Chị N.T.T làm công nhân may tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Mới đây, nghe thông tin trên mạng xã hội và những lời đồn thổi trong công ty, chị T. tỏ ra rất sốt ruột sợ mất quyền lợi của 11 năm tham gia BHXH. Theo cách tính của chị T, nếu rút BHXH một lần thì chị nhận được hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, để được hưởng BHXH một lần theo quy định, chị buộc phải nghỉ công việc ổn định hiện tại, làm tạm một công việc tự do khác để có thu nhập trong khoảng thời gian một năm chờ rút BHXH một lần…
Nhiều NLĐ khác cũng có suy nghĩ như chị T. về việc có nên bỏ công việc ổn định để rút BHXH một lần, để rồi bắt đầu làm lại từ đầu hay không. Tình trạng này khiến không ít DN lâm cảnh lo lắng đối phó, nhất là khi một bộ phận NLĐ có thâm niên làm việc lâu năm có xu hướng chấm dứt HĐLĐ hiện tại và chuyển sang làm việc theo chế độ hợp đồng vụ việc, để chờ sau một năm được nhận BHXH một lần.
Bà Phùng Thị Minh Nghĩa- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (TP.HCM) phản ánh thực trạng các nhà máy đang thiếu nhân sự, nhưng NLĐ chỉ muốn làm thời vụ để không đóng BHXH và có thể nhận BHXH một lần. Những NLĐ này thường ở độ tuổi 30-35, đã có thời gian đóng BHXH trên 10 năm và giờ muốn nhận trợ cấp một lần. “Những NLĐ này có độ chín về nghề, nhưng dễ rời đi để chờ nhận BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp và tìm những DN ký hợp đồng thời vụ để né BHXH. Vì vậy, có thực tế là, DN tuân thủ đúng luật, đóng BHXH đầy đủ, lại có khả năng mất người…”- bà Nghĩa chia sẻ.
Theo đại diện nhiều DN, một bộ phận NLĐ nắm thông tin về Luật BHXH chưa đầy đủ hoặc có cái nhìn ngắn hạn, nên đã xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần. Trong khi đó, các DN lại khó khăn tuyển người mới để thay thế, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của DN. Đáng chú ý, tại một số DN xuất hiện nhiều thông tin trái chiều về các phương án rút BHXH một lần, nên tác động rất lớn đến tâm lý NLĐ. Vì vậy, ngay khi Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến, nhiều NLĐ đã lần lượt làm đơn xin nghỉ việc để “chạy luật”.
Tâm lý chấm dứt HĐLĐ để nhận BHXH một lần không chỉ xảy ra ở TP.HCM, mà còn lan ra nhiều địa phương ở phía Nam, trong đó tỉnh Đồng Nai cũng là “điểm nóng” về thực trạng này. Đơn cử, tại Công ty Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), từ năm 2023 đến nay, nhiều NLĐ khi nghe thông tin giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm, cùng quy định hạn chế hưởng BHXH một lần, nên đã có ý định nghỉ việc sớm để rút BHXH một lần.
Điều này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của các dây chuyền, khi DN phải nỗ lực giữ chân NLĐ để đảm bảo ổn định sản xuất. Đại diện Công ty Pousung cũng nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở NLĐ không nên chạy theo dư luận; tổ chức Công đoàn của Công ty Pousung cũng tích cực tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ bản chất của chính sách và yên tâm tập trung làm việc, song không ít người vẫn bị dao động.
Theo các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, tình trạng trên thường diễn ra ở các DN thâm dụng lao động, một bộ phận NLĐ có thâm niên làm việc từ 10 năm trở lên làm đơn xin nghỉ việc. Điều này khiến DN bối rối, bởi việc thiếu những lao động có tay nghề sẽ tác động khá lớn đến tình hình sản xuất, đáp ứng các đơn hàng đã ký. Đáng nói, mặc dù Công đoàn và DN đã tổ chức tuyên truyền về những điểm mới của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhưng nhiều NLĐ vẫn nghỉ việc để rút BHXH một lần, khiến DN mất đi đội ngũ lao động có tay nghề.
Ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai nhận định, số người hưởng BHXH một lần trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, không những tác động đến tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi lâu dài của NLĐ. “Rút BHXH- khoản tiền dành cho tuổi già để chi tiêu khi còn trẻ, là lựa chọn của trên 378.000 người giai đoạn từ đầu năm 2016 đến quý I/2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”- ông Thành thông tin.
Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay có xu hướng NLĐ có thời gian tham gia BHXH khoảng 10 năm trở lên xin nghỉ việc, không tham gia BHXH để chờ rút BHXH một lần. Hiện có xu hướng tăng độ tuổi hưởng trợ cấp, nhóm người nhận trợ cấp thuộc nhóm độ tuổi từ trên 30 tuổi đến 40 tuổi là cao nhất. Thực trạng này là rất đáng quan ngại, vì ở độ tuổi này, sau khi nhận trợ cấp BHXH một lần, nếu tiếp tục tham gia BHXH, thì tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp, đồng nghĩa lương hưu sẽ không cao, rơi vào bẫy lương hưu thấp dẫn tới không đủ sống.
Các DN cũng nêu ra thực trạng một số công nhân làm đơn nghỉ việc rồi xin vào làm thời vụ không đóng BHXH tại chính công ty cũ. Ban đầu, DN ngần ngại việc ký hợp đồng thời vụ này, song do tình thế thiếu lao động và tiếc cho lao động có tay nghề, nên DN đành chấp nhận tiếp nhận NLĐ vào làm theo chế độ thời vụ. Trong thời gian làm thời vụ, các bên quan hệ lao động theo kiểu đối phó, NLĐ không đóng BHXH để chờ nhận trợ cấp một lần.
Về việc này, Luật sư Nguyễn Đăng Thông- Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định, “cái bắt tay” như trên giữa DN và NLĐ là trái luật, gây ra nhiều hệ lụy. Bởi, hợp đồng này không tuân thủ các quy định pháp luật, khiến phát sinh các tranh chấp quan hệ lao động về sau. Đối với NLĐ, việc chấm dứt HĐLĐ để chờ hưởng trợ cấp cho thấy bản thân họ cũng tự đặt mình vào thế khó.
“Để rút được BHXH một lần, NLĐ đang làm việc chính thức bắt buộc không ký HĐLĐ và không tham gia BHXH trong một năm. Như vậy, vô tình chính họ đã đặt mình vào thế khó, khi tự biến mình thành lao động phi chính thức với rất nhiều rủi ro. Đặc biệt, nếu TNLĐ trong quá trình làm việc hay ốm đau, NLĐ sẽ không được hưởng các chế độ TNLĐ-BNN, ốm đau và các chế độ ngắn hạn khác. Về lâu dài, họ có thể không có lương hưu…”- Luật sư Thông phân tích.
Bài: Trần Đức
Đồ họa: Thanh An