Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, DN về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Thứ Hai, 17 /02/2025 10:22

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố có chỉ số hài lòng chưa cao đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và việc cung ứng dịch vụ hành chính công cần phải quan tâm, nỗ lực và hành động quyết liệt hơn để cải thiện chất lượng tổ chức thực hiện chính sách, cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, phục vụ người dân tốt hơn.

Mới đây BHXH Việt Nam đã công Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức cà DN đối với sự phục vụ của ngành BHXH Việt Nam năm 2024. Kết quả tổng hợp cho thấy mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của BHXH Việt Nam nói chung trong cả nước năm 2024 là 87,47%; của 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 82.11% - 95.15%.

Từ các câu hỏi mở trong bảng khảo sát, BHXH Việt Nam đã thu được nhiều ý kiến góp ý đối với việc cung cấp dịch vụ của Ngành, đồng thời ghi nhận được nhiều mong đợi của người dân đối với ngành BHXH Việt Nam, cụ thể: Một số ý kiến mong muốn BHXH Việt Nam cần chủ động hơn trong cung cấp thông tin khi có sự thay đổi chính sách; BHXH Việt Nam cần có cảnh báo thường xuyên với người tham gia, người hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng như hướng dẫn người dân cách nhận biết những ứng dụng chính thống của BHXH Việt Nam với các trang giả mạo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người tham gia, người hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Việc tiếp nhận và phản hồi ý kiến cần phải nhanh chóng hơn để quyền lợi của người dân được đảm bảo kịp thời. Người dân cũng mong muốn BHXH Việt Nam đơn giản hóa thủ tục hành chính: tiếp tục tích hợp hệ thống để người dân có thể hoàn thành thủ tục ở 1 nơi duy nhất, tránh di chuyển nhiều nơi; thủ tục giải quyết trợ cấp tuất với người tham gia BHXH tự nguyện cần đơn giản và phù hợp với tình hình thực tiễn…

Các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo sự công bằng hơn trong quyền tham gia và hưởng thụ đối với người lao động trong các thành phần kinh tế, giữa đối tượng tham gia bắt buộc và tự nguyện, đảm bảo tốt hơn quyền lợi an sinh của người dân.

Về việc cung ứng dịch vụ hành chính công của ngành BHXH Việt Nam/tổ chức dịch vụ thu/tổ chức chi trả/cơ sở KCB BHYT. Người dân mong muốn tăng cường sự thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ, cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế. Tiếp tục tối ưu hóa quy trình xử lý: rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và giảm số lượng thủ tục cần thiết để hoàn thành các yêu cầu, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia. Việc ứng dụng CNTT vào giải quyết các thủ tục hành chính cần có sự kết nối giữa cơ sở dữ liệu – quy định chính sách – quy trình nghiệp vụ tốt hơn để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật.

Người dân cũng mong muốn đội ngũ viên chức trực tiếp giải quyết công việc nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và đồng cảm hơn với người tham gia, người hưởng BHXH, BHYT, ΒΗ thất nghiệp. Tiếp tục đa dạng các kênh tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị về chính sách, thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; nâng cấp đường truyền, hạ tầng kỹ thuật tổng đài chăm sóc khách hàng, mở thêm đầu số và tăng thêm số lượng tổng đài viên, cải thiện chất lượng hệ thống tiếp nhận thông tin trực tuyến…

Trước những ý kiến, đề xuất trên, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương, sử dụng hiệu quả kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, đặc biệt chú trọng các khía cạnh, nội dung mà người dân đánh giá chưa tích cực, hài lòng thấp và các nội dung được người dân mong đợi nhiều; đánh giá, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan của các tồn tại và xác định các giải pháp khắc phục phù hợp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và cung ứng dịch vụ, từ đó nâng cao MĐHL của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH.

Thường xuyên rà soát lại các quy trình nghiệp vụ, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi của chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành, đồng thời thuận lợi nhất cho người tham gia, người hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Có cơ chế kiểm tra, giám sát, đảm bảo các quy trình nghiệp vụ được hiểu, được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia, người hưởng BHXH, BHYT, BHTN. Hàng năm, xây dựng kế hoạch nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH và báo cáo kết quả thực hiện.

Tổ chức triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hành động của đội ngũ công chức, viên chức theo hướng lấy người dân làm trung tâm; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng văn hóa công vụ lấy người dân làm trung tâm trong toàn hệ thống. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc cho người dân; xử lý nghiêm minh những trường hợp có hành vi, thái độ tiêu cực trong thực thi công vụ nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, người dân ngày càng hài lòng hơn.

Tổ chức triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền kịp thời nhằm đảm bảo tất cả cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý và người dân ở địa phương có nhận thức đầy đủ, chính xác về hoạt động, kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân và kế hoạch, kết quả thực hiện nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân. Từng bước cải tiến hệ thống, tăng cường nhân lực, nâng cao chất lượng công tác tư vấn, hỗ trợ qua Tổng đài hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chính sách, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, Fanpage BHXH Việt Nam.

Đặc biệt, BHXH các tỉnh, thành phố có chỉ số hài lòng chưa cao đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và việc cung ứng dịch vụ hành chính công cần phải quan tâm, nỗ lực và hành động quyết liệt hơn trong việc xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan và triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, hiệu quả để cải thiện chất lượng tổ chức thực hiện chính sách, cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, phục vụ người dân tốt hơn.

Thanh Hằng