Mất an ninh lương thực ở Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong thế kỷ qua, quốc gia này đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực như công nghệ, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tình trạng mất an ninh lương thực vẫn là một rào cản đáng kể trong quá trình phát triển của Nhật Bản.
Tự túc lương thực có nghĩa là một quốc gia sản xuất ra đủ số lượng lương thực để cung cấp cho toàn bộ dân số mà không cần phải nhập khẩu lương thực từ nước ngoài. Tỷ lệ tự túc lương thực của Nhật Bản chỉ ở mức 38% (tính theo lượng calo cơ bản), cho thấy chưa được một nửa lượng calo cần thiết để cung cấp cho toàn bộ dân số. Trong khi đó, Canada tự hào có tỷ lệ tự túc lương thực lên tới hơn 200%, còn Mỹ và Australia có tỷ lệ vượt quá 100%. Như vậy, có thể thấy, tình trạng mất an ninh lương thực vẫn là một rào cản đáng kể trong quá trình phát triển của Nhật Bản.
Nguyên nhân chính khiến Nhật Bản thiếu khả năng tự túc lương thực là do vị trí địa lý không thuận lợi, hứng chịu động đất và thiên tai nhiều hơn các quốc gia khác. Trong những năm gần đây, hạn hán và mất mùa khá phổ biến, dẫn đến sự suy giảm đều đặn về tỷ lệ tự túc lương thực nói chung. Bên cạnh đó, Nhật Bản từ lâu nhập khẩu các loại lương thực chủ lực như lúa mì và đậu nành chủ yếu từ Mỹ và Trung Quốc. Khi cuộc chiến Nga- Ukraine diễn ra, các quốc gia trước đây nhập khẩu lương thực từ 2 quốc gia này tích cực tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Điều này khiến mặt bằng giá lương thực thế giới tăng cao và có sự cạnh tranh về số lượng nhập khẩu giữa các quốc gia, làm tình trạng mất an ninh lương thực tiếp diễn, thậm chí có xu hướng ngày càng nghiêm trọng.
Hiện tại, Nhật Bản đang duy trì tỷ lệ an ninh lương thực khá cao, chỉ có 3,4% dân số gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo của Nhật Bản tương đối cao so với các quốc gia phát triển khác, ở mức 15,7%. Một phần đáng kể của nhóm nhân khẩu học này là người cao tuổi. Bên cạnh đó, mặc dù Nhật Bản nhập khẩu đủ lương thực nhưng giá trị dinh dưỡng chưa thực sự đáp ứng đầy đủ được yêu cầu, làm nhiều người, đặc biệt là người ở các cộng đồng bị thiệt thòi, chưa có đủ dinh dưỡng.
Vào năm 2022, Chính phủ Nhật Bản đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực trong nước, bao gồm lương thực quan trọng như lúa mì và đậu nành. Ngoài ra, Chính phủ trang bị kiến thức, hướng dẫn từ trường học đến cơ quan, công ty để nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là giới trẻ về dinh dưỡng bữa ăn và lợi ích của việc lựa chọn lương thực theo mùa. Việc nhấn mạnh tính thời vụ đảm bảo rằng chế độ ăn uống của người dân sẽ chủ yếu dựa vào lương thực được sản xuất trong nước; qua đó, tăng tỷ lệ lượng calo tiêu thụ trong khẩu phần ăn của người dân đến từ các nguồn lương thực nội địa.
Như vậy, định hướng đổi mới của Nhật Bản là một bước đi đầy hứa hẹn để nâng cao tự túc lương thực. Bằng cách đầu tư vào nông nghiệp địa phương, ưu tiên lựa chọn lương thực theo mùa và nâng cao nhận thức người dân về dinh dưỡng bữa ăn, Nhật Bản có thể giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu và tăng cường an ninh lương thực. Những nỗ lực này rất quan trọng, không chỉ cho sự ổn định kinh tế quốc gia, mà còn để đảm bảo sức khỏe dinh dưỡng cho mọi người.
Tùng Anh (Theo Tokyo News)
- Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh
- Đài Loan: Nới lỏng quy định Chương trình INTENSE nhằm thu hút sinh viên Việt Nam, Indonesia, Philippines
- Thái Lan phát tiền cho người cao tuổi dịp Tết Nguyên đán
- UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa tương lai trẻ em
- Các quốc gia OECD có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài