“Ngành công nghiệp” lừa đảo trực tuyến đang đe dọa toàn cầu

Thứ Ba, 22 /04/2025 12:23

Khi Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar tăng cường trấn áp, các tổ chức tội phạm lừa đảo trực tuyến đang di chuyển trong và ngoài khu vực châu Á đến Nam Mỹ và châu Phi.

Trong một báo cáo ngày 21/4/2025, LHQ cho biết, các tổ chức tội phạm châu Á đứng sau “ngành công nghiệp” lừa đảo trực tuyến trị giá hàng tỷ đô la Mỹ đang mở rộng hoạt động trên toàn cầu, bao gồm cả Nam Mỹ và châu Phi, để né tránh các cuộc truy quét ở Đông Nam Á.

Các nạn nhân đa quốc gia bị lừa đến làm việc tại Myanmar đang đứng trên con tàu tiến về phía biên giới Thái Lan

Theo Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC), vài năm trở lại đây, các tổ chức tội phạm lừa đảo trực tuyến xuất hiện ở Đông Nam Á, mở nhiều khu phức hợp rộng lớn chứa hàng chục nghìn người - nhiều người trong số đó là nạn nhân của nạn buôn người – rồi ép họ lừa đảo trên khắp thế giới. Theo thời gian, quy mô và thủ đoạn tinh vi, hoạt động này đã phát triển thành một “ngành công nghiệp” phạm vi toàn cầu.
“Ngay cả khi chính phủ các quốc gia Đông Nam Á tăng cường trấn áp, các tổ chức tội phạm lừa đảo trực tuyến vẫn duy trì hoạt động ở châu Á, sau đó lan tỏa sang các châu lục khác. Thực tế, chúng ta chỉ mới xử lý tội phạm lừa đảo trực tuyến ở một vài quốc gia, khu vực; tuy nhiên, nếu không đi tận gốc rễ thì không bao giờ loại tội phạm này biến mất, chúng chỉ đơn giản là di cư” – Ông John Wojcik, nhà phân tích khu vực của UNODC, cho biết.

Ước tính có hàng trăm khu phức hợp lừa đảo trực tuyến quy mô lớn trên khắp thế giới, tạo ra hàng chục tỷ đô la Mỹ lợi nhuận hằng năm. Chỉ riêng Mỹ đã báo cáo thiệt hại hơn 5,6 tỷ đô la Mỹ do lừa đảo trực tuyến vào năm 2023; trong đó, hơn 4 triệu đô la Mỹ là hậu quả của các vụ lừa đảo nhắm vào người cao tuổi và đối tượng dễ bị tổn thương. vì vậy, UNODC kêu gọi các quốc gia hợp tác và tăng cường nỗ lực ngăn chặn hành vi của các tổ chức tội phạm này: “Tội phạm lừa đảo trực tuyến có thể nói đã vượt trội so với các loại tội phạm xuyên quốc gia khác. Vì chúng có khả năng mở rộng quy mô dễ dàng và tiếp cận hàng triệu nạn nhân tiềm năng qua hình thức trực tuyến, mà không cần phải di chuyển hoặc buôn bán hàng hóa bất hợp pháp qua biên giới”.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar tiến hành trấn áp các tổ chức tội phạm lừa đảo trực tuyến hoạt động ở biên giới Thái Lan-Myanmar. Thái Lan thậm chí đã cắt điện, cắt nhiên liệu và cắt cung cấp Internet cho các khu vực được xem là có hoạt động lừa đảo. Tuy nhiên, các tổ chức tội phạm đã thích nghi, chuyển hoạt động sang các nơi khác, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa Myanmar, Lào và Campuchia. Tại Campuchia, các tổ chức tội phạm đã vươn đến “những địa điểm xa xôi hơn”, bao gồm tỉnh Koh Kong phía Tây quốc gia này, cũng như các khu vực giáp ranh với Thái Lan và Việt Nam.

Trong các cuộc đàn áp gần đây ở biên giới Thái Lan-Myanmar, lực lượng chức năng đã giải cứu công dân của hơn 50 quốc gia, từ Brazil đến Nigeria, Sri Lanka và Uzbekistan. Điều đó cho thấy, các tổ chức tội phạm lừa đảo trực tuyến nhanh chóng đa dạng hóa lực lượng lao động, tuyển dụng bằng nhiều hình thức lao động từ hàng chục quốc tịch, để khuếch trương hành vi lừa đảo trên toàn cầu. UNODC kêu gọi cộng đồng quốc tế, đây là "thời điểm quan trọng" để chung tay xử lý tội phạm lừa đảo trực tuyến một cách quyết liệt, bởi nếu không sẽ gây ra "hậu quả chưa từng có, không chỉ đối với khu vực Đông Nam Á, mà còn có tác động tiêu cực đến toàn cầu". “Từ Đông Nam Á và châu Á, các tổ chức tội phạm lừa đảo trực tuyến đã mở rộng sang Nam Mỹ, đang tìm cách tăng cường hoạt động rửa tiền với các băng đảng ma túy ở khu vực này. Ngoài ra, cũng mở rộng hoạt động ở châu Phi (Zambia, Angola, Namibia) và Đông Âu, bao gồm cả Georgia” - UNODC cảnh báo.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)