“Nhành hoa” giữa núi rừng Đông Bắc

Chủ nhật, 09 /02/2020 07:52

Ẩn mình giữa rừng núi Đông Bắc với nét đẹp và sự hấp dẫn riêng biệt, mảnh đất Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) là nơi những cán bộ BHXH vẫn luôn ngày đêm âm thầm cống hiến sức mình cho sự nghiệp an sinh. Họ như những “nhành hoa” không tên, mang hơi thở của núi rừng, tinh tế, mộc mạc và bền bỉ đến phi thường…

Người cán bộ luôn lấy dân làm gốc

Rong ruổi trên chiếc xe máy đỏ trầy xước sơn, bao nhiêu năm qua, chị Hoàng Thị Bích Xuân- bộ phận Chế độ BHXH (BHXH huyện Nguyên Bình) không quản ngại thời tiết, đường sá xa xôi cách trở đưa chính sách an sinh lan tỏa đến mọi nhà. Bon bon qua con đường đã trải bê tông trắng ngà, chị Xuân kể cho tôi nghe về năm tháng tuổi trẻ của mình và những con người nơi đây… “Đồng bào ở đây còn nghèo lắm, cuộc sống chật vật lo cái ăn cái mặc còn chưa đủ chứ đừng nói đến những cái khác. Hồi đầu khi đi tuyên truyền, có người không hiểu hoặc không quan tâm, nhưng mình phải kiên trì em ạ. Chị cũng là người dân tộc nên chị hiểu và thương đồng bào mình nhiều lắm!...”- chị Xuân mở đầu câu chuyện.

 

Chị Hoàng Thị Bích Xuân

Vốn là người dân tộc Nùng ở huyện Hòa An, đầu năm 1996, chị được BHXH tỉnh Cao Bằng tuyển dụng và điều động lên BHXH huyện Nguyên Bình công tác. Chân ướt chân ráo vào nghề, chị được giao nhiệm vụ chuyên quản thu. Một thời gian sau, do yêu cầu công việc, chị được điều động sang làm chuyên quản chế độ chính sách. Đến khi sáp nhập BHYT vào BHXH, chị lại được cơ quan phân công làm công tác giám định BHYT.

“Đúng là duyên số đưa đẩy, chị lại quay về bộ phận Chế độ BHXH. Mặc dù còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ mỗi khi mình sang một lĩnh vực mới, nhưng là người của Ngành thì mình luôn phấn đấu học hỏi, trau dồi kiến thức và thay đổi bản thân sao cho phù hợp để phục vụ người dân một cách tốt nhất, mang đến sự hài lòng tuyệt đối. Từ đó, mới có thể thay đổi nhận thức của người dân về chính sách”- chị Xuân tâm sự.

Gắn bó với mảnh đất Nguyên Bình đã hơn 20 năm, chị Xuân cũng như các cán bộ của BHXH huyện Nguyên Bình luôn khắc ghi bài học “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, khẩu hiệu “trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” luôn được các anh chị nêu cao trong công tác tiếp dân và tuyên truyền chính sách tới người dân. Mỗi khi người dân gặp khó khăn, chị Xuân luôn đứng lên kêu gọi mọi người chung tay đóng góp, giúp đỡ và thăm hỏi kịp thời… Có lẽ vì thế, người dân nơi đây coi chị và các cán bộ BHXH như người thân trong gia đình.

An sinh bao phủ khắp bản làng

Nhằm đúng ngày họp chợ, chị Xuân chở tôi đi một vòng trải nghiệm, khám phá, nhân thể gặp gỡ, hỏi chuyện bà con. Vừa đến cổng chợ, tôi đã nghe những tiếng chào từ xa: “Cô Xuân đấy à!”, “Cô đi đâu đấy?”, “Đi cùng ai thế kia?”... Chị Xuân cười giới thiệu tôi với mọi người bằng tiếng dân tộc, làm mọi sự chú ý đổ dồn vào tôi. Tôi nói đùa: “Chị Xuân cứ như người nổi tiếng ấy nhỉ...”; liền có tiếng tiếp lời: “Đúng rồi, ở đây ai mà không biết cô Xuân cơ chứ!”.

Chị Hoàng Thị Bích Xuân đang tư vấn cho người dân về BHXH, BHYT

Một tiếng nói vọng ra từ phía quán phở trong góc chợ “Cô Xuân đi chợ đấy à, ăn sáng chưa vào đây đi”... Hóa ra, đó là chị Cần, người mới tham gia BHXH tự nguyện từ đầu năm nay. Hỏi chuyện mới biết, nhờ sự vận động, tuyên truyền của các cán bộ BHXH, chị Cần hiểu được lợi ích thiết thực của chính sách BHXH tự nguyện nên đã quyết định tham gia cho cả 2 vợ chồng. Cũng như phần lớn người dân ở đây, chị Cần không có công việc ổn định, chỉ làm nông và nuôi vài con lợn, con gà, khi nào họp chợ lại ra bán phở thuê. “Từ khi có sổ BHXH, tôi vui lắm! Nghĩ tới sau này về già có lương hưu, chúng tôi không phải lo chạy ăn từng bữa nữa… Cũng may nhờ có các cán bộ BHXH như chị Xuân, chúng tôi mới biết đến chính sách BHXH tự nguyện”- chị Cần hồ hởi nói.

Chào tạm biệt chị Cần và không khí tấp nập của phiên chợ vùng cao, chúng tôi lại lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Đi qua chiếc cầu bắc ngang con suối nhỏ với những dòng nước chảy xanh biếc, chúng tôi đến nhà cô Hoàng Thị Lan- Trưởng xóm Khuổi Bó- là xóm vùng 3 thuộc diện đặc biệt khó khăn của thị trấn Nguyên Bình.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Lan cho biết, xóm Khuổi Bó có 48 hộ nhưng chia thành 2 vùng là vùng đồng và vùng cao, 22 hộ người Tày ở vùng đồng khá thuận lợi, còn 26 hộ người Dao ở vùng cao thì đường sá đi lại rất khó khăn. “Tuy đường đi lại khó khăn, nhưng các cán bộ BHXH huyện thường xuyên xuống địa bàn kết hợp với cô tổ chức họp xóm tuyên truyền, vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện và giải thích chi tiết lợi ích của chính sách; đồng thời, hướng dẫn bà con sử dụng thẻ BHYT đúng cách”- cô Lan chia sẻ.

Theo cô Lan, ngày xưa nói đến BHXH, BHYT, nhiều người dân ở đây chẳng biết đó là cái gì, vì hằng ngày họ chỉ biết cặm cụi đi làm nương rẫy kiếm ăn qua ngày. Những năm gần đây, với sự phát triển kinh tế, đời sống người dân được cải thiện. Đặc biệt, nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của các cán bộ BHXH huyện như chị Xuân đã giúp bà con hiểu rõ chính sách BHXH, BHYT là 2 chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước, giúp chăm lo cho đời sống người dân được ấm no hạnh phúc…

Thanh Hằng