Liên Hợp Quốc: Việc cắt giảm viện trợ đe dọa đến bảo đảm tiêm chủng trẻ em

Thứ Sáu, 25 /07/2025 12:54

Gần 20 triệu trẻ sơ sinh trên thế giới đã bỏ lỡ ít nhất một liều DTP (bạch hầu- uốn ván- ho gà) vào năm ngoái, trong đó có 14,3 triệu trẻ chưa được tiêm chủng một mũi nào.

Liên Hợp Quốc cho biết, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ sơ sinh trên thế giới đã cơ bản ổn định, sau vài năm giảm mạnh do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn không nên chủ quan, bởi “thông tin sai lệch về tính an toàn của vắc-xin” và “cắt giảm viện trợ y tế của một số cường quốc” đang làm chiến dịch bao phủ tiêm chủng nhìn chung bị ảnh hưởng.

Năm ngoái, 85% trẻ sơ sinh trên thế giới, tương đương 109 triệu trẻ, được tiêm đủ 3 liều vắc-xin phòng bệnh bạch hầu- uốn ván- ho gà (DTP), tăng 1%- tương đương với 1 triệu trẻ so với năm 2023. Nhưng ở chiều ngược lại, gần 20 triệu trẻ sơ sinh bỏ lỡ ít nhất một liều DTP, trong đó có 14,3 triệu trẻ chưa được tiêm chủng một mũi nào.

“Tin tốt là nhiều trẻ em đã được tiếp cận với vắc-xin hơn, song hàng triệu trẻ vẫn chưa được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được- điều này đáng để tất cả chúng ta lo lắng”- Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Catherine Russell cho biết.

Dữ liệu cho thấy, 9 quốc gia chiếm tới 52% tổng số trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, bao gồm: Nigeria, Ấn Độ, Sudan, Congo, Ethiopia, Indonesia, Yemen, Afghanistan và Angola. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định: “Như vậy, thế giới đang “đi chệch hướng” trong nỗ lực đạt được mục tiêu đảm bảo 90% trẻ em và thanh thiếu niên được tiêm vắc-xin thiết yếu vào năm 2030. Việc cắt giảm viện trợ y tế của một số cường quốc, cùng với thông tin sai lệch về tính an toàn của vắc-xin, đang đe dọa phá vỡ sự tiến bộ của nhân loại về bao phủ tiêm chủng trong nhiều thập kỷ".

Liên Hợp Quốc cảnh báo, trong tương lai gần, việc tiếp cận vắc-xin của trẻ em trên thế giới vẫn bất bình đẳng. Thêm vào đó, các cuộc xung đột lan rộng làm xói mòn việc tăng cường phạm vi bao phủ tiêm chủng; cắt giảm viện trợ y tế mạnh của Mỹ nói riêng và các quốc gia khác nói chung, có thể khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Đại diện UNICEF cho biết: “Khả năng ứng phó của chúng tôi với các đợt bùng phát dịch bệnh ở gần 50 quốc gia đã bị gián đoạn do việc cắt giảm viện trợ y tế".

Các chuyên gia cũng gióng lên “hồi chuông cảnh báo”, đặc biệt là ở Mỹ, nơi có nhiều thông tin sai lệch về tính an toàn của vắc-xin. Chẳng hạn, thông tin “vắc-xin sởi không hiệu quả” vẫn lan truyền, ngay cả khi quốc gia này đang phải vật lộn với dịch sởi tồi tệ nhất trong 30 năm. Một báo cáo khác cho thấy, năm 2024, 60 quốc gia đã trải qua đợt bùng phát lớn và nghiêm trọng của căn bệnh truyền nhiễm cao này, tăng gần gấp đôi so với con số 33 quốc gia vào năm 2022. Ước tính, năm ngoái có thêm 2 triệu trẻ em trên thế giới được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi so với năm trước đó, nhưng tỷ lệ bao phủ toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với mức 95% cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Về mặt tích cực, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng ngừa nhiều loại bệnh đã tăng dần từ năm 2024, tại 57 quốc gia có thu nhập thấp được Liên minh Vắc-xin Gavi hỗ trợ. Giám đốc điều hành Gavi Sania Nishtar cho biết: "Năm 2024, các quốc gia có thu nhập thấp đã bảo vệ được nhiều trẻ em hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, "dấu hiệu trượt dốc" lại xuất hiện ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao và cao, nơi trước đây tỷ lệ bao phủ đạt ít nhất 90%. Điều này vô cùng quan ngại, vì ngay cả sự sụt giảm nhỏ nhất trong tỷ lệ tiêm chủng cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng".

Tùng Anh (Theo CNA)