binh mất một chân), nhưng nhiệt huyết với sự nghiệp thì anh luôn có thừa.

Đến năm 2003, BHYT sáp nhập vào BHXH. Lúc này, biên chế của BHXH tỉnh tăng lên gần 70 người. Toàn tỉnh có 99.375 người tham gia BHXH, BHYT, với tổng số thu 54,8 tỉ đồng và tổng số chi tăng lên 28,15 tỉ đồng. Sau 25 năm hình thành và phát triển, đến nay BHXH tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, với 180 CBVC; gần 1 triệu người tham gia BHXH, BHYT; mỗi năm giải quyết cho hơn 102.000 lượt người hưởng chế độ BHXH và 10.500 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng…

Có thể nói, ngành BHXH nói chung và BHXH tỉnh Vĩnh Long nói riêng đã phát triển vượt bậc về mọi mặt, thực sự là chỗ dựa tin cậy của người dân, NLĐ. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ngành cũng từng bước chuyên môn hóa, từ làm thủ công nay được số hóa, thực hiện bằng CNTT… nên bắt nhịp và hòa nhập với khu vực và quốc tế. Với cá nhân tôi, đến nay tròn 5 năm kể từ khi về hưu, song mỗi khi nghĩ về Ngành, tôi thường nhớ về những ngày đầu với những dấu ấn sâu đậm nhất. Đó chính là tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu chia sẻ lẫn nhau; mọi người cùng một lòng nắm tay nhau cố gắng vượt khó để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn khởi đầu và xuyên suốt quá trình phát triển của BHXH tỉnh Vĩnh Long, điều tôi ấn tượng là công tác tuyên truyền của BHXH tỉnh đã lan tỏa sâu rộng. Trong đó, những anh chị em làm công tác báo chí, thông tin tuyên truyền (Báo BHXH, Ban Tuyên truyền, Báo Vĩnh Long, Đài PTTH Vĩnh Long…) rất nhiệt tình, chịu thương chịu khó cùng với BHXH tỉnh đi tuyên truyền tận những vùng sâu (khóm, ấp) và gặp gỡ trực tiếp với người dân, NLĐ, chủ DN… Có những giai đoạn, việc tác nghiệp rất khó khăn, kinh phí chỉ đủ tiền xăng, xe; lúc thì đi xe honda, lúc phải đi ghe, đi bộ, nhưng mọi người cùng đồng lòng làm tốt, giúp người dân hiểu và thẩm thấu tính nhân văn của từng loại hình BHXH, giúp họ vượt qua bệnh tật hiểm nghèo, giảm bớt khó khăn và ổn định cuộc sống.■