Lao động trung niên gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm
Theo các chuyên gia, trong một thị trường tuyển dụng cạnh tranh, không chỉ có lao động trẻ, mà nhóm lao động trung niên- vốn được đánh giá có kinh nghiệm, cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm…
Báo cáo thị trường lao động tháng 8 của Trung tâm DVVL Hà Nội cho thấy, nhóm từ 35 tuổi trở lên có nhu cầu tìm việc khá cao (chiếm 40,95%), chỉ sau nhóm từ 25-34 tuổi (chiếm 48,86%). Tuy nhiên, lao động ở độ tuổi trung niên có thể gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay.
Nguyên nhân là do, thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa đã thay đổi nhiều ngành nghề, khiến cho những kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu trở nên lỗi thời. Các công việc hiện đại thường yêu cầu kỹ năng sử dụng công nghệ mới mà lao động trung niên có thể thiếu.
Thống kê của Trung tâm DVVL Hà Nội cũng cho thấy, 70% các vị trí công việc yêu cầu NLĐ phải có kỹ năng CNTT, tin học văn phòng. Đây là thách thức đối với lao động trung niên trong việc chuyển đổi kỹ năng làm việc. Bên cạnh đó, lao động trung niên cũng gặp phải sự cạnh tranh với lao động trẻ- nhóm thường được ưu tiên tuyển dụng vì họ được đào tạo mới, có năng lực sử dụng công nghệ và có thể sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn.
Bên cạnh đó, nhiều nhà tuyển dụng có thể có định kiến rằng lao động trung niên có năng suất làm việc kém hơn hoặc khó thích nghi với những thay đổi và công nghệ mới. Những định kiến này dẫn đến việc lao động trung niên ít có cơ hội được phỏng vấn và tuyển dụng. Bởi, có trên 60% lao động trung niên không được đào tạo bằng cấp kỹ thuật, trong khi con số này ở nhóm lao động trẻ chỉ là 45%.
Nguyên nhân nữa là do thiếu kỹ năng và đào tạo liên tục. Lao động trung niên có thể thiếu các kỹ năng cần thiết do không có cơ hội hoặc khả năng tiếp cận với các chương trình đào tạo liên tục và cập nhật. Việc này khiến họ khó cạnh tranh với lao động trẻ hơn trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng mới.
Đáng nói, trong một thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, khả năng học tập suốt đời và nâng cao kỹ năng là rất quan trọng. Lao động trung niên có thể gặp khó khăn trong việc tham gia các chương trình đào tạo và học tập suốt đời, do các trách nhiệm gia đình hoặc tài chính. Mặt khác, hiện vẫn thiếu các chính sách và chương trình hỗ trợ đặc thù cho lao động trung niên trong việc tìm kiếm việc làm và nâng cao kỹ năng.
Theo ông Vũ Quang Thành- Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, các chính sách này cần tập trung vào việc đào tạo lại, tạo điều kiện cho lao động tham gia vào các ngành nghề mới và hỗ trợ tài chính trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, lao động trung niên cũng cần thích ứng với xu hướng làm việc mới. Một số lao động trung niên có thể chọn con đường làm việc tự do (freelance) hoặc khởi nghiệp như một cách đề duy trì thu nhập và phát triển sự nghiệp.
Những lĩnh vực như tư vấn, đào tạo và dịch vụ chuyên môn có thể phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng của lao động trung niên. Một số lao động trung niên có thể tìm kiếm các công việc bán thời gian hoặc công việc tạm thời để duy trì thu nhập và có thêm thời gian để học hỏi, phát triển kỹ năng mới. Đối với DN, có thể thiết lập các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao kỹ năng cho lao động trung niên, giúp họ cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết cho công việc.
Nguyệt Hà
- 1.286 chỉ tiêu tại Phiên Giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật
- Mang nhiều cơ hội việc làm cho người lao động khuyết tật
- 35% NLĐ thoải mái sống dựa vào tiền lương hằng tháng
- Tích cực hỗ trợ việc làm với lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước
- Nhu cầu nhân lực có kỹ năng tiếp tục tăng cao trong nhiều ngành nghề