Người dân Myanmar sau hơn một tháng kể từ trận động đất lịch sử
Với hàng chục nghìn người dân vẫn đang cảnh “màn trời, chiếu đất”, trong khi thời tiết gió mùa đang đến gần, các cơ quan cứu trợ đang cảnh báo về những thách thức lớn sắp tới của Myanmar.
Myanmar vừa kỷ niệm một tháng kể từ khi hứng chịu trận động đất dữ dội nhất trong hơn một thế kỷ trở lại đây. Trận động đất mạnh 7,7 độ richter chiều 28/3/2025 được ghi nhận là là trận động đất mạnh nhất có tâm chấn nằm trên đất liền Myanmar kể từ năm 1912, đã khiến gần 3.800 người thiệt mạng theo số liệu chính thức và con số này vẫn đang tăng lên hằng ngày.
Một thành viên gia đình của nạn nhân động đất cầu nguyện trong buổi lễ tưởng niệm
Sự tàn phá tập trung ở thành phố đông dân thứ hai Myanmar là Mandalay- nơi các căn hộ, quán trà, khách sạn và học viện Tôn giáo bị san bằng hoặc hư hại nặng nề. “Đã một tháng trôi qua nhưng chúng tôi vẫn rất bận rộn để cố gắng lấy lại những gì đã mất. Tôi không phải là người duy nhất gặp khó khăn. Tất cả mọi người xung quanh tôi đều như vậy”- một cư dân Mandalay yêu cầu giấu tên cho biết.
Các cuộc ném bom quân sự không ngừng mặc dù đã có lệnh ngừng bắn nhân đạo, hàng nghìn người sống sót phải cắm trại trong các nơi trú ẩn tạm thời. Thêm vào hàng chục nghìn người dân vẫn đang cảnh “màn trời, chiếu đất” vì thiệt hại của động đất, trong khi thời tiết gió mùa đang đến gần, các cơ quan cứu trợ đang cảnh báo về những thách thức lớn sắp tới của Myanmar.
Bà Nadia Khoury, Trưởng Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Myanmar cho biết: "Mọi người đang vô cùng lo ngại về những gì sẽ xảy ra trong vài tuần tới. Chúng tôi đang lập kế hoạch cứu trợ trong 2 năm vì quy mô thiệt hại thực tế của trận động đất này thực sự rất lớn".
Quân đội- lực lượng “châm ngòi” cho cuộc chiến ở Myanmar bằng cách giành quyền lực trong cuộc đảo chính năm 2021- đã tuyên bố ngừng bắn để thúc đẩy các nỗ lực cứu trợ bắt đầu từ ngày 2/4/2025. Tuy nhiên, các giám sát viên từ Trung tâm Phục hồi thông tin (có trụ sở tại Vương quốc Anh) ghi nhận, vẫn có tới 65 cuộc không kích quân sự trong tháng 4. Trong đó, có một cuộc tấn công làm 5 người chết, 8 người bị thương xảy ra tại một ngôi làng ở ngoại ô Thị trấn Tabayin, cách tâm chấn động đất 100km về phía Tây Bắc.
Sau 4 năm chiến tranh, một nửa dân số Myanmar phải sống trong cảnh nghèo đói và 3,5 triệu người phải di dời trước khi trận động đất ngày 28/3 xảy ra. Bà Nadia Khour cho biết, hiện một số khu vực ở Myanmar bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất vẫn có nhu cầu hỗ trợ nhân đạo cao vì còn là nơi tiếp nhận người phải di dời do chiến sự. Trong khi đó, trước trận động đất, quốc gia với hơn 50 triệu dân này cũng đang phải ứng phó với tác động của việc hao hụt viện trợ quốc tế sau chiến dịch cắt giảm ngân sách nhân đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme, WFP) của LHQ tuyên bố sẽ cắt 1 triệu đô la viện trợ lương thực quan trọng bắt đầu từ tháng 5/2025 này do "thiếu hụt nguồn tài chính nghiêm trọng".
Tùng Anh (Theo Yangon’s News)